Ngày đăng : 28/10/2015

Nguyễn Ngọc Thuần và câu chuyện thân xác bị 'cầm tù'


Truyện dài "Về cô gái này" của tác giả là chuyến hành trình đi vào thế giới nội tâm một con người có ngoại hình khác biệt, cô đơn và dễ bị tổn thương.

Tên sách: Về cô gái này
Tác giả: Nguyễn Ngọc Thuần
Nhà xuất bản Trẻ

Ngoài đời, Nguyễn Ngọc Thuần là một nhà văn cao kều, gầy gò. Vì thế, độc giả cảm thấy sự hài hước pha chút thú vị khi nhân vật trong tác phẩm mới của anh là một người đàn bà to béo. Trong hơn 160 trang sách, nhân vật tôi - người đàn bà phì nộn, ngập ngụa trong căn bệnh thèm ăn, tuyệt vọng về ngoại hình không bình thường - kể về sự chán chường, nỗi cô đơn, về tình yêu và hạnh phúc bị vuột mất.

Nhân vật chính của truyện là Z - một người đàn bà nặng 121 kg. Trong trường hợp của Z, câu tục ngữ "tốt gỗ hơn tốt nước sơn" chỉ là sáo ngữ. Bởi không ai để ý đến tâm hồn, tính cách hoặc những gì trừu tượng thuộc về tinh thần bên trong của Z. Nỗi ám ảnh thường trực của đời Z và điều đập vào mắt mọi người khi tiếp xúc với cô đầu tiên chính là ấn tượng vĩnh viễn về khối lượng của một cơ thể phì nộn.

Z như bị "cầm tù" trong chính cơ thể của mình. Tâm hồn mong manh, luôn khát khao yêu và được yêu của cô bị ngăn trở hoàn toàn với thế giới bên ngoài chỉ vì lý do: cô không có được cân nặng của người bình thường. Trong cuộc đấu tranh đầy mệt mỏi để có được một cuộc sống bình thường, Z bị rơi rụng dần các mối quan hệ xã hội. Người ta ngoảnh mặt, quay lưng với người đàn bà béo phì, hoặc giả người ta tìm đến cô vì khoảnh khắc của lòng trắc ẩn, của sự thương hại... Đó không phải là điều Z muốn. Một ánh nhìn công bằng, một sự đối xử công bằng trong chuỗi các mối quan hệ xã giao là điều mà không bao giờ Z có thể đạt được khi số phận cô bị đóng đinh vào thân xác.

Một điều trớ trêu là khi Z thực sự được giải thoát khỏi "nhà tù thể xác" cũng là lúc cô đối diện với cái chết. Sự phân rã, tan biến của tâm hồn - thể xác Z gợi nên cảm giác ưu phiền, vô vọng của số phận con người trước những định kiến và quy ước của xã hội. Sự tan biến của Z trong cuộc sống như một điều hiển nhiên bởi khi Z tồn tại trên cuộc đời cô cũng đã bị xem như "người vô hình".

Lựa chọn một nhân vật không đại diện cho cái đẹp về hình thể, Nguyễn Ngọc Thuần cho thấy anh thử thách bản thân với những trang viết mổ xẻ thế giới nội tâm của con người, đặt trong tương quan với thế giới rộng lớn của xã hội.

Nhân vật Z có vẻ gợi sự cá biệt khi cô bất đối xứng trong hình thể và mất cân bằng trong đời sống nội tâm. Tuy vậy, xét cho cùng, nỗi buồn và sự cô đơn không chỉ xuất hiện trong cuộc đời của những người đàn bà to béo, mà đó là bản chất chung của đời sống con người. Và sự kìm hãm lớn nhất của mỗi con người lại chính là sự kìm hãm, bế tắc đến từ tinh thần chứ không hẳn là thể xác.

"Chúng tôi đã sống trong một đời sống với những câu chuyện ít ỏi, lặp đi lặp lại nhàm chán. Chúng tôi không biết làm sao để mỗi ngày một mới hơn. Từ con người của chúng tôi, những câu chuyện văng ra tẻ nhạt, buồn buồn, mà cả mười năm sau nếu gặp lại cũng vẫn thế, không đổi" (trích Về cô gái này, trang 141).

Thoại Hà
Nguồn: VnExpress