Ngày đăng : 18/12/2015

Tháng 12 - Sách hay nên đọc (tuần 2)


Bức xúc không làm ta vô can, Đặng Hoàng Giang, Nhã Nam & Nxb Hội Nhà Văn, 11/2015, 221 trang, 72.000 VND

"Từ chỗ vô danh cách đây bảy, tám năm, bây giờ, nếu gõ "bức xúc" vào Google, ta sẽ được 29 triệu kết quả, gấp gần 10 lần "Ngọc Trinh" một con số ấn tượng cho một làn da xấu xí như vậy."

Đây là một trong rất nhiều các quan sát thú vị, kèm theo các giải mãi hóm hỉnh, không kém phần chua xót song cũng rất giàu nhân văn trong tuyển tập BỨC XÚC KHÔNG LÀM TA VÔ CAN của tiến sĩ Đặng Hoàng Giang. 26 bài viết là 26 câu chuyện từ quen thuộc như thịt chó, ấn đền Trần, phẫu thuật thẩm mỹ, từ thiện câu like...đến ngỡ như vĩ mô xa xôi nhưng lại ảnh hưởng mật thiết đến cuộc sống từng cá nhân như sự tàn phá của kinh tế thị trường, lí do khiến quốc gia thất bại, du lịch đại trà, hay các vấn đề văn hóa không bao giờ hết nóng như sính ngoại, truyền hình thực tế...Không chỉ phân tích khách quan và bình luận sắc sảo, tác giả còn đề xuất nhiều giài pháp bất ngờ và đầy trách nhiệm, khiến các bài viết, trước khi được tập hợp lại trong tuyển tập này, đã nhận được hàng trăm nghìn lượt xem và rất nhiều chia sẻ từ đông đảo cư dân mạng.

"Một góc nhìn thằng thắn và tỉnh táo, xoáy vào những vấn đề bằng những con dao mổ sắc cạnh của tri thức...Từ lâu, những cây viết của nước ta vẫn dùng dao gọt hoa quả có lưỡi lượn sóng để mổ xẻ các vấn đề. Chúng ta thiếu những con dao mổ lạnh, nằm trong những bàn tay ấm."

Lịch sử triết học phương Đông viết cho thanh thiếu niên, Kang Sung – Ryul, Lương Mỹ Vân - Kim Sang Ho dịch, Nhã Nam & Nxb Thế Giới, 12/2015, 425 trang, 120.000 VND

Một cuốn giáo khoa thư về triết học bao gồm toàn bộ lịch sử triết học Trung Quốc, Ấn Độ và Hàn Quốc!

Tóm lược hầu như toàn bộ lịch sử và triết lý phương Đông: từ thần thoại thời Thượng cổ cho đến những dòng chảy của triết học hiện đại!

Tuy mang tên Lịch sử triết học phương Đông viết cho thanh thiếu niên, nhưng cuốn sách này không chỉ dành cho thanh thiếu niên. Từ độc giả phổ thông cho đến sinh viên đại học đều có thể tiếp thu những tri thức cơ bản nhất về triết học cũng như theo dõi những cậu chuyện đặc thù mà chỉ có "triết học phương Đông" - ở đây chủ yếu là triết học của Trung Quốc, Ấn Độ và Hàn Quốc - mới kể ra cho chúng ta... Tranh ảnh cũng minh họa kèm theo khiến cho các câu chuyện trong đó trở nên sống động, thực tế, cũng như góp phần lý giải một cách thú vị các nội dung triết lý, các giai thoại về các triết gia độc đáo... Hãy lật trang sách để có thể thấy rằng "triết học" không phải chỉ là lý luận khô khan màu xám, mà cũng có thể xanh tươi gần gũi không ngờ   

Chiến Trận, Patrick Rambaud, Nguyễn Thị Giới dịch, Tao Đàn & Nxb Văn Học, 11/2015, 308 trang, 98.000 VND

Năm 1997, tiểu thuyết Chiến Trận (La Bataille) đoạt Giải thưởng Goncourt và Giải thưởng lớn cho tiểu thuyết của Viện hàn lâm Pháp (Grand prix du roman de l’Académie française).

Ngay trang đầu cuốn tiểu thuyết Chiến Trận, tác giả có lời đề tặng khác thường:

Kính tặng:

Bà Phạm Thị Tiểu Hồng với tất cả tình yêu của tôi

Cô Xuân với lòng thiện cảm

Ngài Balzac với những lời cáo lỗi.

Tại sao lại có những lời xin lỗi Balzac ở đây? Tác giả đã giải thích rằng:

Tôi muốn dẫn các bạn tới tất cả những kinh tởm, những vẻ đẹp của chiến trường; trận đánh của tôi, đó là trận Essling. Cuốn tiểu thuyết này, Balzac đã tính viết, ông nghĩ về nó, ông đi thăm địa danh, gặp gỡ nhân chứng, ghi chú rất nhiều. Ông tuyên bố ý định của mình, trong một lá thư dài, gửi bà Hanska, nhưng bị chi phối bởi cả ngàn dự án này nọ, ông chẳng bao giờ cho chúng ta được đọc cuốn sách đã ám ảnh ông.

Tại sao Balzac muốn kể lại trận chiến Essling? Tại sao ông muốn đưa chúng ta tới ngưỡng cửa thành Vienne, vào năm 1809, cùng với Napoléon? Tại sao không phải là những trận chiến khác: Marengo, Aboukir, Austerlitz, hay Wagram? Tại sao chỉ nội trong hai ngày trời tàn khốc này, khi con người chẳng còn ham muốn chém giết nhau, vậy mà con số nằm xuống cánh đồng lúa mì là 40 ngàn người? Để tìm hiểu, chỉ còn mỗi một cách là, đến lượt tôi vượt sông Danube, phi ngựa cùng Lannes và Masséna, ngửi mùi lửa cháy, run sợ cùng những tiếng đại bác của quân Áo… Thoạt đầu, chỉ là một tra vấn, tiếp theo là tò mò, sau đó là ham muốn, và sau cùng, tiểu thuyết là một điều cần thiết.”