Ngày đăng : 23/12/2015

Các hung thần lên cơn khát


Anatole France (1844-1924) là một nhà văn vĩ đại của nước Pháp, có chân trong Viện Hàn lâm và được giải thưởng Nobel về Văn học năm 1921.

Sự nghiệp văn chương của ông thực đồ sộ và mang dấu ấn những quan điểm của ông trong từng thời kỳ. Khi còn trẻ, với các tác phẩm “Thiên thần nổi loại” “Sách của bạn tôi”, “Tội ác của Sylvestre Bonnard”, “Bông huệ đỏ”, “Khu vườn của Epicure”…, Anatole France nổi tiếng là một nghệ sĩ đơn thuần, một nhà nhân văn tự kỷ ít quan tâm đến cuộc đời.

Nhưng khi đã đứng tuổi, ông bắt đầu chú ý đến những vấn đề thời đại, những nỗi băn khoăn, lo lắng của con người. Ông tham gia bảo vệ Dreyfus, một sĩ quan Pháp bị kết án oan về tội làm gián điệp. Trong số các tác phẩm ông viết trong thời kỳ này ta có thể kể: “Người giá bằng mây”, “Chiếc vòng thạch anh xanh”, “Ông Bergerer ở Paris”… Đặc biệt trong các cuốn “Sự nổi loạn của các thiên thần” và “Các hung thần lên cơn khát”, ông đã tố cáo bạo lực và chuyên chế, phản đối những hành động quá khích phát sinh từ cách mạng. Luôn luôn tranh đấu cho một xã hội công bằng và nhân đạo, Anatole France đứng vào hàng ngũ các chiến sĩ cực tả và vào những năm cuối đời, trở thành ngọn cờ đầu của Chủ nghĩa Cộng sản. Ông quan niệm tự do là tài sản quý nhất của con người, nhưng không thể có tự do khi một giai cấp còn bị một giai cấp khác nô dịch.

Ông mơ ước một Nhà nước xã hội chủ nghĩa không vi phạm quyền của mỗi công dân và bảo đảm hạnh phúc cho từng cá nhân trong xã hội. Là người vô thần, ông phản đối cả cuồng tín tôn giáo lẫn cuồng tín chính trị; và là nghệ sĩ, ông luôn luôn để lòng mình rung động xen lẫn xót xa trước những nỗi vui mong manh, giúp ta trong giây phút quên đi nỗi đau đớn của thân phận con người.

Tiểu thuyết “Các hung thần lên cơn khát” (1912) là một trong những tác phẩm hàng đầu của Anatole France. Câu chuyện xảy ra trong thời kỳ thứ ba của Cuộc cách mạng 1789 Pháp, “Thời kỳ chuyên chính Jacobins” bắt đầu từ tháng sáu năm 1793 đến hết tháng bảy năm 1794. Đó là thời kỳ cuộc Cách mạng nằm trong tình thế thù trong giặc ngoài cực kỳ hiểm nghèo. Để đối phó, một mặt Quốc ước tung quân chống ngoại xâm, dẹp bạo loạn trong nước, mặt khác, bên cạnh những biện pháp nhằm ổn định đời sống, đã dùng Tòa án Cách mạng làm công cụ thực hiện quốc sách khủng bố các phe phái, cá nhân chống đối. Và vì bản thân phái Jacobins cũng phân hóa, khủng bố lan tràn vào ngay nội bộ những người cách mạng trung kiên nhất. Đó là thời kỳ rối ren nhất, đẫm máu nhất trong cuộc Cách mạng 1789.

Có thể gọi “Các hung thần lên cơn khát” là một tiểu thuyết lịch sử: Một loạt sự kiện được mô tả khá đầy đủ, chính xác đến từng ngày, nhiều nhân vật lịch sử được nhắc đến trong đó một số tác giả vĩ đại của Cách mạng, như Robespierre, như Marat, được phác họa bằng ngòi bút tài tình khiến người đọc có thể hình dung được cả hình dáng lẫn tâm hồn họ.

Trong bối cảnh lịch sử ấy, Anatole France đưa lên sân khấu cả một đám thị dân Paris bình thường, để cho họ sinh hoạt, yêu đương, chơi bời, hy vọng, đau khổ…, cả bọ đục nước béo cò thời nào cũng có. Khi nói đến những con người bình thường, tính hoài nghi cố hữu của ông thường kết hợp với sự cảm thông sâu sắc với nỗi đau nhân thế. Và mỗi lần như vậy, bút pháp bình dị của ông tự nhiên sống động, ấm áp hẳn lên. Đó là nỗi khổ đau triền miên của bà cụ Gamelin sống giữa người con trai đã mất tính người và người con gái tội lỗi đang lẩn trốn; bà cụ sợ từng tiếng động nhỏ, “vì địa vị thấp kém,… coi hèn nhát là một nghĩa vụ”. Chúng ta phải buồn cười với cô Elodie đa tình quyết tâm “đi nửa quãng đường, hoặc hơn nữa” để chinh phục người yêu. Để mô tả tâm hồn trong trắng, tin tưởng của một cô gái điếm, tác giả đã để cho “mặt trăng lên cao rọi vào gian phòng sát mái một tia bạc làm bừng sáng mớ tóc bồng bềnh, từng chiếc mi vàng, cái mũi thanh tú, cái miệng tròn và đỏ của Athénais đang ngủ ngon giấc, hai bàn tay nắm chặt”. Ông đã dùng những lời lẽ thực trang trọng, đầy xúc động khi nói đến Fortunné Trubert, người chiến sĩ được giao trọng trách không hề cảm thấy “sự nhỏ bé của các phương tiện sẵn có” vì “đời sống của anh hòa nhập với đời sống của một dân tộc vĩ đại”.

Nhưng ông đã dành nhiều trang nhất để diễn tả hai nhân vật trung tâm, hai con người có cá tính thực đặc biệt. Một người là họa sĩ Everiste Gamelin, người con hiếu thảo, hội thẩm tòa án cách mạng. Anh là một công dân nhiệt tình yêu nước, một chiến sĩ tuyệt đối trung thành với cách mạng. Vì chế độ cộng hòa, anh hy sinh không hối tiếc bao nhiêu sinh mạng, kể cả bạn bè, nếu cần, cả em gái mình để làm lễ dâng lên bàn thờ Tổ quốc. Anh nghĩ, mỉa mai thay, làm thế để mai đây “mọi người Pháp sẽ ôm hôn nhau trong hạnh phúc”.

Người kia là ông già Brotteaux nguyên là nhà quý tộc, yêu thiên nhiên, luôn luôn xúc động trước cảnh đẹp, đồ đệ của Epicture. Tác giả đặt ông vào bao nhiêu tình huống, cho ông gặp bao nhiêu con người để ông có dịp nêu lên những ý nghĩ, những tình cảm của mình, của một người vô thần nhưng không cuồng tín, chống mọi hình thức chuyên chế hay bạo lực. Những ý nghĩ, những tình cảm đó được bộc lộ đôi khi mơ mộng, thường thường nhẹ nhàng, châm biếm, có lúc lố bịch, che giấu một tấm lòng cực kỳ nhân hậu, nhạy cảm, vị tha.

Thế là rõ, Anatole France đã gián tiếp nêu lên quan điểm của mình. Đó là một quan điểm và còn có những quan điểm khác: bao nhiêu sử gia và nhà nghiên cứu đã viết và còn viết để đánh giá cuộc cách mạng Pháp.

Giới thiệu với bạn đọc cuốn tiểu thuyết này, chúng tôi cũng mong góp phần nhỏ bé kỷ niệm một cuộc cách mạng vĩ đại mà những lý tưởng vẫn luôn luôn thôi thúc loài người.

Trần Mai Châu
Nguồn: Tao Đàn