Ngày đăng : 14/08/2015

Tháng 8 - Sách hay nên đọc (tuần 2)


Lao động biển cả, Victor Hugo, Hoàng Lâm dịch, Tao Đàn & Nxb Văn Học, 8/2015, 540 trang, 138.000 VNĐ

Lao động biển cả (Les Travailleurs de la mer) đã cuốn hút rất nhiều bạn đọc Việt Nam biết tiếng Pháp qua nhiều thế hệ. Đây không chỉ là một tác phẩm hiện thực phản ánh xã hội tư sản Pháp trong những ngày đầu của chế độ tư bản ở nước này. Qua tác phẩm này tác giả cũng xây dựng thành công một số nhân vật điển hình đại diện cho cái Thiện và cái Ác. Với một ngòi bút vững vàng đầy kinh nghiệm, tác giả đã vạch trần những mánh khóe xảo quyệt táng tận lương tâm của những con người như Rantaine hay Clubin. Đồng thời ông cũng miêu tả rất thực và rất sinh động những con người chân chính, lao động không mệt mỏi như Gilliatt. Qua câu chuyện tình éo le, dang dở của Gilliatt, bạn đọc vừa cảm thương cho số phận hẩm hiu của anh vừa căm giận những bất công trên đời này. Phải chăng đấy là một thứ “định mệnh của vạn vật”?

Dẫu sao, sau khi đọc xong dòng chữ cuối cùng, gập sách lại, bạn đọc vẫn còn thấy lắng lại trong tâm tư những gì cao quý, tuy chua chát, của con người. Bởi vì trước sau Victor Hugo vẫn là một nhà văn đại diện cho các nhà văn lớn thế giới với những tư tưởng nhân văn cao quý.

Chuyện con ốc sên muốn biết tại sao nó chậm chạp, Luis Sepulveda, Bảo Chân dịch, Nhã Nam & Nxb Hội Nhà Văn, 8/2015, 83 trang, 34.000 VNĐ

Nổi loạn hay Bản lĩnh? Chấp nhận sống đời tù túng rồi tự diệt vong, hay dũng cảm đối mặt với thách thức để tìm ra chân trời mới? Đó là những câu hỏi luôn thôi thúc trong lòng khiến chú ốc sên nhỏ "lạc loài" quyết tâm từ biệt gia trang ô rô để dấn thân vào cuộc hành trình dài đầy thử thách. Và cuối cùng, người anh hùng của đồng cỏ đã hiểu ra vì sao giống loài của mình lại chậm chạp đến vậy.

Trong thế giới thiên nhiên tươi sáng, sống động đang diễn ra ngay trước mắt bạn đọc, ngòi bút tài tình của Luis Sepulveda dường như biến mỗi người chúng ta thành một chú ốc sên nhỏ, hồn nhiên và nhiệt thành, sống hết mình trên hành trình khôn lớn mỗi ngày.

Hoàng Việt hộ luật, Nhiều tác giả, Alphabooks & Nxb Hồng Đức, 2015, 559 trang, 129.000 VNĐ

Bộ luật Dân sự áp dụng ở Trung kỳ, gọi tắt là Bộ Dân luật Trung, có tên chính thức là Hoàng Việt Hộ Luật do Bộ Tư pháp và quan Cố vấn bộ Tư pháp biên tập được ban hành bởi Ngị định của Toàn quyền Đông Dương ngày 21/10/1936. “Tài liệu quý hiếm về các điều luật Trung kỳ thời kỳ Pháp bảo hộ do Luật sư cố vấn Collet cùng Khâm sứ đại thần Bùi Bằng Đoàn dự thảo”.

Xuất bản lần đầu năm 1937. Theo Luật sư Collet “... Việc toản tu này, là cốt để sửa sang bộ luật ở xứ Trung kỳ cho được rõ ràng và thích hợp, điều nào có thể theo ý như luật hộ hiện thi hành ở Bắc kỳ thời đều theo cả, nhưng trước hết cũng theo ý kiến của nhân dân trong nước đã trả lời các câu hỏi về phong tục và ý nguyện của dân”. Chí sĩ Bùi Bằng Đoàn là quan Thượng thư, Khâm sứ Đại Thần triều Nguyễn. Ông thông thạo cả Pháp văn và Hán văn. 12 năm ở kinh đô Huế ông trông nom việc xử kiện tại tất cả các tỉnh Trung kỳ, chỉ đạo việc soạn thảo các luật cho Trung kỳ bằng tiếng Pháp, Việt và dịch ra chữ Hán, trong đó có bộ luật Hoàng Việt hộ luật.