Ngày đăng : 25/11/2014

Tâm thức mới của miền Nam nước Mỹ


“Tâm thức mới của miền Nam” mang tính đột phá về tư duy và nhận thức của thế hệ Mỹ mới, chất vấn quá khứ, thẳng thắn đối diện hiện tại để vạch đường tương lai.

Tracy Thompson là cựu phóng viên sinh ra và lớn lên ở Georgia, có ý tưởng viết cuốn sách Tâm thức mới của miền Nam (The New Mind of the South) khi chứng kiến một người anh em họ ngạc nhiên trước lịch sử gia đình. Cố của họ là Thomas Thompson thuộc phe miền Bắc thời nội chiến Mỹ 1861-1865. Gia tộc Thompson kể rằng ông Thomas đã giả vờ hỗ trợ phe miền Bắc một thời gian ngắn, chỉ vì hy vọng sẽ được hoàn trả tài sản bị tướng Sherman tịch thu. Theo tài liệu lưu trữ trong thư khố quốc gia, sự thật Thomas là người trung thành chống phe miền Nam. Hơn nữa, không chỉ một mình ông, tác giả Thompson tra cứu được hai chục trường hợp tương tự cùng một huyện nhỏ. “Tôi luôn tự hỏi, tại sao không giống bất cứ gia đình miền Nam nào tôi biết, gia đình tôi không có những câu chuyện về cuộc nội chiến”.

Với Thompson, đây là “sự sai lệch giữa lịch sử và bản sắc mà nhiều người miền Nam thế hệ tôi trải qua, thứ cảm giác mơ hồ về nhận thức bất nhất cộng với việc lớn lên trong một thế giới mà mọi thứ xung quanh chẳng phù hợp với tư liệu lịch sử có sẵn”. Chưa kể những khám phá đáng lo ngại về hàng loạt vụ tra tấn, thảm sát khủng khiếp trong quá khứ. Sách giáo khoa đã lược cắt chi tiết về miền Nam, bỏ qua nhiều chủ đề.

“Thay đổi quá khứ là thay đổi bản sắc”, Thompson viết, Tâm thức mới của miền Nam trình bày sự thay đổi nữ tác giả chứng kiến trên quê hương. Một số thay đổi về nhân khẩu học, chẳng hạn làn sóng nhập cư ồ ạt trong hai thập kỷ qua. Dân cư miền Nam mới chủ yếu là người Mỹ Latinh (hầu hết không nhất thiết nhận mình là người miền Nam), còn có người nhập cư từ Việt Nam, Pakistan, Trung Quốc và Ấn Độ làm việc trong nhà máy và trang trại. Thay đổi đó không ảnh hưởng nhiều đến sự phân biệt da đen/trắng từ thời miền Nam cổ điển.

Tác giả Thompson thoải mái tung tăng từ thống kê nhào nặn đến báo cáo đàng hoàng, đến tự truyện cảm động, đến ý tưởng sâu sắc phản ánh đạo đức, tạo ra một bản hướng dẫn lý tưởng về miền đất này. Cuốn sách của Thompson phát triển, tranh luận và phản biện tác phẩm Tâm thức của miền Nam (The Mind of the South) năm 1941 của W. J. Cash (1900-1941), một người thần tượng H. L. Mencken (1880-1956, tác gia lớn của Mỹ, tác giả Ngôn ngữ Mỹ) và mắc chứng hưng trầm cảm, tự tử khi cuốn sách được xuất bản không lâu, mới lấy vợ và vừa nhận học bổng Guggenheim. Tác phẩm của Cash là sách kinh điển về nước Mỹ phức tạp, đi trước thời đại về vấn đề chủng học, đưa ra những chiêm nghiệm Cash gọi là “lý tưởng man rợ” trong văn hóa miền Nam, bản tính hung dữ thâm căn cố đế của người da trắng còn gây tranh cãi đến nay. Thompson lấy tiêu đề theo Cash, nhưng không hoàn toàn đồng ý với tác phẩm bất hủ này. Sách của Cash vận dụng trí não và tìm kiếm thì sách của Thompson nhẹ nhàng phơn phớt. Thompson ở Washington 24 năm qua, sống xa miền Nam có thể giúp cô quan sát lịch sử  quê quán sắc nét hơn. Thompson viết Tâm thức mới của miền Nam không lệ thuộc cảm tính. “Truyền thống của miền Nam giống như tài sản trên bờ cát trong kỷ nguyên nóng lên toàn cầu”. Người ta phải chấp nhận nó sẽ biến mất bất cứ lúc nào.

Chương hay nhất trong Tâm thức mới của miền Nam nói về thành phố Atlanta, đô thị đang bùng nổ căng thẳng nội thương, người da trắng chiếm thiểu số và nghèo vẫn là một cái tội. “Tôi nhận ra bi kịch, người miền Nam trong tình yêu lịch sử riêng họ, bất cẩn và cố ý mù lòa về lịch sử họ chọn để yêu”, Thompson kết luận. Nhưng cô tin điều này đang thay đổi. Quá khứ đã bị vùi lấp quá sâu, “đủ lâu để bình tĩnh nhìn nhận, nhưng đủ gần để vẫn cảm thấy khủng khiếp”. Hình ảnh người miền Nam cuồng tín thấp thoáng mỗi trang sách, chẳng hạn chủ tịch hãng Coca Cola Robert W. Woodruff như là Đức Hồng Y Richelieu của Atlanta. Thompson muốn thể hiện lòng tôn trọng và tình yêu sâu sắc với miền Nam mà không nịnh bợ, tạ lỗi, tán thành ảo tưởng phân biệt chủng tộc hoặc xoa dịu bất cứ ai. Độc giả có thể cảm nhận khát khao của Thompson về “ý thức sâu sắc của cộng đồng và diễn giải thiêng liêng về dòng tộc” và hy vọng người miền Nam giữ gìn được cộng đồng cho dù đất đai, giai cấp, tôn giáo, chủng tộc, và thậm chí quá khứ đang thay đổi dữ dội và không thể tránh khỏi.

Tâm thức mới của miền Nam có một số nhận định thiếu sót do nữ tác giả Thompson chưa quan sát thấu đáo hoặc vội vã kết luận. Nhưng cuốn sách này mang tính đột phá về tư duy và nhận thức của thế hệ Mỹ mới, chất vấn quá khứ, thẳng thắn đối diện hiện tại để vạch đường tương lai. Những độc giả say mê Cuốn theo chiều gió của Margaret Mitchell đến miền Nam cùng Thompson trong tác phẩm này sẽ thêm hiểu và yêu mến đức hạnh cùng lòng quả cảm của nàng Scarlett O’Hara.

Tri Sơ tổng hợp
Nguồn: Người Đại Biểu