Ngày đăng : 29/06/2015

Cuốn 'Hồ sơ về Lục châu học': Lục lại văn học sử Nam Bộ một thời


NXB Trẻ vừa ấn hành Hồ sơ về Lục châu học (tìm hiểu con người ở vùng đất mới, dựa vào tài liệu văn, sử bằng Quốc ngữ ở miền Nam từ 1865 – 1930) của giáo sư Nguyễn Văn Trung. Cuốn sách này cung cấp nhiều thông tin thú vị về văn hóa, văn học của vùng đất Lục châu tức Nam kỳ lục tỉnh một thời.


Giáo sư Nguyễn Văn Trung sinh năm 1930 tại Hà Nam, ông du học ngành triết học tại Pháp từ 1950 – 1955. Ông từng giảng dạy đại học tại Huế, Sài Gòn truớc 1975 và có nhiều công trình nghiên cứu biên khảo in thành sách.

Lâu nay, trên sách báo vẫn lưu truyền rằng, tác phẩm Tố Tâm của Hoàng Ngọc Phách in năm 1925 là tiểu thuyết đầu tiên viết bằng chữ Quốc ngữ. GS Nguyễn Văn Trung một thời cũng từng nghĩ như vậy. Theo ông, sở dĩ có chuyện Tố Tâm đuợc công nhận là tiểu thuyết chữ Quốc ngữ đầu tiên vì do những thiên kiến của nhiều người cho mình là “bác học” và cố tình bỏ qua văn học “bình dân” Nam bộ.

Các tài liệu mà giáo sư Trung có được đã cho thấy, văn học chữ Quốc ngữ của miền Nam có từ rất lâu. Cụ thể như truyện Thày Lazarô Phiền của Nguyễn Trọng Quản in năm 1887, Chồn cáo tự sự của Michel Tình in năm 1910, Kim thời dị sử in năm 1917 của Biến Ngũ, Mảnh trăng thuCậu Tám lọ của Bửu Đình in năm 1920…

Một trong các tác giả lớn của văn học miền Nam một thời là Hồ Biểu Chánh cũng có tác phẩm in truớc Tố Tâm rất nhiều. Ví dụ: Ai làm được (1912), Chúa Tàu Kim Quy (1922), Cay đắng mùi đời (1922)… Vậy tại sao những tác phẩm của Hồ Biểu Chánh hay truớc đó của Nguyễn Trọng Quản không đuợc xem là tác phẩm văn học bằng chữ Quốc ngữ đầu tiên?

Theo GS Trung, lý do văn học miền Nam giai đoạn này bị “lãng quên hay bỏ qua” vì các nhà nghiên cứu, trí thức, văn nghệ sĩ thời kỳ này, cho rằng: văn chương miền Nam rất bình dân. Thậm chí, chính những nhà văn miền Nam như Đông Hồ cũng phủ nhận và bỏ qua. Văn chương thường gắn với báo chí, nhưng Đông Hồ chỉ cộng tác với tờ Nam Phong in ở miền Bắc và coi các tờ báo khác ở miền Nam không có giá trị văn học.

Chính vì thế, khi Hoài Thanh và Hoài Chân viết cuốn Thi nhân Việt Nam hiện đại, chỉ có hai tác giả miền Nam là cặp vợ chồng Đông Hồ - Mộng Tuyết có mặt trong sách này. Giáo sư Trung viết: “Theo bà Mộng Tuyết, hồi đó nhóm Đông Hồ giao thiệp với ngoài Bắc, nhóm Nam Phong, các ông Nguyễn Khắc Hiếu, Thiếu Sơn, Nguyễn Trọng Thuật, Trúc Hà, Đông Hồ gửi bài đăng ở Nam Phong, Mộng Tuyết gửi truyện ngắn Tình trong sạch dự thi văn chương được giải thưởng nhứt của Nam Kỳ thư quán Hà Nội. Khi Hoài Thanh biên soạn Thi nhân Việt Nam chỉ gửi thư xuống Hà Tiên liên lạc với Đông Hồ, Mộng Tuyết, nên sách in ra chỉ có hai nguời miền Nam có tên trong Thi nhân Việt Nam hiện đại. Bà Mộng Tuyết cũng thú nhận riêng với chúng tôi rằng dư luận lúc đó ở miền Nam tỏ ra bất bình về sự kiện kể trên”.

Hồ sơ về Lục châu học dù ghi rõ là “sách tham khảo” vì đưa ra nhiều vấn đề sẽ gây tranh cãi, tuy nhiên những giá trị trong đó vẫn đáng tìm đọc để hiểu thêm con người một thời của một vùng đất.

Trần Hoàng Nhân
Nguồn: Thể thao & Văn hóa