Ngày đăng : 22/08/2015

Tháng 8 - Sách hay nên đọc (tuần 3)


Loạn kiêu binh, Nguyễn Triệu Luật, Alphabooks & Nxb Hồng Đức, 2015, 198 trang, 59.000 VNĐ

Xã hội phong kiến Việt Nam cuối thời Lê - Trịnh đã xảy ra nhiều biến động lịch sử. Việc loạn lạc thời Lê Trung hưng trong lịch sử Việt Nam, do những quân lính gốc ở Thanh - Nghệ cậy mình có công, đã sinh thói kiêu căng, coi thường luật lệ, gây ra và làm trong và ngoài triều chính thời đó hết sức điêu đứng, khổ sở.

Nạn kiêu binh là một trong những nguyên nhân khiến cơ nghiệp Lê - trịnh ở Việt Nam mau đổ nát. Loạn kiêu binh dựng lại bức tranh lịch sử về thời kỳ Lê - Trịnh vào khoảng giữa thế kỷ 18 mà theo Việt Nam sử lược: “... quân ưu binh lại phá nhà và chực giết quan Tham Tụng Nguyễn Quý Cảnh. Những lúc quân ưu binh làm loạn như vậu, tuy nhà chúa có bắt những đứa thủ xướng làm tội nhưng chúng đã quen thôi, về sau hễ hơi có điều gì bất bình, thì lại nổi lên làm loạn”.

Nguyễn Triệu Luật (1903 - 1946) người làng Du Lâm, huyện Đông Ngàn, phủ Từ Sơn, Bắc Ninh (nay thuộc Đông Anh, Hà Nội). Ông sinh trưởng trong một gia đình khoa bảng, ông nội là Hoàng giáp Nguyễn tư Giản, một đại thần triều Tự Đức. Ông là cháu 5 đời của danh sĩ Nguyễn Án.

Kẻ trộm sách, Markus Zusak, Cao Xuân Việt Khương dịch, DT Books & Nxb Trẻ liên kết tái bản, 8/2015, 571 trang, 180.000 VNĐ

Kẻ trộm sách – tác phẩm của nhà văn Úc Markus Zusak xuất bản năm 2005 đã làm mưa làm gió trên bảng xếp hạng những cuốn sách bán chạy nhất của The New York Times hơn 100 tuần liên tiếp, trở thành một tác phẩm kinh điển, một sự lựa chọn của hệ thống các thư viện trường học của Anh và Mỹ. Kẻ trộm sách khi mới ra đời đã lập tức gây ngạc nhiên cho những cây bút phê bình văn học trên thế giới và làm hàng triệu cặp mắt phải nhòa lệ.

Chọn một đề tài tưởng như đã có quá nhiều cây bút đào xới – cuộc chiến tranh thế giới lần thứ 2 – nhưng Markus Zusak vẫn gây bất ngờ cho người đọc. Người kể chuyện trong tác phẩm này là Thần Chết – một “gương mặt” quen thuộc của chiến tranh, gắn liền với cái chết, với sự bi thương, sự tăm tối. Nhưng câu chuyện mà thần chết kể ra, về sự dữ dội của những gì con người gây ra đối với chính đồng loại của họ thì đến ngay cả Thần Chết cũng phải rùng mình. Lật giở những trang sách, người đọc như bước vào cuộc trò chuyện với Thần Chết, một nhân vật có khiếu hài hước, với một lời cảnh báo nho nhỏ đầy hóm hỉnh ngay khi mở đầu câu chuyện rằng “Bạn sẽ chết”. Đây là một câu chuyện với quá nhiều cái chết nhưng cũng đầy ắp tình yêu thương và thấm đẫm tính nhân văn.

Đất lề quê thói, Vũ Văn Khiếu, Nhã Nam & Nxb Hồng Đức liên kết tái bản, 8/2015, 375 trang, 90.000 VNĐ

"Người Việt Nam là giống thông minh khôn ngoan, nhưng phải nói ngay rằng kẻ dại cũng lắm mà người ngu cũng nhiều...Người mình phần đông thường ranh vặt đến quỷ quyệt, hay sợ sệt ngờ vực, bộ tịch lễ phép mà hay khinh khi báng nhạo. Tâm địa nông nổi , hiếu danh, thích vui chơi, cờ bạc. Về đức tính thì cũng đủ cả cần cù, kiên nhẫn, cần cù, gan dạ, dũng cảm, khí khái...

Làm người phải đắn phải đo

Phải cân nặng nhẹ, phải dò nông sâu"

Được viết vào những năm 60 của thế kỷ trước, ĐẤT LỀ QUÊ THÓI xứng đáng được xem nư là một bách khoa toàn thư thu nhỏ về văn hóa và phong tục cổ truyền Việt Nam. Qua từng trang sách, độc giả như được mời thả bước trong một bảo tàng dân tộc học mà tác giả là người hướng dẫn vừa tận tình, sâu sắc, vừa duyên dáng hóm hỉnh, để cùng trở về một không gian sống tuy gần gũi thân quen lại như đã thành quá khứ xa xôi tự thuở nào. Đâu chỉ là những câu chuyện về tâm tính người Việt, tục ma chay cưới hỏi, cúng giỗ cỗ bàn hay nguồn gốc những kiêng khem mê tín...mà cả một thế giới tinh thần Việt với những gìn giữ và thích nghi, thay đổi qua bao thế hệ, lạc hậu mà phong phú, và vẫn giàu thành kính được tái hiện đầy đủ trong ĐẤT LỀ QUÊ THÓI.

Có thờ có thiêng

Có kiêng có lành

Trong bối cảnh cuộc sống vật chất và các giá trị đã thay đổi quá nhanh, quá nhiều qua mấy chục năm qua, hơn bao giờ hết, tác phẩm của Nhất Thanh Vũ Văn Khiếu càng cho thấy đất lề, quê thói vẫn ăn sâu vào tiềm thức người Việt, sâu hơn nhiều những gì ta tưởng.