Ngày đăng : 15/11/2015

Tháng 11 - Sách hay nên đọc (tuần 2)


Bốn thỏa ước, Don Miguel Ruiz, Nguyễn Trung Kỷ dịch, Nhã Nam & Nxb Tri Thức tái bản, 2015, 179 trang, 40.000 VND

Bốn thỏa ước - Chỉ dẫn thiết thực để đạt đến tự do cá nhân, cuốn sách 6 năm liền đứng trong top bestseller của The New York Times và bán được hơn 4 triệu bản trên toàn thế giới của tác gia người Mexico Don Miguel Ruiz vừa đến với độc giả Việt Nam qua bản dịch của dịch giả Nguyễn Trung Kỳ.

Được xem là những chứng nghiệm của Don Miguel Ruiz về tồn tại và hạnh phúc của con người, cuốn sách đã đưa đến những dẫn giải và thực hành cơ bản nhất để đạt tới tự do tinh thần cũng như sự khai phóng cá nhân với những quan điểm rất gần với tư tưởng Phật giáo.

Theo Don Miguel Ruiz, xã hội duy lý có tổ chức cần thiết để duy trì đời sống của cộng đồng, tuy nhiên với những luật định và giá trị (áp đặt) luôn có nguy cơ thoái hóa và bị lợi dụng, xã hội đó lại chính là “địa ngục”, “biển khổ” trần gian ngăn cản con người trở về với chân tính, với niềm vui sống đích thực của mình.

Từ đó, Don Miguel Ruiz đã đưa ra ba thỏa ước khởi đầu: Không phạm tội với lời nói của bạn - được hiểu là không dễ dãi, máy móc lặp lại những quan niệm và thành kiến của mọi người xung quanh khi nhìn nhận một vấn đề hay con người nào đó, hoặc khi đánh giá chính mình;Không vơ mọi chuyện vào mình - là không ngộ nhận, không có sự đánh giá nào từ bên ngoài lại thực sự phù hợp với bạn và có thể tác động lên chính cuộc sống của bạn; Không giả định, phỏng đoán - vì giả định, phỏng đoán thực chất cũng chỉ là lặp lại những thiên kiến, thành kiến sẵn có về sự vật, nó không thể cho bạn biết ý nghĩa đích thực của điều đang diễn ra.

Với ba thỏa ước trên, tác giả nhằm nhấn mạnh vào mối quan hệ cá nhân với cộng đồng, trong đó đề cao bản lĩnh cá nhân, chủ kiến, lòng tự tin, trung thực mà thực chất là sự quay về với con người độc lập, với bản tính tự nhiên sẵn có một cách có ý thức. Cuối cùng là thỏa ước thứ tưHãy làm hết khả năng của mình như là nguyên lý thực hành căn bản để khai phóng “cái tôi” của con người.

Có 500 năm như thế, Hồ Trung Tú, Phương Nam & Nxb Đà Nẵng tái bản, 2015, 286 trang, 120.000 VND

Có 500 năm như thế là một tác phẩm khảo cứu lịch sử đắt giá về vùng đất và con người Quảng Nam của tác giả Hồ Trung Tú. Đây là một công trình nghiên cứu tỉ mỉ về bản sắc văn hoá của người Quảng Nam và đất Quảng Nam trong mối tương quan chặt chẽ với văn hóa và con người Chăm Pa. Bên cạnh thái độ làm việc nghiêm túc, trong cuốn tài liệu quý này chúng ta còn có thể bắt gặp một Hồ Trung Tú thực sự say mê và tâm huyết trong từng câu chữ. Có 500 năm như thế là một bằng chứng đẹp về cái thao thức bất tận của một người trong việc đi tìm sự thật với cái nhìn, cách nhìn được nâng đỡ bởi một tâm hồn lãng mạn, bay bổng.

Bằng thao tác khoa học, Hồ Trung Tú lùng sục vào những dấu ấn của bản sắc văn hóa Quảng Nam thể hiện qua từng giai kì lịch sử Nam tiến, khảo sát địa phương tính ở từng miền đất hẹp, lần mò ngược về nguồn cội các dòng họ dân Quảng, và nhất là phân tích sự hình thành giọng nói người Quảng Nam,… với những dẫn liệu phong phú và chuẩn xác. Tác giả tham khảo qua không biết bao nhiêu tài liệu đa ngành, cổ và kim, từ trong nước đến hải ngoại để đi đến kết luận rằng: Chúng ta là Chăm “đang nói tiếng Việt bằng giọng Chàm”. Đây là một nhận định vừa chuẩn xác vừa dũng cảm, vừa khoa học vừa nhân văn.

Tất định luận và tự do lựa chọn, Berlin, Nguyễn Văn Trọng dịch, Nxb Tri Thức, 2015, 396 trang, 135.000 VND

Tất định luận có phải là định luật phổ quát chi phối toàn bộ thế giới bao gồm cả con người hay không? Trong hiện trạng khoa học hiện nay (theo lập trường của Berlin như tôi hiểu, cũng như theo hiểu biết của tôi) ta không có lập luận logic hay bằng chứng thường nghiệm đủ để đưa ra kết luận dứt khoát khẳng định hay phủ định cho câu hỏi trên. Những tiến bộ của môn tâm sinh lí học có vẻ như chứng tỏ khu vực tự do lựa chọn của con người là bé nhỏ hơn so với quan niệm vốn có trước đây, những tiến bộ ấy cũng tạo ra nhiều phương pháp huấn luyện nhào nặn con người của những thế lực quyền uy sao cho những người khác làm theo ý chí của họ mà không tự biết là đang làm gì; và trong tình trạng ấy những người này mất đi thân phận của bản thân như những con người tự do, mặc dù họ vẫn có thể tự hài lòng với thân phận nô lệ của mình.

Người ta hay nói đến giữ gìn phẩm giá của con người như chút ít tối thiểu để con người còn là con người, nhưng ít có diễn giải minh bạch về nội dung của nó. I. Berlin cho rằng đó chính là tự do lựa chọn những cứu cánh cho cuộc sống của mình bằng những hành động có chủ tâm và tự chịu trách nhiệm về lựa chọn của mình. Con người dựa trên những phán xét nào để lựa chọn cứu cánh cho mình? I. Berlin cho rằng cần phân biệt phán xét sự kiện và phán xét giá trị. Phán xét sự kiện là phân tích tình huống để hiểu được những hậu quả của các hành động trong quá khứ cũng như dự báo những hậu quả của hành động trong tương lai. Nó ít nhiều độc lập với lựa chọn cứu cánh. Lựa chọn cứu cánh chủ yếu liên quan đến những ưu tiên về giá trị đạo đức mà cá nhân lựa chọn cho mình, đó là phán xét giá trị. Nếu tất định luận bao gồm cả thế giới con người là đúng thì sẽ chỉ còn lại phán xét sự kiện mà thôi. Những phán xét giá trị về quy trách nhiệm cùng những đánh giá khen chê đạo đức sẽ trở thành trống rỗng.