Ngày đăng : 27/01/2016

Tháng 1/2016 - Sách hay nên đọc (tuần 4)


Việt Nam sử lược, Trần Trọng Kim, Nhã Nam & Nxb Văn Học, 01/2016, 490 trang, 108.000 VNĐ

Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim xuất bản lần đầu năm 1920, dựa trên những nghiên cứu trước đó như Nam sử tiểu học và Sơ học An Namsử lược từ những năm 1914 -1917, là bộ thông sử viết bằng chữ quốc ngữ đầu tiên của Việt Nam được soạn theo phương pháp hiện đại.

Với Việt Nam sử lược, sử học Việt Nam lần đầu tiên có một công trình thoát ly được khỏi lối chép sử biên niên truyền thống của Trung Quốc vốn chỉ nêu lên từng sự kiện riêng lẻ, rời rạc. Việt Nam sử lược trình bày các diễn biến lịch sử thành một câu chuyện liên tục và hấp dẫn, cho người đọc thấy được mối liên lạc nhân quả, biện chứng giữa các sự kiện xảy ra theo dòng thời gian. Ngoài ra, khác với lối chép sử của các sử thần thời phong kiến thường chỉ chú ý ghi chép hành vi, hoạt động của vua chúa quan lại, những cuộc tranh bá đồ vương, Việt Nam sử lược trái lại đã bắt đầu chú ý nhiều đến những sự kiện liên quan đời sống thực tế của dân chúng, sinh hoạt của xã hội, phong tục, tín ngưỡng, v.v... Tất cả đều được thể hiện với một thái độ điềm tĩnh, khách quan, và công bằng đúng như một sử gia cần có.

Từ lâu đã được coi là tác phẩm kinh điển của sử học Việt Nam, cũng là cuốn sách để đời của học giả Trần Trọng Kim, Việt Nam sử lược hiện vẫn là bộ tín sử ngắn gọn súc tích, dễ nhớ dễ hiểu, sinh động và hấp dẫn nhất từ trước đến nay. Một kiệt tác luôn cần được đọc và đọc lại. 

Nghề thầy, Hoàng Đạo Thúy, Sách Khai Tâm & Nxb Khoa Học Xã Hội, 01/2016, 148 trang, 54.000 VNĐ

Quyển sách là sự nhìn nhận lại từ bên trong sâu thẳm tâm hồn Việt Nam, để nêu ra một phương pháp giáo dục đầy tính nhân bản. Ta sẽ bắt gặp những tinh anh của cha ông để lại kết hợp với lối giáo dục phối hợp Đông - Tây, Kim - Cổ. "Từ cái tính thiện, phép tu thân của Khổng Mạnh, đến việc bú sữa mẹ, dạy trẻ bằng lao động tay chân trong thiên nhiên rộng lớn của J. J Rousseau… khi đọc hết cuốn sách, chúng ta đều học được những kinh nghiệm của ông bà chúng mình, những thành tựu của dân tộc chúng mình trong sự nghiệp giáo dục, cái sự nghiệp đã đào tạo nên biết bao anh hùng, liệt nữ"(1). Việc giáo dục trẻ nhỏ cần phải có sự kết hợp giữa giáo dục gia đình và người thầy. Và, mục đích của người thầy "là đem lũ trẻ con người ta trao cho, mà rèn giũa sao cho nên người, nên người có hiếu, sau này gây được gia đình bền chặt, người dân tốt giúp được nước, người có tâm với thiên hạ, làm người biết đạo người, sống hợp với lẽ trời đất". Bởi, "trong một độ khá lâu, người ta đã chỉ trọng có mỗi một việc học, nói rằng: "Đi nhà trường, để học đọc, học viết, học tính, để thi đỗ, để rồi đi làm thì đủ thứ sung sướng". Vì hiểu như vậy mà làm sai lạc cả mục đích của việc giáo dục. Thu hẹp việc giáo dục vào một chỗ học để kiếm tiền thôi, thì thiếu thốn quá. Đã hướng cả công trình giáo dục vào một việc tầm thường thì chỉ bổ cho một lòng dục, lòng dục ấy sẽ phát rộng và mạnh ra, lại thêm không có sức đạo đức ngăn cản, thì nguy lắm".

Xứ Jorai, Jacques Dournes, Nguyên Ngọc dịch, Nhã Nam & Nxb Thế Giới, 01/2016, 106 trang, 65.000 VNĐ

Một phần tư thế kỷ sống ở Tây Nguyên đã cho phép Jacques Dournes sưu tầm được những thông tin bổ ích cho nhiều nghiên cứu nhân học của ông, và cũng giúp ông thu nhập một bộ ảnh quý ngày nay được lưu giữ ở thư viện ảnh của Phái bộ Truyền giáo Hải ngoại tại Paris. Với một lọ keo dán, một cái kéo, giấy và bút món dụng cụ thủ công đẹp đẽ của một người dàn trang thế kỷ XX, ông đã tập hợp những bức hay nhất trong số những hình ảnh ấy cho cuốn sách "Xứ Jorai", nhằm góp phần làm rõ hơn chân dung của tộc người này, điều kiện cư trú của họ, cảnh quan nơi họ sống, những phong tục và tập quán của họ còn tồn tại trong những năm 1950-1960. Bộ ảnh được xuât bản ở đây với những ghi chú ở từng trang do chính tay của Jacques Dournes, khiến cho bằng chứng này đậm tính xác thực và xúc động.