Ngày đăng : 27/11/2015

Tháng 11 - Sách hay nên đọc (tuần 4)


Ba truyện kể, Gustave Flaubert, Lê Hồng Sâm – Phùng Ngọc Kiên dịch, Nhã Nam & Nxb Thế Giới, 2015, 154 trang, 45.000 VND

Ba truyện kể là tác phẩm cuối cùng mà Flaubert kịp hoàn thành và cho xuất bản trước khi ông qua đời. Tuyển tập gồm ba truyện kể ngắn: "Một tấm lòng chất phác", "Truyền thuyết về Thánh Julien Hiếu khách" và "Hérodias". Flaubert đặt tên truyển tập như vậy vì muốn chứng tỏ câu chuyện của mình khác với thể loại truyện ngắn. "Một tấm lòng chất phác" đã được dịch và giới thiệu ở Việt Nam từ lâu, nhưng đây là lần đầu tiên hai truyện còn lại được chuyển ngữ sang tiếng Việt và cùng với "Một tấm lòng chất phác" xuất hiện đầy đủ trong Ba truyện kể. 

"Một tấm lòng chất phác' và hai tác phẩm đi kèm với nó đánh dấu thắng lợi của một tâm tình nhạy cảm cuối cùng tự để mình tha hồ bộc lộ. Flaubert đã muốn nghe theo lấy một lần lời khuyên của George Sand, bà bạn già vừa mới qua đời, và vun trồng niềm an ủi làm 'dịu lòng' hơn là cảnh 'não lòng'. Bởi vì sự căm ghét của ông đối với các hệ thống (chủ nghĩa xã hội 'bốc mùi giám thị', trật tự tư sản, chủ nghĩa thực chứng, sự ngu dại của các lễ nghi) chỉ có thể sánh ngang niềm thương mến đối với các cá thể, ở ông niềm thương mến này, theo Henri Guillemain, hầu như biểu hiện cho một dạng của tình nhân ái". - Dịch giả, nhà phê bình văn học Jéroome Vérain

Sherlock Holmes toàn tập, Conan Doyle, Đăng Thư – Quang Toản & Thiên Nga dịch, Đông A & Nxb Văn Học, 11/2015, 500.000 VND

Sherlock Holmes lần đầu ra mắt công chúng trong một vụ án mạng hóc hiểm với tựa đề Cuộc điều tra màu đỏ (1887). Đây là khởi điểm của tình bạn lâu bền giữa Sherlock Holmes và bác sĩ Watson mà rồi đây sẽ làm đổi thay lịch sử loại hình tiểu thuyết trinh thám. Tiếp đó, trong Dấu bộ tứ (1890), đôi bạn Holmes và Watson tái xuất trong một vụ án mạng không kém phần li kì, phức tạp. Hai thiên truyện đầu ấy, hiện lên sinh động qua lời kể của bác sĩ Watson, không chỉ giới thiệu với độc giả phương pháp điều tra và suy luận của nhà thám tử tài ba mà còn góp phần định hình phong cách cho những truyện Sherlock Holmes sáng tác sau này.

Tuy vậy, phải đến khi loạt truyện ngắn đầu tiên khởi đăng trên tạp chí Strand từ năm 1891 và được tập hợp lại dưới nhan đề Những cuộc phiêu lưu của Sherlock Holmes (1892), nhân vật thám tử của Conan Doyle mới thực sự gây nên một cơn sốt. Sự đón nhận cuồng nhiệt của công chúng đã tạo đà cho ông viết tiếp hàng chục truyện ngắn và 2 đoản thiên tiểu thuyết nữa về Sherlock Holmes.

Tác giả Conan Doyle, cha đẻ của loạt truyện Sherlock Holmes, tuy không khai sáng ra thể loại truyện trinh thám nhưng đã nâng thể loại này lên một tầm vóc chưa từng có. Độc giả đến với tác phẩm của ông không những bị cuốn hút vào các gút thắt mở cao trào và cách suy luận tài tình của nhà thám tử, mà còn bị mê hoặc bởi sự sống động của các nhân vật, tính chân thực và phức tạp của bối cảnh xã hội đương thời. Với nỗ lực dịch thuật một cách nhất quán toàn bộ 4 đoản thiên tiểu thuyết và 56 truyện ngắn kinh điển (in theo thứ tự xuất bản lần đầu), bộ Sherlock Holmes toàn tập này hi vọng sẽ giúp độc giả tiếp cận gần hơn văn tài của Conan Doyle qua một bản dịch mới trọn vẹn và trung thành với nguyên tác.

Bản dịch mới này tiếp cận tác phẩm của Doyle trên  cả  góc  độ  lịch  sử  và  văn  chương, không xem  toàn  tập  Sherlock Holmes như những truyện trinh thám phổ thông mà là một danh tác kinh điển. Việc dịch thuật được tổ chức trên cơ sở tra cứu, tìm hiểu các thông tin liên quan đến tác giả, nhân vật lẫn thời đại và nỗ lực duy trì một phong cách nhất quán nhằm chuyển tải yếu tố văn học – đặc biệt là qua 4 đoản thiên tiểu thuyết. Một phần những thông tin đã sưu tầm, tra cứu trong quá trình dịch thuật được đúc kết thành phần Dẫn nhậpPhụ lục có hệ thống, nhằm giúp độc giả hiểu rõ hơn về Sherlock Holmes, về người khai sinh ra nhân vật thám tử lừng danh và sức ảnh hưởng sâu xa của toàn tập tác phẩm này trên thế giới.

Về chốn thư hiên, Trần Trọng Cát Tường, Nxb ĐH Quốc gia TP. HCM, 11/2015, 508 trang, 98.000 VND

“Là người đọc sách, tôi hồn nhiên tin vào lời của người xưa thư trung tự hữu nhan như ngọc. Và tôi mộng tưởng đến người con gái dung nhan tựa như ngọc ẩn hiện đâu đó giữa hai trang sách nhưng rồi trước sau nào thấy bóng người. Phải chăng, ý tứ của người xưa muốn nhắn nhủ rằng đọc sách là một cách để làm duyên và cả làm dáng đôi chút với lân nữ, người con gái nhà bên? Là người nặng lòng với sách, tôi say sưa với những giai thoại nửa tin, nửa ngờ về xuất xứ quyển sách nào đó. Một cuốn sách lặng lẽ trên kệ sách, rồi bắt đầu một hành trình đa truân tìm đến người quý trọng mà nặng mối nhân duyên. Là người có chút duyên hàn mặc, tôi thầm hiểu quan niệm của người xưa về chuyện chữ nghĩa. Rằng văn chương là chuyện tam phần nhân sự, thất phần thiên. Rằng phải có duyên mới viết được một cuốn sách. Chính nhờ chữ duyên ấy mà niềm đam mê sách, cho đến tận hôm nay, vẫn còn nguyên vẹn trong tôi. Và những trải nghiệm với cái thú chơi tao nhã mà không ít người xem là đệ nhất phong lưu này chuyển thành những câu chuyện xoay quanh cuốn sách.

Kể lể điều này sự nọ, đôi chỗ tôi mạo muội ghi lại những ký ức, những cảm nghĩ, những nhận xét và không thể nào tránh khỏi lan man đến những chuyện về mình, của mình, thóc mách đến những người mà hầu hết tôi không hề quen biết, chỉ gặp qua những trang sách. Cũng không quá suồng sã và dễ dãi đến mức bộc tuệch có sao nói vậy người ơi nhưng chắc chắn sẽ có những câu nói lỡ lời (có bao giờ tránh được?). Mong rằng những người trong cuộc, nếu ngẫu nhiên đọc được, hiểu cho rằng chẳng phải là tôi nỏ chuyện này nọ mà chỉ muốn cùng chia xẻ với những người đồng bệnh tương lân một vài trải nghiệm ứng xử với sách vở. Chỉ đơn giản vậy thôi.

Và thứ nữa, chỉ một cái liếc mắt thì xem ra tập sách nhỏ này còn nhiều chỗ thô ráp quá, người đọc nhiều khi phát mệt vì phải xoay theo các trích dẫn tẻ nhạt và đơn điệu từ những nguồn tư liệu quen thuộc trưng ra la liệt, ngổn ngang. Nhưng có hề gì, đã say sách thì bao giờ cũng có cảm hứng phơi lên trang viết những gì thâu thái được từ sách quý, sách hay đã dày công tích lũy. Mà mang tiếng là mắc bệnh sính chữ thì cũng đành chịu tiếng vậy chứ ai lại nói vu vơ, kiểu ăn ốc nói mò bao giờ, nói chẳng có sách, mách chẳng có chứng gì cả. Huống chi, cứ liệu, lý lẽ, bằng chứng.... được viện dẫn gói ghém phần nào tính xác thực một số yếu tố đặc hữu làm nên câu chuyện sách Việt một thời...”