Ngày đăng : 13/09/2017

Khám phá hành trình nhận thức của trẻ qua ba tác phẩm của Jean Piaget


Để dạy trẻ, trước hết ta cần hiểu các em và cách tìm hiểu bài bản nhất là thông qua những bộ sách kinh điển.

Ở Việt Nam, phần lớn cha mẹ và các nhà sư phạm bậc mầm non – tiểu học đều đã quen thuộc với phương pháp giáo dục Montessori, chấp nhận sự duy nhất của mỗi trẻ và cho phép trẻ phát triển theo khả năng riêng biệt.

 

Cùng kết luận đó, nếu như Maria Montessori chủ yếu đưa ra lời khuyên thực hành thì một nhà khoa học khác là Jean Piaget lại lý giải những vấn đề gốc rễ: nhận thức là gì và được hình thành như thế nào.

 

Trong buổi giới thiệu sách tại Trung tâm văn hóa Pháp, Hà Nội, độc giả đã được tìm hiểu về bộ ba cuốn sách nghiên cứu về tâm lý học giáo dục của Jean Piaget: Sự ra đời trí khôn ở trẻ em, Sự hình thành biểu tượng ở trẻ em và Sự xây dựng cái thực ở trẻ. GS Chu Hảo nhận định: “Có thể nói đây là bộ sách gối đầu giường của những nhà nghiên cứu tâm lý trẻ em.”

 

Tác giả Jean Piaget là triết gia, nhà tâm lý học người Thụy Sĩ, nổi tiếng với những công trình nghiên cứu quá trình nhận thức của con người, đặc biệt là trẻ em. Sự nghiệp nghiên cứu của ông bắt đầu rất sớm, từ năm 15 tuổi ông đã có bài đăng trên các tạp chí khoa học và năm 22 tuổi lấy bằng tiến sĩ.

 

Tuy rằng ban đầu, lĩnh vực ông nghiên cứu là động vật thân mềm nhưng sau đó ông đã bị cuốn hút bởi khoa học về nhận thức. Ông đã quyết định dành cả đời mình cho nghiên cứu về nhận thức đi từ sự lý giải sinh vật học.

 

Đặc biệt, Jean Piaget hết sức coi trọng việc giáo dục trẻ em. Ông từng tuyên bố: “Chỉ có giáo dục có khả năng cứu các xã hội của chúng ta khỏi sự sụp đổ có thể xảy ra, sụp đổ dữ dội hay từng bước.”

 

Bộ sách nghiên cứu tâm lý học giáo dục của Jean Piaget.

Bộ ba công trình nghiên cứu cơ sở về tâm lý học phát triển được Jean Piaget xây dựng dựa trên sự quan sát hành vi của ba người con của chính mình, cùng với những học trò tại trường J. J. Rousseau nơi ông làm việc. Từ đó, ông khám phá được một phát hiện giá trị: tiến trình nhận thức của trẻ được chia thành nhiều giai đoạn, trong đó quan trọng nhất là 9 tháng trong bụng mẹ và 2 năm đầu đời.

 

Trong thời gian này, người lớn thường dễ dàng nhận thấy biểu hiện của trí khôn ở đứa bé. Có những em nói chuyện rất thu hút, có em lầm lì nhưng lại rất khéo tay, lại có những em đặc biệt nhanh nhạy với những con số. Nhưng để xây dựng một phương pháp giáo dục khoa học, cha mẹ và giáo viên không thể chỉ dừng lại ở việc phát hiện trí khôn, mà còn cần hiểu về sự hình thành của nó.

 

Theo Piaget, trí khôn không tự nhiên mà có và không xuất hiện đột ngột. Các nhà sư phạm, trong đó có bậc phụ huynh cần ý thức điều này để tránh ảo tưởng và có thói quen sai lầm như dạy trẻ bằng cách bắt học thuộc.

 

Diễn giả, nhà giáo Phạm Toàn minh họa lý thuyết này bằng một ví dụ thú vị: khi bắt đứa bé phải chào hỏi, trẻ sẽ chỉ có phản xạ lặp lại câu chào một cách máy móc, thụ động. Cho đến khi hiểu được chào để làm gì, lúc nào cần chào, chào như thế nào,… đứa bé mới bắt đầu hình thành nhận thức chính xác và biết chào đúng chỗ, đúng cách. Chính vì vậy, người lớn cần từ tốn hơn, đừng sốt ruột mà hãy tôn trọng tốc độ tự nhiên của các em.

 

Ngoài ra, trong bộ ba cuốn sách Sự ra đời trí khôn ở trẻ em, Sự hình thành biểu tượng ở trẻ em, Sự xây dựng cái thực ở trẻ, Jean Piaget còn bóc tách quá trình trẻ em nhận biết thế giới khách quan, cũng như sự hình thành và phát triển tư duy từ trí khôn cảm giác vận động đến tư duy biểu trưng, và tư duy người.

 

Tại buổi giới thiệu sách, nhà giáo Phạm Toàn, trưởng nhóm hoạt động vì giáo dục Cánh Buồm cho biết mình và các cộng sự không đọc Piaget theo cách uyên bác mà vừa đọc vừa ứng dụng vào giảng dạy. Những triết lý giáo dục của Piaget đã được nhóm Cánh Buồm cụ thể hóa trong Tủ sách giáo khoa do nhóm biên soạn độc lập, cùng những tiết học ứng dụng phương pháp Cánh Buồm. Tương tự, các bậc phụ huynh, giáo viên, nhà nghiên cứu mỗi người có thể tự tìm cho mình cách đọc và tận dụng bộ sách giá trị này.

 

Thiên Trang

Nguồn: Zing.vn