Ngày đăng : 12/12/2013

Tháng 8 - Sách hay nên đọc (tuần 3)


Chiến binh cầu vồng, Andrea Hirata, Dạ Thảo dịch, Nhã Nam & Nxb Hội Nhà văn, 2012, 428 trang, 82.000 VND

Đâu là hơi thở của giáo dục và linh hồn của một chốn được gọi là trường học? Phải chăng cái gọi là trường học và sự giáo dục đó mang đến cho những cô cậu học trò tuổi thơ đẹp nhất, tình bạn đẹp nhất, tâm hồn phong phú, và một phương pháp giáo dục không ép buộc, một thứ gì đó vô giá, thậm chí còn có giá trị hơn những khao khát ước mơ. Nếu là thế thì Muhammadiyah là 1 ngôi trường tuyệt vời, thầy Harfan và cô Mus là những nhà giáo vĩ đại, và những chiến binh cầu vồng trong câu chuyện này là những đứa học trò may mắn.

Câu chuyện là hồi ức của chính tác giả về những đứa trẻ nghèo và hai nhà giáo tận tụy diễn ra trên đảo Belitong thuộc đất nước Indonesia. Hòn đảo đã từng nổi tiếng với trữ lượng thiếc cực lớn. Ngành công nghiệp này đã góp phần phân chia giai cấp và quyền lực rõ rệt giữa những con người sinh sống trên đảo, điển hình nhất trong câu chuyện này là về quyền giáo dục, là chuyện “trao quyền lực cho thiểu số để thống trị đa số, giáo dục thiểu số để sai khiến đa số.

Xuyên suốt cuốn sách là những câu chuyện giáo dục và 1 triết lý giáo dục kiên định. Triết lý giáo dục đó là gì? “Học không phải là phương tiện để thăng tiến, kiếm tiền hay làm giàu. Thầy xem học tập là ca tụng nhân bản, là thanh cao, là niềm vui khi cắp sách đến trường và là ánh sáng văn minh.” – lời thầy Harfan. Và cô giáo Mus thì quan niệm rằng mất đi 1 học trò như mất nửa linh hồn.

Một cuốn sách khiến bạn xúc cảm, vui-buồn, khóc-cười cùng các nhân vật thì ắt hẳn là một cuốn sách hay, một viên ngọc quí. Người lớn, trẻ nhỏ và đặc biệt là những người làm giáo dục nên tìm đọc. Để chi? Ít nhất thì câu nói văng vẳng của thầy Harfan sẽ thôi ám ảnh chúng ta: “… Trường học ngày này không còn là nơi để xây dựng nhân cách, mà là một phần của kế hoạch tư bản để làm giàu và nổi tiếng, để khoe khoang học vị và có quyền lực.”, và xác tín lại một điều rằng trẻ em không phải là công cụ.

Nàng phù thủy thành Florence, Salman Rushdie, Nguyễn Thị Hiền Thảo dịch, Nhã Nam & Nxb Hội Nhà văn, 2013, 396 trang, 100.000 VND

Nàng, người đàn bà bí ẩn, gần như không thể có thật, mỹ nhân tuyệt sắc được cho là có quyền năng quyến rũ siêu phàm và tài phù thủy, cố gắng làm chủ vận mệnh của mình trong một thế giới nơi đàn ông làm chủ. Ở thế giới đó có Akbar Đại đế của triều đình Mughal Ấn Độ luôn bị dằn vặt bởi những câu hỏi mang tính triết lý và đau khổ vì những tai ương luôn đe dọa song hành với phần số của bậc đế vương; ở đó có Niccolò Machiavelli, con người thông thái, tinh khôn, đứa con của thành Florence thời cực thịnh Phục hưng, kẻ từ chỗ một người thường dần leo lên vị trí nơi mình có thể gây ảnh hưởng đến những kẻ quyền lực nhất. Nàng, phù thủy thành Florence, bằng cách nào nàng có thể là người đàn bà kết nối số phận của hai người đàn ông xuất chúng và rất mực đáng yêu này?..

Đầy màu sắc, cảm xúc, trí tuệ, hấp dẫn khôn cưỡng, Nàng phù thủy thành Florence là thêm một tác phẩm khẳng định văn tài xuất chúng của Salman Rushdie, một trong các tác gia văn chương đáng kể nhất thế giới hiện nay.

Thế kỷ bị mất, Phạm Ngọc Cảnh Nam, Phương Nam Book & Nxb Hội Nhà văn, 2011, 492 trang, 110.000 VND

Thế kỷ bị mất của Phạm Ngọc Cảnh Nam là cuốn tiểu thuyết gần như đầu tiên viết về phong trào Duy Tân đất Quảng. Đây là phong trào vận động cách mạng khởi phát  từ Quảng Nam  rồi nhanh chóng lan rộng ra các tỉnh ven biển miền Trung cũng như trên phạm vi cả nước… Tất cả những sự kiện lịch sử nêu trên đều được nhà văn Phạm Ngọc Cảnh Nam nghiền ngẫm để tìm cách ứng xử nghệ thuật tốt nhất trong Thế kỷ bị mất

Như một người Quảng Nam kể lại câu chuyện trăm năm trước của quê hương mình, Thế kỷ bị mất là những trang viết thấm đẫm chất quê mùa, mộc mạc, vừa êm đềm vừa quyết liệt, mang dấu ấn riêng của một vùng đất luôn hứng chịu nhiều gian nan, khó nhọc. Cho nên nổi bật lên tất cả, đây là cuốn tiểu thuyết viết về Quảng Nam, từ giọng văn kể chuyện đến  cách miêu tả đều mang đậm sắc thái của vùng đất đầu sóng, ngọn gió này. Một trăm năm đã trôi qua, mọi thứ đều đã lắng xuống, đã đọng lại, thậm chí đã bị lãng quên, nay dường như đang được đánh thức qua giọng văn trầm trầm, thong thả rất đặc thù của một ngòi bút được xem là tiêu biểu cho miền Trung từ sau năm 1975 đến nay.

Từ điển triết học Kant, Howard Caygill, Nhóm dịch giả, Bùi Văn Nam Sơn chủ trương và hiệu đính, Phương Nam Book & Nxb Tri thức, 2013, 675 trang, 280.000 VND

Từ điển này tập hợp, giới thiệu và giải thích hầu hết những thuật ngữ cơ bản của triết học Kant, mang lại một bảng lược đồ về bộ khung khái niệm sẽ trở thành nền tảng của triết học cổ điển Đức. Thay vì giới thiệu một khái niệm như là yếu tố cố định có tính định đề như các từ điển trước đó, mỗi mục từ điểm lại lịch sử của vấn đề và cho thấy những phương thức để Kant đi đến chỗ xác định ý nghĩa của nó trong diễn trình suy tưởng.

Mỗi mục từ lại gắn liền với một danh sách những thuật ngữ có liên quan, tạo nên một mạng lưới, trong đó nó đạt được trọn vẹn các tầng nấc ý nghĩa. Khi thấy thích hợp, mục từ cũng xem xét số phận của khái niệm sau Kant, qua đó cho thấy vị trí then chốt của Kant giữa truyền thống và hiện đại, và lý do tại sao triết học Kant gây ảnh hưởng to lớn và hầu như không thể tát cạn lên nền văn hóa hiện đại

Là dịch phẩm của một tập thể yêu thích triết học, Từ điển triết học Kant, cùng với loạt dịch phẩm tương tự sẽ ra mắt trong thời gian tới, là bước chuẩn bị cần thiết cho việc tiến tới biên soạn một Từ điển triết học Tây phương có tính tổng hợp và thông dụng.

Sách Hay tổng hợp