Ngày đăng : 20/01/2016

Tháng 1/2016 - Sách hay nên đọc (tuần 3)


Lá thư hè, Alphonse Daudet, Nhã Nam & Nxb Văn Học, 01/2016, 167 trang, 38.000 VNĐ

Chính Alphonse Daudet đã viết: “Đây chính là tác phẩm tôi thích nhất, không phải về phương diện văn chương mà bởi tác phẩm này đã nhắc tôi nhớ những giờ khắc đẹp đẽ nhất của tuổi trẻ, những trận cười điên cuồng, những phút say mê không hối tiếc, những bộ mặt, những bóng dáng bạn bè mà sau này tôi không còn gặp lại bao giờ.”

Vậy thì dành thời gian thưởng thức Lá thư hè khác nào một cách ngắn gọn nhất để hiểu về một trong những đại văn hào Pháp, và thêm nữa, bồi đắp nỗi hoài nhớ tuổi hoa niên vốn lắng đọng đâu đó trong mỗi con người chúng ta...

Sài Gòn - Chuyện đời của phố 3, Phạm Công Luận, Phương Nam & Nxb Văn hóa – Văn nghệ, 01/2016, 350 trang, 345.000 VNĐ

Những câu chuyện trong Sài Gòn - Chuyện đời của phố 3, nói như cách của tác giả Phạm Công Luận là “những câu chuyện “trên bờ” của dòng lịch sử”, nhưng chúng giúp cho người đọc hình dung rõ và sinh động hơn một dòng chảy lịch sử một Sài Gòn đã trôi qua. Ký ức đô thị này may mắn được truyền giữ theo cách riêng cùng với sự ra đời của cuốn sách này. Nếu đô thị không có ký ức, theo tác giả “cũng như một con người không nhớ gì về nơi mình sinh ra, lớn lên và cách mình trưởng thành ra sao. Nếu vậy, sẽ không biết cách đánh giá đúng các giá trị để chọn lọc, giữ gìn và truyền lưu”.

Những chấn thương tâm lý hiện đại, Vương Trí Nhàn, Nhã Nam & Nxb Hội Nhà văn, 224 trang, 60.000 VNĐ

“Hồi còn thời bao cấp, tôi thường hình dung cái vội của dân mình như người có cái xe đạp đã tàng đã cũ, cứ phải rướn cổ cò mà đạp trên con đường quê gồ ghề. Còn ngày nay thường đến với tôi là hình ảnh những người đi xe máy rồ ga còi bóp inh ỏi, đưa xe lên cả vỉa hè, nhưng chẳng để làm gì ngoài việc lăn từ đám tắc đường này sang đám tắc đường khác. Mà cả thành phố thì trì trệ ì ạch, dấu hiệu còn lại của thời buổi kinh tế thị trường chỉ là một sự nhốn nháo.”

Nhà phê bình Vương Trí Nhàn đi nhiều, đọc nhiều và chưa bao giờ thôi quan sát những chuyển động không ngừng trong cuộc sống thường nhật. Từ hành động của một nhân vật trong trang sách của Nam Cao, cho đến lời nói của một anh xích lô trên phố đều có thể trở thành chất liệu cho ông đặt ra những câu hỏi thiết thực về xã hội đương đại: Chúng ta đang sống như thế nào? Người dân mình có tiền thì làm gì? Tại sao lại có cái tình trạng nhân thế như chúng ta đang thấy?

Những chấn thương tâm lý hiện đại đánh dấu sự trở lại đầy bất ngờ của thể loại phiếm luận, của một ngòi bút sắc sảo, và hơn hết là của một bữa tiệc văn hóa đa dạng mà khách mời không phải ai khác chính là cuộc sống.