Ngày đăng : 22/11/2015

Tháng 11 - Sách hay nên đọc (tuần 3)


Cô Tư Hồng, Đào Trinh Nhất, Tao Đàn & Nxb Văn Học, 11/2015, 238 trang, 76.000 VND

Cô Tư Hồng của Đào Trinh Nhất, Trung Bắc Thư Xã xuất bản lần đầu năm 1941, được tác giả định danh là tiểu thuyết lịch sử. Trước đó, cuốn tiểu thuyết được đăng nhiều kỳ trên báo Trung Bắc Tân Văn Chủ Nhật; và theo nhà nghiên cứu Chương Thâu, vào thời điểm ấy: “Truyện viết vừa ra đời đã được hoan nghênh. Người ta nô nức chờ đợi hàng tuần để đón đọc trên báo, liên tiếp từ số trước đến số sau”.

Những thông tin trên gợi mở nhiều điều đáng suy nghĩ về một nhân vật, về một tiểu thuyết lịch sử, về một phần sự thật mà không nhiều người tường tận. Tuy nội dung xoay quanh một bậc nữ lưu có dấu ấn đặc biệt trong lịch sử hồi đầu thế kỷ XX, Cô Tư Hồng vẫn không được xếp cùng loại với những cuốn sách viết về Phan Đình Phùng, Lương Ngọc Quyến, Vương An Thạch, Vương Dương Minh... vốn được xem là các khảo cứu và khẳng định tên tuổi của Đào Trinh Nhất như một người viết sử có uy tín, dù trên thực tế, có thể nhận thấy nhiều thủ pháp của tự sự hư cấu được sử dụng một cách tự nhiên ngay trong những tác phẩm lịch sử mà ta vừa nhắc đến. Sự phân biệt giữa “tiểu thuyết” và “lịch sử” ở đây có lẽ chủ yếu dựa vào đối tượng: đối tượng của tiểu thuyết là những hiện tượng, những nhân vật lịch sử bị ngoại biên hóa. Chất liệu để xây dựng một nhân vật của tiểu thuyết lịch sử, do vậy, được khai thác từ nguồn giai thoại: những lời đồn đại, những bí mật được truyền tai, những sự việc được li kì hóa. Tiểu thuyết Cô Tư Hồng của Đào Trinh Nhất được xây dựng trên một loạt các giai thoại về người phụ nữ từng khuynh đảo đất Hà thành. Đào Trinh Nhất liên kết các giai thoại ấy không theo mạch biên niên của lối chép sử thông thường mà bắt đầu từ một lát cắt ở giữa cuộc đời nhân vật, trần thuật theo cách khơi dậy sự tò mò, phán đoán và chờ đợi ở người đọc - một thủ pháp phổ biến của các tiểu thuyết dài kỳ trên báo. (Xem toàn văn tại đây)

Tôi bị bố bắt cóc, Itsuyo Kakuta, An Nhiên dịch, Alphabooks & Nxb Dân Trí, 2015, 180 trang, 69.000 VND

Tôi bị bố bắt cóc viết về một chuyến nghỉ hè.

Đây là một chuyến nghỉ hè "lạ lùng" - bởi người ta đi nghỉ cùng tên bắt cóc!

Đây là một chuyến bắt cóc "lạ lùng" - bởi kẻ bắt cóc là bố, "một người lớn không tốt!" và người bị bắt cóc là con gái "còn không biết là mình yêu hay ghét bố nữa" (vì người ta phải gặp nhau thì mới biết yêu, hay ghét).

Thế nhưng, chuyến đi của hai người - thủ phạm Takashi và nạn nhân Haru, hay chính xác là bố và con - không hề mất đi tính gay cấn, hồi hộp của một chuyến “bắt cóc” và cũng không thiếu những thú vị, trong trẻo, yêu thương của một chuyến “du lịch gia đình”.

Hơn tất cả, đây là "một chuyến đi sẽ nối liền trái tim đứa bé và cha mẹ vì lý do nào đó phải sống xa nhau".

Nhà văn nổi tiếng Nhật Bản Shigematsu Kiyoshi nhận xét: "Cuốn sách cần thiết cho những người lớn đang chật vật với những khó khăn của việc làm cha, làm mẹ".

Tình cát, Nguyễn Quang Lập, Phương Nam & Nxb Hội Nhà văn, 2015, 312 trang, 97.000 VND

Tình cát tiếp tục truyện Xóm Cát đã dược tác giả viết ra cách đây ba mươi năm trong tiểu thuyết Những mảnh đời đen trắng và kịch nói Mùa hạ cay đắng. Bộ ba tác phẩm và cặp đôi nhân vật Hoàng – Thuỳ Linh đã cùng Nguyễn Quang Lập băng qua Sa Mạc Trắng cuộc đời và văn chương.

Tình cát – một tiểu thuyết hiện đại đậm chất dân gian, đầy kịch tính và giàu chất thơ” (Nguyễn Duy)

“Ngấu nghiến từng chữ nhựng không phải đang đọc. Tình cát là những thước phim, theo thì bị lôi kéo, dừng lại thì bị ám ảnh. Nguyễn Quang Lập lại thành công khi chứng minh, cho dù chân cẳng thế nào, anh vẫn sải những bước dài vững chắc” (Huy Đức)

“Có một thứ gì đó như ma ám được sinh ra từ chiến tranh, khiến cho con người thời hậu chiến cứ mê mê, tỉnh tỉnh” (Lê Thanh Phong)