Ngày đăng : 19/08/2013

Thật giả ở thiên đường


Sách Hay giới thiệu bài viết của Helen T. Verongos về tiểu thuyết Đường tối (bản dịch Anh ngữ The Dark Road, 2013) của Mã Kiến trên Thời báo New York.


Nhà văn Mã Kiến và tiểu thuyết Đường tối

Mã Kiến (Ma Jian) sinh năm 1953 ở Thanh Đảo, mới đầu làm thợ sửa đồng hồ và vẽ tranh tuyên truyền, rồi làm phóng viên cho một tạp chí quốc doanh. Khi 30 tuổi, vì bị trù dập nên ông bỏ nghề, mai danh ẩn tích và lang thang về những vùng hoang dã phía Nam Trung Quốc. Sau những chuyến đi này, ông hoàn thành quyển khảo luận Bụi đỏ, và tập truyện ngắn Hãy thè lưỡi bạn ra (1987) mô tả nền văn hóa và tôn giáo của dân Tây Tạng - ngay khi vừa phát hành đã bị buộc tội đồi trụy, theo hư vô chủ nghĩa và tịch thu, tiêu hủy. Lưu lạc nhiều nơi, cuối cùng ông tị nạn ở London vào năm 1999. Nhà văn Cao Hành Kiện (giải Nobel văn chương năm 2000) cho rằng Mã Kiến là một trong những tiếng nói dũng cảm và quan trọng nhất của văn học Trung Quốc đương đại.

Ở nông thôn Trung Quốc, nơi thường có câu “trời thì cao, vua thì xa”, cụm từ “kế hoạch hóa gia đình” mang một ý nghĩa tai ương.

Các quan chức địa phương cứ theo định kỳ lại nhiệt tình thực thi chính sách “một con” của chính quyền trung ương. Họ không ngần ngại xông vào một ngôi nhà, lôi người phụ nữ ra và trói lại để triệt sản, bằng cách đặt vòng tránh thai hoặc tiêm thuốc độc vào bào thai của cô. Sau đó, gia đình phải thanh toán chi phí mà nhiều khả năng chui vào túi riêng những kẻ thi hành luật pháp. Khi người nhà quê không thể trả tiền, đám này liền tịch thu lợn, gà, gạo và các loại ngũ cốc - những tài sản thiết yếu để duy trì cuộc sống, sau đó biến ngôi nhà của họ thành đống gạch vụn.

Nhà văn Mã Kiến mang đến cho độc giả những hình ảnh như thế trong cuốn tiểu thuyết dữ dội mới ra của ông: Đường tối. Mã Kiến là nhà văn có nhiều tác phẩm bị cấm ở Trung Quốc, nói rằng ông đã trực tiếp nghe những chuyện như thế này của các gia đình khắp các tỉnh Hồ Bắc và Quảng Tây.

Ông tập trung mô tả hư cấu một trong những gia đình ấy. Kongzi, một thầy giáo, tự hào là hậu duệ thế hệ 76 của Khổng Tử, mọi người thường phải mất một cốc bia để thuyết phục anh bình những bài thơ xưa. Kongzi cảm thấy nghĩa vụ thiêng liêng nhất của mình là phải có con trai nối dõi. Con gái anh là Nannan chưa được ba tuổi, vợ anh là Meili đang mang thai đứa con thứ hai và bụng bắt đầu to khi đội kiểm soát dân số nhắm vào ngôi làng của họ. Anh quyết định rằng gia đình mình phải chạy đua với pháp luật cho đến khi người thừa kế của anh ra đời.

Trong cuộc chạy trốn, người vợ Meili biết được ở tỉnh Quảng Đông có một nơi gọi là thị trấn Thiên Đường - ở đó không ai đếm số con trong mỗi gia đình; ở đó có công việc dễ dàng là nhặt phế liệu ở bãi rác điện máy gần bên; và việc kiểm soát sinh đẻ không đến nỗi bắt buộc người ta phải hít khí dioxin độc hại hoặc thuốc diệt tinh trùng như ở quê. Meili thốt lên: “Thật là một nơi tuyệt vời!”

Cùng với các nhân vật hữu hình là một linh hồn sơ sinh bị buộc phải làm thai nhi không có quyền ra đời cho đến khi “được sinh nở thành công”. Phương pháp tu từ nhân cách hóa trong văn học có thể gây rườm rà, nhưng nhà văn Mã Kiến đã sử dụng chứng chỉ ẩn dụ này để lên tiếng: có thể nào thực tế quá khắc nghiệt đến nỗi một thai nhi không muốn ra khỏi bụng mẹ? Và, có thể nào một người mẹ với bản năng mãnh liệt nhưng thiếu kiến thức nghĩ rằng cách tốt nhất để giữ cho đứa bé an toàn là cứ để nó ở trong người mình?

Tác giả Mã Kiến đã rời Trung Quốc nhiều năm nhưng ông có tầm nhìn rộng hơn so với một người từ bên ngoài nhìn lại cuộc sống cũ. Cách kể chuyện của ông gọn gàng hơn và chặt chẽ hơn so với Hôn mê ở Bắc Kinh (Beijing Coma), cuốn tiểu thuyết bước ngoặt của ông vào năm 2008, viết về vụ thảm sát Thiên An Môn cùng những hậu quả của nó. Những chuyện ngụ ngôn ông viết trong tiểu thuyết Đường tối còn mở ra thêm một chiều hướng của sức mạnh siêu nhiên.

Tuy nhiên, như bất kỳ người nào đã đọc những cuốn sách trước đó của Mã Kiến đều biết, ông không hề che giấu các chi tiết sinh động đã chứng kiến ở đất nước Trung Quốc: người dân uống nước đầy ký sinh trùng, ăn nước tương lên men từ tóc người, tắm rửa trong những dòng sông ô nhiễm, và cạo gió (giác hơi) như cạo vỏ khoai bằng mảnh sành ngâm trong nước bẩn… Đây là những mối nguy hiểm mà các thành viên gia đình Kongzi trải qua khi rong ruổi trên sông, kiếm được một ít tiền và mua một chiếc thuyền ọp ẹp để chở họ đến những chặng đường tiếp theo.

Cùng với những mối hiểm họa, tiểu thuyết Đường tối bóc tách nền tảng đạo đức của Trung Quốc ngày nay. Các hệ thống giá trị bị biến dạng vì nghèo đói và bị tiêm nhiễm bởi mê tín dị đoan - hiện thân của cuộc đụng độ giữa Trung Quốc lạc hậu và mới mẻ - là chủ đề mà tác phẩm của Mã Kiến phản ánh.

Cuộc đụng độ không thể nào rõ ràng hơn nữa khi vợ chồng Meili và Kongzi gặp một người lạ là Weiwei. Ông muốn thuê thuyền của họ để tìm kiếm xác bà mẹ đã nhảy xuống sông tự vẫn. Kongzi từ chối ngay, mặc dù ông thừa nhận rằng từng chở gạo ẩm mốc đã qua tẩy rửa cho trắng và dưa hấu tiêm hóa chất tăng trưởng. Kongzi nói: “Tôi sẽ vận chuyển hàng giả, hàng lậu, nhưng nhất định không chở xác chết”, bởi ông tin rằng xác chết mang lại rủi ro. Còn Meili tự hỏi, chẳng biết lý do tại sao người đàn bà kia tìm đến cái chết, nhưng tại sao bà ấy lại chọn cách chết đuối? Ở làng của Meili, nơi có quá nhiều người tuyệt vọng, thì “chỉ một vài phụ nữ tự tử bằng cách nhảy xuống giếng, một vài người treo cổ trên cây, còn hầu hết đàn bà con gái tự tử bằng thuốc trừ sâu”.

Với Đường tối cũng như Hôn mê ở Bắc Kinh, nhà văn Mã Kiến thật tài tình khi làm rung động các giác quan của người đọc, khiến người đọc mê mẩn, chỉ bằng vài lời để tả một nỗi đau, một sự từng trải hoặc một dấu hiệu về những khía cạnh của xã hội Trung Quốc với hàng triệu người dân đang vất vưởng tận dưới đáy của phép lạ kinh tế.

Cũng như những người khác trong các tầng lớp thấp hèn, Meili là một phụ nữ 20 tuổi ít học, ước mơ hạnh phúc chỉ là: được mang giày da, sơn móng tay (chân) màu đỏ và có một cửa hàng của riêng mình. Nhưng thay vào đó, cô lại toàn gặp các điều luật thử nghiệm của chính phủ. Những trái khoáy dường như tiềm ẩn khắp mọi nơi, từ những kẻ mua bán trẻ em cho đến bọn ma cô, tú bà. Rốt cuộc Meili và chồng vẫn tồn tại, nhưng càng ngày cô càng nhận ra rằng mình chỉ là một cái thùng chứa thứ ham muốn duy nhất của chồng: có con trai.

Cuối cùng thì vợ chồng Meili và Kongzi đã đến được thị trấn Thiên Đường. Khi họ xuống thuyền, cô nuốt ừng ực bầu không khí hăng hắc một cách thèm khát. Ở đây, theo một nghĩa nào đó Meili đã toại nguyện, đã mở được một cửa hàng cầm đồ (và mua bán phụ kiện) như từng mong muốn. Nhưng thật cay đắng khi lô sữa bột trẻ em cô trữ để bán bị tịch thu vì là hàng giả.

Sau tất cả, Meili bật ra: “Mọi thứ ở Thiên đường đều giả dối!”…

Tri Sơ dịch
Nguồn: NĐB