Ngày đăng : 16/12/2013

Âm vang núi của Hosseini


Khaled Hosseini - sinh năm 1965, tiến sĩ dược học người Mỹ gốc Afghanistan, vừa công bố tác phẩm văn học thứ ba của mình cũng là một sách best-seller 2013.


Nhà văn và cuốn tiểu thuyết thứ ba And the Mountains Echoed - Ảnh: media.cmgdigital.com

Hai tiểu thuyết đầu tiên của Khaled Hosseini - những câu chuyện về tình cha và tình mẹ - đều đã nhanh chóng đến với bạn đọc nước ta: Người đua diều (Nguyễn Bản dịch, Nhã Nam và Nhà xuất bản Phụ Nữ ấn hành năm 2008, tái bản năm 2013) và Ngàn mặt trời rực rỡ (Nguyễn Thị Hương Thảo dịch, Nhã Nam và Nhà xuất bản Văn Học ấn hành năm 2010).

Tiểu thuyết thứ ba của ông And the Mountains Echoed (tạm dịch: Âm vang triền núi) ra mắt tại Mỹ ngày 21-5-2013 liền được coi là best-seller của năm 2013 và - theo hợp đồng đã ký kết - đang đến với người đọc ở 80 nước.

Cốt truyện Âm vang triền núi diễn ra từ đầu thập niên 1950 tại Afghanistan, khi ba bố con dắt díu nhau rời quê làng nghèo khó đến thủ đô Kabul để bán đứa con gái 3 tuổi cho một cặp vợ chồng giàu có nhưng vô sinh. Đến hơn nửa thế kỷ sau đó, trải qua bối cảnh của nhiều nước khác nhau, người anh trai mới gặp lại em gái mình ở quê người, thì cả hai đều già nua bệnh tật.

Thay vì niềm vui tái ngộ là bao đớn đau, mất mát từng nếm trải: thương tích đã mang, phản trắc đã có, nhưng vẫn còn đó lòng thương yêu, quý trọng và nhường nhịn lẫn nhau. Những đường đời trầm luân của các nhân vật đưa độc giả đến gặp nhiều người, trong đó có nhà phẫu thuật Hi Lạp, có cô hộ lý người Bosnia trong bệnh viện chăm sóc những đứa trẻ dính bom đạn, có nữ thi sĩ mang dòng máu lai, có nhà chỉ huy chiến binh rời trận địa trở về và lóng ngóng trước cuộc sống hòa bình...

Những con người chung hoặc khác sắc tộc nhưng - bằng cách này cách khác - đều có liên quan đến lịch sử Afghanistan. Một phương Tây duy lý gặp một phương Đông duy cảm, và trong sương mù hư cấu có sự diệu kỳ của hiện thực.

Tác phẩm này mang nhiều kỷ niệm của thời gian cùng gia đình sống tha hương và kỷ niệm với trẻ em nơi cố hương, trong đó hết số phận này sang số phận khác được miêu tả cảm động chính là hệ quả của chuyến trở về Afghanistan năm 2007 của tác giả - với tư cách phái viên của Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người tị nạn, được mắt thấy tai nghe chuyện trẻ em chết đói chết rét và nhiều ông bố bà mẹ đã phải gả bán đứa con rứt ruột đẻ ra để mong sống sót.

Trong Âm vang triền núi, tác giả đã dùng một bút pháp khác hẳn hai tác phẩm trước: nâng đề tài quen thuộc lên một cấp độ văn chương mới, tạo được sự cân đối giữa chất dân gian rực rỡ sắc màu với chất hiện thực đen - trắng.

Cuốn sách mang âm điệu buồn thương - không ít độc giả thú nhận đọc đến trang 20 đã phải khóc, đọc hết thì nức nở - nhưng vẫn thấy rạng ngời một tấm tình thấm đẫm trong tất cả các mối quan hệ vốn rất thiết thân với con người: tình anh em, tình bằng hữu, tình chủ tớ, nó gợi lên rất nhiều suy nghĩ, quá nhiều cảm xúc, nó rất chi tiết mà cũng rất khái quát.

Tác giả chứng tỏ không chỉ giỏi xây dựng những cốt truyện giàu kịch tính, mà sở hữu cả một tài văn điêu luyện, chỉ phác ra đôi ba nhân vật đã làm toát lên cả một bối cảnh...

Đi sâu vào niềm vui, nỗi buồn và sự phản trắc hằng xây đắp và cũng phá vỡ những mối liên hệ gia đình, qua câu chuyện về năm thế hệ của một dòng họ li tán, lấy một Afghanistan làm trung tâm, tiểu thuyết của Khaled Hosseini bao trùm một địa lý rộng lớn hơn, về thực chất - ra toàn thế giới.

Chỉ sống ở Afghanistan mươi năm thơ ấu, rồi theo cha - một nhà ngoại giao - sống lần lượt ở Iran, Pháp và định cư tại Mỹ, trở thành tiến sĩ dược học trước khi viết văn, được đại diện Liên Hiệp Quốc khi nổi tiếng, Khaled Hosseini làm nên hiện tượng văn học bằng thần thái của những chất liệu sống - trực tiếp và gián tiếp - hút được từ cội rễ của mình.

Thêm nữa, sau những François Rabelais (1494-1553, Pháp), Anton Chekhov (1860-1904, Nga), Mikhail Bulgakov (1891-1940, Nga), Arthur Conan Doyle (1859-1930, Scotland), Somerset Maugham (1874-1965, Anh), Lỗ Tấn (1881-1936, Trung Quốc), Verghese Abraham (sinh 1955, Mỹ gốc Ethiopia)...

Khaled Hosseini còn góp thêm một ví dụ về truyền thống liền mạch trong suốt hai thế kỷ qua về những người làm công tác y học nhưng viết văn rất tài hoa.


Đăng Bẩy
Nguồn: Tuổi trẻ