Ngày đăng : 07/08/2013

Và dãy núi vang vọng


Một người cha quyết định bỏ cô con gái mới ba tuổi cho một gia đình giàu có ở Kabul. Đó là khởi đầu một thiên lịch sử suốt 60 năm của đất nước Afghanistan, được kể lại bởi những nhân vật trong cuốn tiểu thuyết mới nhất của nhà văn kiêm bác sĩ người Mỹ gốc Afghanistan, Khaled Hosseini. Sách Hay giới thiệu bài điểm sách của nhà phê bình Wendy Smith trên Thời báo Los Angeles.

Mặc dù Khaled Hosseini (sinh năm 1965) đã sống ở Mỹ từ khi 15 tuổi (cùng gia đình tỵ nạn chính trị tại San Jose, California), ông vẫn tham gia vào cuộc đấu tranh của quê hương Afghanistan. Ông đã mang đến cho người đọc phương Tây cảm giác như được chứng kiến tận mắt qua hai cuốn tiểu thuyết bán chạy nhất, đạt con số 38 triệu bản trên toàn thế giới: Người đua diều (The Kite Runner, 2003, nói về sự phản bội thời trẻ thơ, mối căng thẳng chủng tộc và bạo lực, hãm hiếp ở Afghanistan, dựng thành phim năm 2007, bị cấm chiếu ở Afghanistan, bản dịch tiếng Việt của Nguyễn Bản, Nhã Nam xuất bản, 2007) và Ngàn mặt trời rực rỡ (A Thousand Splendid Suns, 2007, được tạp chí Time bình chọn vị trí thứ 3 trong 10 tiểu thuyết xuất sắc nhất năm 2007).


Tiểu thuyết Và dãy núi vang vọng và tác giả Khaled Hosseini

Cuốn sách mới in công phu với văn phong đẹp của ông, Và dãy núi vang vọng (And the Mountains Echoed - phát hành vào ngày 21.5.2013) trải dài gần 60 năm lịch sử Afghanistan, nghiên cứu tỉ mỉ tầm quan trọng của một hành động tuyệt vọng đã làm tổn thương hai cuộc đời trẻ trơ và ảnh hưởng đến nhiều người khác. Khaled Hosseini tâm sự: “Tôi sẽ mãi viết về gia đình như một chủ đề trung tâm thường xuyên trong các tác phẩm của mình. Các tiểu thuyết trước, tôi chủ yếu phân tích về thế hệ cha mẹ. Còn trong cuốn tiểu thuyết mới này, vẫn có nhiều thế hệ trong gia đình, nhưng xoay quanh mối quan hệ anh chị em, đi sâu vào tình yêu, tổn thương, sự phản bội, sự tôn trọng và đức hy sinh của họ…”

Cuốn tiểu thuyết bắt đầu với bối cảnh năm 1952, vào đêm trước cuộc hành trình, người đàn ông tên Saboor kể với cậu con trai Abdullah mười tuổi và cô con gái Pari ba tuổi câu chuyện về một người làng buộc phải từ bỏ đứa con út yêu quý cho một tên ma quỷ ác độc. Thường ngày, Saboor độc đoán và trầm lặng, nhưng giờ đây ông hào hứng cùng các con trong những câu chuyện ma thuật và những vùng đất xa xôi, để tạm thời giải phóng trí tưởng tượng của người cha bị giam cầm quá lâu trong nhiều năm miệt mài lao động và nghèo đói.

Bọn trẻ học được ý nghĩa đáng sợ của câu chuyện đặc biệt này khi chúng đến thủ đô Kabul (ở phía Đông miền Trung Afghanistan, bên sông Kabul). Người bác Nabi đã sắp xếp cho cô bé Pari được ông bà chủ giàu có, hiếm muộn là Suleiman và Nila Wahdati nhận nuôi. Cô bé la hét sợ hãi khi bị mang đi. Cậu anh trai phá phách thì được đưa về nhà ở làng cũ, bị người cha cấm đoán ngay cả không được khóc. Việc bỏ rơi đứa con khiến cho Saboor sụp đổ hoàn toàn, ông không bao giờ kể thêm một câu chuyện nào nữa.

Mỗi câu chuyện sau được mở ra từ nhân vật chính trong câu chuyện trước đó, theo kỹ thuật lặp lại của Nghìn lẻ một đêm kinh điển. Mặc dù cuốn tiểu thuyết theo phong cách hiện thực, các chủ đề thường ảm đạm, nhưng phương pháp kể chuyện lôi cuốn truyền cho cuốn sách tinh thần lạc quan mãnh liệt, và một niềm tin rằng: nếu con người không thể cố chấp giành giật hạnh phúc từ một thế giới khắc nghiệt, thì ít nhất họ có thể tìm kiếm sự hiểu biết.

Trình tự cốt truyệt rời rạc và biến động liên tục vì những người kể chuyện có mối liên hệ phức tạp, rắc rối làm cho các câu chuyện cá nhân của họ như ở trong một bộ phim truyền hình dài tập về sự thử thách của Afghanistan. Sau khi Suleiman bị tê liệt vì một cơn đột quỵ vào năm 1955, người vợ Nila rời Kabul để đến Paris, tìm cách giải phóng bản thân và cô con gái nuôi Pari ra khỏi những luật lệ gia trưởng hà khắc đối với phụ nữ Afghanistan. Khi người đọc gặp lại họ một lần nữa vào năm 1974, những lời nói dối của Nila đã được xóa sạch trong quá khứ của Pari: cô gái đã dần tin mình là con đẻ của người phụ nữ nghiện rượu, nóng nảy này, và cô không nhớ gì về người anh đã thất lạc. Tuy nhiên, trong suốt cuộc đời mình, Pari luôn bị ám ảnh bởi “sự thiếu vắng một điều gì đó, hoặc một người nào đó, là nền tảng cho sự tồn tại của mình”.

Nabi chăm sóc Suleiman suốt cuộc chiến tranh dân sự những năm 1990 dưới sự cai trị tàn bạo của Taliban, chập chờn trong suy nghĩ của ông hình ảnh quê nhà Wahdati bị tàn phá bởi tên lửa và cướp bóc. Sau khi Suleiman chết và để lại quyền thừa kế căn nhà, Nabi tặng nó cho các nhân viên y tế làm trạm xá để chăm sóc trẻ em bị thương trong cuộc chiến của Taliban.

Năm 2003, Idris và Timur, những người anh em họ lớn lên trên đường phố từ tòa nhà này, đến Kabul để đòi lại ngôi nhà mà gia đình họ đã bỏ hoang trong suốt cuộc can thiệp của Liên Xô. Mâu thuẫn gay gắt giữa những người Mỹ gốc Afghanistan giàu có này và những người bần cùng ở đó đã đến hồi kịch liệt sau khi họ bay trở lại San Francisco, nơi có một cảnh ngắn giới thiệu lại về Abdullah, bây giờ là ông chủ với mái tóc muối tiêu của một cơ ngơi bề thế, có cô con gái tên là Pari. Những hứa hẹn mổ xẻ để cứu chữa một đứa trẻ Afghanistan bị người thân bệnh hoạn làm cho tật nguyền đã dần dần bốc hơi dưới ánh nắng California, mặc dù cuối cùng họ tìm ra sự thật trong một tình huống bất ngờ.

Chương duy nhất gây bất ngờ và hay khi bóc tách sự suy kém về đạo đức là dẫn người đọc trở lại với Pari và làng quê thời thơ ấu của Abdullah vào năm 2009. Hosseini mô tả một cậu bé từ từ nhận ra rằng người cha yêu quý của mình không phải là ân nhân của làng, mà là một tên tội phạm chiến tranh đã xây biệt thự trên đất của Saboor và giết chết Saboor để hợp thức hóa thủ tục pháp lý. Hai tình tiết ảm đạm đối ngược hoàn toàn này phản ánh chân dung của những con người đang nguy khốn nên phải phạm sai lầm.

Sai lầm gây ra hậu quả không thể cứu vãn, như chúng ta thấy trong chương đau đớn cuối cùng được kể bởi con gái của Abdullah là Pari vào năm 2010. Tái khám phá một quá khứ bị cướp mất, những tổn thương không thể hồi phục, do số phận và cơ hội gây ra.

Và dãy núi vang vọng vô cùng buồn bã đau đớn nhưng cũng rạng rỡ với tình yêu: mối liên kết bền vững của anh trai và em gái, quan hệ hục hặc nhưng vững chắc giữa những người họ hàng, tình thân giản dị giữa chủ tớ và trở thành bạn bè, tinh thần trách nhiệm của bác sĩ và y tá dành cho các nạn nhân chiến tranh… Để nhấn mạnh vai trò trung tâm và tự nhiên của tình yêu, Hosseini kết thúc tiểu thuyết với một hình ảnh rút ra từ một giấc mơ: một khoảnh khắc lưu lại của hạnh phúc đã qua là quý giá hơn tất cả khi nhìn lại, bởi vì chúng ta đã biết nó mong manh đến chừng nào.

Tri Sơ dịch
Nguồn: Người đại biểu