Ngày đăng : 14/04/2015

Về 'Đỏ' của Nguyễn Dương Quỳnh


Đọc Đỏ của Nguyễn Dương Quỳnh giống như quan sát một người câm đang cố co mình lại, nhưng thế giới nội tâm không ngừng chuyển động dữ dội.


Người câm, bởi các nhân vật không cần, không thể và không muốn giao tiếp bằng ngôn ngữ thông thường. Mạch truyện cũng không diễn biến theo một logic dễ nắm bắt mà trôi chảy theo những biến chuyển bất định của các mối quan hệ không dễ gọi tên. Người đọc, không được giao tiếp, không được đặt câu hỏi. Chỉ có thể chờ đợi, và day dứt vì truyện vừa gần 100 trang này. Vì tài? Hay vì khéo? Mà Nguyễn Dương Quỳnh làm được điều ấy khi mới 21 tuổi.

Nhân vật chính của Đỏ là một cô gái Việt đến trọ trong khu người Hoa nghèo khổ và đậm đặc. Không ai nói tiếng Việt, còn cô thì không nói tiếng Hoa. Ngày ngày, cô gái đi về trong nỗi cô đơn đặc trưng của người xa xứ. Cô gái thích táo, và quan tâm đến đứa trẻ phòng bên, sống cùng cha là một người Hoa nhập cư trái phép, và dường như không phát ra tiếng động nào cả. Đứa trẻ có đôi mắt trong ấy là mối nối giữa cô gái với thế giới xung quanh, là vòng sóng nhỏ khuấy động thế giới nội tâm và khởi điểm của những biến động bên trong cô gái. Vì đứa trẻ, cô gái, vốn tĩnh lặng đến mức tưởng như không có cả hơi thở ấy, chống lại cả những người Hoa xa lạ. Vì đứa trẻ, cô gái vốn chỉ yêu hương táo ấy, bắt đầu mơ thấy mùi tóc khô như cỏ cháy trên đồng của người cha. Vì đứa trẻ, cô gái thường viết thư nhà nhưng không gửi ấy, thấy đau nhói mỗi lần vô tình nhìn thấy người đàn ông lướt qua như một người lạ. Vì đứa trẻ, cô gái vốn luôn ngăn mình với thế giới xung quanh bằng ý nghĩ “tôi không quan tâm…” bắt đầu xao động bởi những câu hỏi về hai cha con phòng bên. Câu chuyện về cô gái, đứa trẻ, và người cha thực chất là khao khát sâu xa được lại gần, được gắn bó, được thuộc về trong mỗi cá thể. Với những cá thể đơn độc, không thể giao tiếp theo cách thông thường, khao khát ấy được thể hiện dưới những dạng thức ám ảnh hơn hết.

Đỏ còn là câu chuyện về nỗi đau vì những người vô tình đến trong cuộc đời ta, vô tình khuấy động và xâm lấn thế giới trong ta, rồi lướt đi như một người xa lạ. Người và chuyện có thể cũ đi, nhưng day dứt thì vẫn còn đó “Đêm ấy, tôi hai mươi mốt tuổi, và tự nhiên hiểu được một điều đơn giản. Khi đã ném một hòn sỏi xuống mặt hồ, dù nhỏ bé đến đâu, thì nước hồ chẳng bao giờ bằng lặng trở lại. Khi đã vô tình hay hữu ý, tạo một chút xao động trong thế giới nhỏ bé này, thì cũng không thể trong mong gì mọi thứ sẽ biến mất”.

Đỏ làm tôi nghĩ nhiều đến Chungking Express của Vương Gia Vệ. Từ câu chuyện về những phận người vô tình đan chéo vào nhau, đến cách nhân vật không được định danh rõ ràng, và đặc biệt là nhịp điệu và hình ảnh của những đoàn tàu sầm sập ngược xuôi. Trong không khí ngột ngạt vì những cánh cửa không bao giờ được mở, vì màu đỏ đậm đặc của phố Tàu, vì những nhân vật không nói hay không thể nói, những đoàn tàu ngược xuôi giống như định tuyến cho những chuyển động của tâm lý nhân vật.

Đọc Đỏ, tôi muốn Nguyễn Dương Quỳnh tiết chế hơn nữa trong câu chữ, dù lối viết câu ngắn, tối giản biểu cảm của cô có thể xem là chắc tay với một người mới viết. Những thán từ như chao ôi, xót lòng hay nhói đau, theo tôi là thừa với một câu chuyện và văn phong như Đỏ.

Hoàng Nga
Nguồn: Thanh Niên