Ngày đăng : 23/11/2015

'Thế giới của Sophie' - chuyến phiêu lưu của 'Alice ở xứ sở triết học'


Bằng câu chuyện về cô bé Sophie và những lá thư bí ẩn, Jostein Gaarder đã tái hiện sống động lịch sử phát triển của triết học.

Tên sách: Thế giới của Sophie
Tác giả: Jostein Gaarder
Nhà xuất bản Thế Giới phát hành, tháng 9/2015

Những ý niệm đầu tiên về triết học xuất hiện cách đây hàng nghìn năm cùng sự hình thành thể chế nhà nước đầu tiên ở các quốc gia cổ đại. Chính sự tò mò và hoài nghi về thế giới và sự vận động của các mối quan hệ xã hội là nền tảng sơ khai của triết học. Với nhiều người, đặc biệt là các bạn trẻ, triết học là một thế giới bí ẩn và phức tạp.

Thông qua câu chuyện thú vị về Sophie cùng những lá thư được gửi từ các nhân vật giấu mặt, tác giả người Na Uy Jostein Gaarder đã viết một cuốn sách sáng tạo về lịch sử triết học. Thế giới của Sophie là sự hòa quyện giữa triết học, văn học, lịch sử và văn hóa. Tác phẩm mang đến nhiều tri thức, xen kẽ là câu chuyện hóm hỉnh về cuộc sống của nhân vật chính Sophie.

Gần sinh nhật lần thứ 15, cô bé Sophie Amundsen liên tục nhận những lá thư có nội dung liên quan đến triết học. Đầu tiên là từ Alberto Knox - một triết gia. Sau đó là thư của một người đàn ông lạ mặt gửi cho con gái Hilde Møller Knag, muốn nhờ Sophie chuyển giúp. Từ đây, cô bạn 15 tuổi bị cuốn vào câu chuyện về lịch sử triết học của Alberto Knox và cha của Hilde.

Thông qua thư từ, Alberto kể cho Sophie những câu chuyện dài bất tận về lịch sử hình thành và phát triển của triết học: Những quan điểm sơ khai của nhà triết học cổ đại Hy Lạp Thales về sự vận động thế giới. 

Lồng ghép trong chuyến phiêu lưu triết học là những câu chuyện về lịch sử và văn hóa thế giới: Quá trình xây dựng, phát triển của đế quốc La Mã vĩ đại với sự lãnh đạo của nhà cầm quân kỳ tài Alexander đại đế - vua xứ Macedonia. Câu chuyện bi thương mà hùng tráng về lịch sử thành phố Jerusalem - một trong thánh địa nổi tiếng nhất, đất thiêng của cả người Hồi giáo, Ki-tô giáo và người Do Thái.

Jostein Gaarder có nhiều năm dạy Triết ở trường phổ thông trước khi trở thành nhà văn. Với Thế giới của Sophie, ngoài việc đem đến một tác phẩm văn học, tác giả mang tới khái niệm mới về giáo dục - khơi dậy tính tò mò trong học sinh mà không chỉ dừng lại ở việc thuyết giảng máy móc. Chính tính tò mò là gốc rễ thúc đẩy các em khám phá và đam mê sáng tạo.

Năm 1995, Thế giới của Sophie trở thành "Cuốn tiểu thuyết bán chạy nhất hành tinh" (theo Tạp chí Time). Tác phẩm nhận một số giải thưởng, được công nhận là tác phẩm kinh điển. Thành công của cuốn sách giúp Jostein Gaarder lập ra "Giải thưởng Sophie" trao cho những sáng kiến bảo vệ môi trường.

Cuốn sách mới được nhà xuất bản Thế Giới tái bản.

Quỳnh Anh
Nguồn: VnExpress