Ngày đăng : 11/12/2015

Tháng 12 - Sách hay nên đọc (tuần 1)


Faust, Johann Wolfgang von Goethe, Quang Chiến dịch, Nhã Nam & Nxb Văn học, 12/2015, 580 trang, 140.000 VND


Trong đêm tối nghìn năm Trung cổ, nhân loại dần tỉnh giấc, dấn bước kiếm tìm giá trị bản thân và nhận thức thế giới. Trên chặng đường đó, đã sinh ra Faust - một nhân vật có thật, được huyền thoại hóa nhiều vào bậc nhất lịch sử thế giới, cả trong văn học dân gian lẫn văn học bác học, với đỉnh cao của mọi đỉnh cao là Faust của Johann Wolfgang von Goethe.

Là quân bài trong ván bài cá cược giữa Đức Chúa Trời và Quỷ, khi già nua, tinh thần kiệt quệ, Faust đã lấy máu mình ký kết một bản hợp đồng thật hoang đường - bán linh hồn cho Quỷ. Rồi Quỷ làm bùa phép, trẻ hóa vị học giả thông kim bác cổ. Faust, trong khát vọng cháy bỏng muốn khám phá bí mật của tự nhiên và tận hưởng lạc thú thế gian, diễu qua sân khấu cuộc đời với nhiều diện mạo. Nhưng dù là ai, kẻ ăn chơi phóng đãng, hay bậc anh hùng chinh phục thế giới, trong thời đại của phong trào 'Bão táp và Xung kích', Faust của Goethe - vẫn luôn là người hành động, không ngừng vươn lên, trưởng thành qua mọi bi kịch để nhận ra ý nghĩa của hiện hữu, vĩnh viễn là tượng đài trường tồn uy nghi cho tinh thần của nhân loại cách mạng và hiện đại.

"Faust là sự tinh túy trong sáng nhất, sâu sắc nhất của thời đại, được tạo ra từ những gì mà toàn bộ thời đại chứa đựng và cả những gì thời gian sẽ còn chứa đựng." - Friedrich Wilhelm Joseph Schelling, triết gia Đức

Thanh – Việt nghị hòa, Nguyễn Duy Chính, Nxb Văn hóa – Văn nghệ, 11/2015, 388 trang, 108.000 VND


Trong tiến trình đàm phán, nhà Thanh đã dàn ra một vở kịch lớn để từ từ xóa đi nỗi nhục bại trận với nhiều tướng lãnh cao cấp tử thương. Vở kịch đó hoàn hảo đến nỗi nhiều sử gia Trung Hoa – cả đại lục lẫn Đài Loan – vẫn nhấn mạnh vào việc nước ta cầu hòa (mà họ gọi là khất hàng) được nhà Thanh chấp nhận mặc dù trên ngôn từ ngoại giao, cầu hòa không đồng nghĩa với khiếp nhược.

Việc phong Vương cho vua Quang Trung là một tiến trình cam go không chỉ thu hẹp trong việc nhà Thanh chấp nhận một An Nam quốc vương mà còn là một cuộc đấu trí để đi đến một “win-win solution” như lối nói ngày nay. Thành quả của đường lối ngoại giao này hoàn toàn không do đút lót cho Phúc Khang An như vài hàng trong sử triều Nguyễn đã chép.

Sài Gòn bao nhớ…, Đàm Hà Phú, Nhã Nam & Nxb Hội Nhà văn, 12/2015, 214 trang, 60.000 VND


"Bạn có thể nhớ về cha mẹ như về những người đã đánh đòn bạn, họ già cả và trái tính trái nết, đôi lúc khó khăn đến khắc nghiệt... và bạn cũng có thể nhớ về cha mẹ như những người gần như duy nhất trên hành tinh này đã luôn yêu thương, chăm sóc và hy sinh tất cả cho bạn, vô điều kiện. Bạn có thể nhớ về Sài Gòn như về một chốn xô bồ, đầy kẹt xe, bụi bặm, cướp giật, xì ke và lừa lọc... hoặc bạn cũng có thể chọn nhớ về Sài Gòn như về mảnh đất đã cưu mang mười triệu con người, mảnh đất của tình nghĩa, phóng khoáng và hào hiệp.

Bạn được quyền lựa chọn ký ức đẹp."

Ít có thành phố nào mà những con người từ nơi khác đến, ở lại và chọn làm quê hương, đều viết về nó bằng những lời đầy yêu thương như vậy. Sài Gòn, đặc tính Sài Gòn, cốt cách Sài Gòn, liệu có bao giờ người ta nói được hết về nó chăng?.. Đàm Hà Phú không viết những lời văn hoa to tát, và không viết về "người tốt việc tốt" của Sài Gòn. Anh viết bằng giọng thô mộc, thuần phác của người Sài Gòn, sự thô mộc thuần phác mà tự nó như một chất ngọc, và viết về những "người thường việc thường" của Sài Gòn, một sự bình thường lấp lánh ánh sáng của chất ngọc ấy, thứ chất ngọc không tự thấy mình là ngọc. 

Đọc Sài Gòn bao nhớ... để thêm yêu Sài Gòn, và để biết rằng mình không bao giờ có thể biết đủ về thành phố này.