Ngày đăng : 30/10/2014

Chơi vơi giữa dòng


Ian Russell McEwan sinh năm 1948, là tiểu thuyết gia, tác giả kịch bản nổi tiếng người Anh. Năm 2008, tạp chí Thời báo vinh danh ông trong danh sách 50 nhà văn Anh lớn nhất sau năm 1945. Gắn với biệt danh “Ian rùng rợn”, McEwan đạt nhiều giải thưởng danh giá như Man Booker (cho cuốn Amsterdam, 1998), Shakespeare (1999), Jerusalem (2011) và tiểu thuyết Chuộc lỗi (Atonement) được chuyển thể thành phim đoạt giải Oscar năm 2001.

SH trích giới thiệu bài viết của nhà phê bình “ương ngạnh” người Mỹ gốc Nhật Michiko Kakutani (giải Pulitzer năm 1998) về cuốn tiểu thuyết thứ 13 của McEwan, Đạo luật trẻ em.

Nhiều tiểu thuyết của Ian McEwan đều có một thời điểm khủng hoảng hoặc đường cùng làm đảo lộn cuộc sống của các nhân vật, thể hiện diễn biến sâu thẳm trong tâm hồn họ hoặc gây ra sự đổ vỡ toàn bộ niềm tin từng có. Trong Đứa con xuyên thời gian (The Child in Time, 1987), con gái ba tuổi của một nhà văn chuyên viết truyện thiếu nhi đột nhiên biến mất trong một lần cùng cha đến siêu thị gần nhà. Trong Tình bền vững (Enduring Love, 1998), một cậu bé bị mắc kẹt trong giỏ khinh khí cầu vừa cất cánh và nhân viên cứu hộ tương lai này bắt đầu với chính sinh mạng của mình. Và trong Những con chó mực (Black Dogs, 1992), một phụ nữ tham gia chuyến bộ hành ở miền nam nước Pháp có cuộc gặp gỡ đáng sợ với hai con chó gầm gừ “khởi nguồn ý nghĩa”.

Nút thắt then chốt trong cuốn tiểu thuyết mới hồi hộp và nhạy cảm của McEwan, Đạo luật trẻ em (The Children Act), liên quan đến việc thẩm phán tòa án tối cao Anh Fiona Maye phải ra phán quyết với trường hợp anh chàng mười bảy tuổi Adam Henry đã từ chối được truyền máu cứu mạng vì niềm tin tôn giáo. Adam và cha mẹ là tín đồ cực đoan của giáo phái Nhân chứng Jehovah. Nếu thẩm phán đồng ý cho bệnh viện bác bỏ ý muốn của Adam và được phép truyền máu, anh ta mới có cơ hội phục hồi. Nếu thẩm phán từ chối, và Adam không được truyền máu kịp thời, dự đoán kết cục của anh chàng rất nghiệt ngã: tổn thương não và suy thận, có thể tử vong. Sự dính dáng của Fiona trong trường hợp này không chỉ tác động mạnh mẽ Adam và gia đình anh chàng, mà còn đánh dấu một bước ngoặt trong cuộc sống của cô, thay đổi toàn bộ cách nghĩ.

Các tác phẩm trước của McEwan như Những con chó mực, Tình bền vững và Ngày thứ bảy (Saturday, 2005) tập trung vào chủ nghĩa duy lý, khoa học, và các giới hạn hoàn cảnh khi nói đến sự vật lộn với thế giới hỗn loạn, đáng sợ và những bí ẩn tinh thần con người. Fiona là hiện thân đặc biệt của cách tiếp cận chặt chẽ và hợp lý với cuộc sống ấy. Là thẩm phán, cô tin vào quy tắc, sự hợp lý và tính chính xác.

Giống như những nhân vật mắc lỗi do kiêu hãnh trí tuệ, Fiona đặt lý trí trên tình cảm. Chồng Fiona là Jack ba mươi lăm tuổi buộc tội vợ lạnh lùng và vô cảm, đột ngột anh thông báo sẽ ngoại tình bởi vì Fiona tránh né quan hệ quá lâu, anh cần thắp lại lửa đam mê cho đời mình. Fiona cảm thấy lo lắng rằng mình “ích kỷ, khó chịu, tham vọng khô khan”. Ngay sau khi tuyên bố, Jack rời khỏi nhà, Fiona phải lao vào vật lộn với trường hợp truyền máu của Adam Henry, một trường hợp cô thấy mình không thể xử lý gọn gàng chỉ bằng cách cân nhắc cẩn thận chứng cứ và thông lệ. Khủng hoảng hôn nhân và sự phát triển tình cảm với Adam (nhắc nhở chứng vô sinh của cô) sẽ làm chệch hướng quỹ đạo cuộc đời bằng phẳng mà Fiona đã duy trì từ thời con gái.

Kết cấu cực kỳ sơ sài, McEwan mô tả bất hòa giữa Fiona và Jack cứng nhắc, vô lý và kiểu cách giống như các cặp mới cưới đối đáp vụng về trong cuốn tiểu thuyết chân chất của ông năm 2007 Bãi biển Chesil (On Chesil Beach). Khó tin rằng Jack bất ngờ đạp đổ cuộc hôn nhân kéo dài hơn ba thập kỷ để theo đuổi một mối quan hệ ngoài luồng, hoặc chuyện Fiona chẳng biết gì sự bất mãn của chồng suốt những năm qua. Đỉnh điểm cuộc khủng hoảng nội tâm đột ngột của cô với trường hợp nhức đầu Adam Henry càng giả tạo, như thể tác giả bọc qua loa các nhân vật vào một câu chuyện đông lạnh cấp tốc mà không hề băn khoăn phải cố gắng làm gì thêm để nó thực hơn.

Câu chuyện tăng tốc khi McEwan chuyển sự chú ý để phát triển mối quan hệ Fiona và Adam. McEwan tràn đầy cảm hứng khi miêu tả Briony, cô bé bốc đồng dối trá khiến gia đình tan nát trong Chuộc lỗi, còn ở Đạo luật trẻ em, nhà văn phác họa Adam thật sắc sảo, thể hiện được một anh chàng thông minh, ngây thơ và bản năng tự bi thảm hóa. Adam mong muốn được “tử vì đạo” để hoàn thành điều cậu nghĩ là kỳ vọng của cha mẹ, trở thành một anh hùng lãng mạn gánh chịu số phận bi đát, đồng thời mong được sống và khám phá thế giới bên ngoài vòng kiềm tỏa của cha mẹ. Fiona xem Adam như đứa con trai mà cô không thể nào có, dồn hết tình cảm và bức bối của cuộc hôn nhân tan vỡ vào trường hợp Adam.

Vấn đề không kết thúc với phán quyết pháp lý của Fiona. Adam len lỏi vào cuộc sống của Fiona, thử thách cô rằng sẽ có những hậu quả định mệnh cho cả hai. Nửa cuối tiểu thuyết thật hồi hộp (khác hẳn những chương đầu), không giới hạn trong cốt truyện gượng ép, mà đi sâu vào câu hỏi Fiona thực sự là ai, và liệu cô học được gì cho bản thân hoặc niềm khao khát kết nối con người.

Tri Sơ - Theo Thời báo New York
Nguồn: Người Đại Biểu