Ngày đăng : 24/12/2015

Tháng 12 - Sách hay nên đọc (tuần 3)


Oscar và bà áo hồng, Eric-Emmanuel Schmitt, Ngô Bảo Châu & Nguyễn Khiếu Anh dịch, Nhã Nam & Nxb Văn Học, 12/2015, 104 trang, 45.000 VND

Cuốn sách gồm những bức thư gửi Chúa từ một cậu bé mười tuổi, nhóc Oscar, biệt danh Sọ Trứng, vì cái đầu trọc - hệ quả sau đợt điều trị hóa chất do bệnh máu trắng. Oscar kể với Chúa về những mong ước của mình, về những gì diễn ra trong mười hai ngày có lẽ là cuối cùng của cuộc đời cậu. Những lá thư ấy đã được bà Hoa Hồng, một tình nguyện viên đến chơi với các bệnh nhi, tìm thấy sau khi Oscar mất. Nhờ có bà Hoa Hồng, mười hai ngày ấy đã trở thành huyền thoại. 

Chỉ vỏn vẹn hơn 100 trang, Schmitt đã thành công trong việc kể với chúng ta về nỗi đau, nỗi buồn, niềm hy vọng và cái chết với đầy chất thơ, chất hài và cảm xúc. Không phải ngẫu nhiên mà cuốn sách được độc giả Pháp bình chọn trong danh sách "những cuốn sách đã thay đổi cuộc đời tôi" - một điều hiếm thấy của một tác giả còn sống - đưa Oscar và bà áo hồng sánh ngang cùng Ba chàng lính ngự lâm hay Hoàng tử bé.

Thất lạc cõi người, Dazai Osamu, Hoàng Long dịch, Phương Nam & Nxb Hội Nhà Văn, 10/2015, 264 trang, 77.000 VND

Xa lạ với nhân gian là nỗi ám ảnh bi ai mà nhân vật "tôi" (Yozo) luôn luôn cảm thấy. Anh tin rằng mình không biết cách làm người, đã mất tư cách làm người, đúng như tiêu đề của truyện: "Nhân gian thất cách". Anh đành buông mình thất lạc trong cõi người ta, tuyệt vọng nhưng lúc nào cũng chân thật, không dối người cũng như không dối mình. Do đó anh không hiểu nổi sự giả tạo và những quy ước kỳ lạ của xã hội con người.

Nhân vật Yozo của Dazai Osamu, trong hình dung của chúng ta, có thể đồng hành với nhân vật Meursault trong Kẻ xa lạ (L'Etranger) của Albert Camus. Cả hai đều trầm mình trong cái chân thật của cảm thức và hiện hữu với một niềm đam mê tuyệt đối, dù phải trả giá bằng thất lạc tiêu vong. Ngoài đời, Dazai thật sự trầm mình trong một cuộc tự tử đôi. Còn Camus tử nạn giao thông. Cả hai đã uống cạn chén đắng của cái phi lý và bi ai cõi người ta.

Con người trong thế giới tinh thần, N. A. Berdyaev, Nguyễn Văn Trọng dịch, Nxb Tri Thức, 2015, 388 trang, 110.000 VND

N. A. Berdyaev cho rằng không thể có bản diện cá nhân nếu không tồn tại cái đứng cao hơn nó, nếu không có cái thế giới trên núi để bản diện cá nhân leo lên. Hiện hữu của bản diện cá nhân đòi hỏi phải có hiện hữu của các giá trị siêu cá biệt. Từ nhân học ông đi đến hiện hữu của Thượng Đế. Nhưng N. A. Berdyaev bác bỏ quan niệm Thượng Đế như sức mạnh thống trị thế gian và sử dụng con người vốn là tạo vật của mình như phương tiện để tự vinh danh mình. Ông quan niệm một Thượng Đế-bản diện cá nhân mong mỏi con người-bản diện cá nhân đáp lại lời hiệu triệu của Người và Người có thể giao lưu tình yêu với nó. Thượng Đế bộc lộ bản thân mình trong thế giới tinh thần của con người, nhưng Thượng Đế không cai quản thế gian như một quân vương. N. A. Berdyaev tự xem mình là tín đồ Kitô giáo, nhưng không ràng buộc bản thân với bất cứ giáo hội nào. Ông cho rằng cuộc sống tôn giáo bao giờ cũng là cuộc sống cá nhân riêng tư trong thâm nhập vào chiều sâu của nó. Ông viết rằng từ thời thơ ấu ông đã xác định kiểu tôn giáo của ông là tinh thần nội tâm và tự do.

Berdyaev cho rằng có ba trạng thái của con người, ba cấu trúc của ý thức có thể hàm nghĩa như “ông chủ”, “kẻ nô lệ” và “người tự do”. Ông chủ và kẻ nô lệ có tính tương liên, chúng không thể hiện hữu người này không có người kia. Còn người tự do hiện hữu tự thân nó, nó có trong bản thân mình phẩm chất riêng của nó mà không có tính tương liên với cái đối lập với nó. Ông chủ là ý thức hiện hữu cho bản thân mình, nhưng là ý thức hiện hữu cho bản thân mình thông qua kẻ khác, thông qua kẻ nô lệ. Nếu như ý thức của ông chủ là ý thức hiện hữu của kẻ khác cho bản thân mình, thì ý thức của nô lệ là ý thức hiện hữu của bản thân mình cho kẻ khác. Còn ý thức của người tự do là ý thức hiện hữu của mỗi người cho bản thân mình, nhưng tự do bước ra khỏi bản thân mình đi đến với kẻ khác và đi đến với tất cả mọi người. Giới hạn tột cùng của tình trạng nô lệ là tình trạng không có ý thức của nó. Thế giới của tình trạng nô lệ là thế giới tinh thần xa lạ với bản thân mình. Ngoại hiện hóa là nguồn gốc của tình trạng nô lệ. Tự do là nội hiện hóa.

Berdyaev cho rằng thống trị là mặt trái của tình trạng nô lệ. Con người không được trở thành ông chủ, mà phải là người tự do. Plato đã nhận xét rằng chính bạo chúa cũng là kẻ nô lệ. Nô dịch kẻ khác cũng là nô dịch bản thân mình. Ý chí vươn tới hùng mạnh bao giờ cũng là ý chí nô lệ. César, vị anh hùng của chủ nghĩa đế quốc, là kẻ nô lệ, nô lệ của thế gian, nô lệ của ý chí vươn tới hùng mạnh, nô lệ của khối đông người mà thiếu khối đông người ấy thì ông ta không thể thực hiện được ý chí vươn tới hùng mạnh. Ông chủ chỉ biết đến chiều cao mà những kẻ nô lệ nâng ông ta lên, César chỉ biết đến chiều cao mà đám quần chúng nâng ông ta lên. Thế nhưng những kẻ nô lệ, đám quần chúng, cũng quăng xuống tất cả các ông chủ, tất cả các César. Berdyaev nhấn mạnh: “Tự do là tự do không phải chỉ thoát khỏi các ông chủ, mà còn thoát khỏi các nô lệ nữa. Ông chủ bị hạn định từ bên ngoài, ông chủ không phải là bản diện cá nhân, cũng như kẻ nô lệ không phải là bản diện cá nhân, chỉ có người tự do mới là bản diện cá nhân, dẫu cho toàn bộ thế gian đều muốn nô dịch anh ta”....