Ngày đăng : 03/03/2015

Mẫn cảm sáng tạo


Isaac Asimov (1920-1992, người gốc Do Thái, sinh quán tại nước Nga, định cư tại Mỹ): giáo sư hóa sinh Đại học Boston, một trong số nhà văn năng suất nhất mọi thời đại, đã sáng tác và biên soạn hơn 500 cuốn sách (độc giả nước ta đã có những bản tiếng Việt: tập truyện ngắn Tuyển tập robot và tiểu thuyết Tôi là người máy…)

Trong thể loại khoa học viễn tưởng xưa nay, Isaac Asimov được xem là bậc thầy, từng nhận nhiều giải thưởng cao quý nhất: Giải Hugo (sáu lần: 1963, 1966, 1973, 1977, 1983, 1994), Nebula (hai lần: 1972, 1976) và Locus (ba lần: 1977, 1981, 1983). Ông là chúa tể của trí tuệ ở những nẻo hết sức khác nhau trên trái đất và đưa ra rất nhiều giả thuyết về tương lai vũ trụ: sáng tạo nên những nhân vật mộng du là người đầu tiên lên vũ trụ và thám hiểm cung trăng, những chú người máy bay lên sao Hỏa và nhiều hành tinh khác. Tiểu hành tinh 5020 Asimov, một miệng núi lửa trên sao Hỏa, một trường tiểu học ở Brooklyn, New York và một giải thưởng văn học quốc tế đều được gắn với tên Isaac Asimov.


Nhà văn năng suất nhất mọi thời đại

Về thực chất, Isaac Asimov tạo nên cả một vũ trụ của riêng mình, trải khắp không gian và thời gian, có địa chỉ, lịch sử và đạo lý hẳn hoi. Óc tưởng tượng của ông khiến người ta tin điều gì không thể, điều gì có thể, và cuộc sống hôm nay đã thực hiện được nhiều điều từng xuất hiện lần đầu trong những trang ông viết từ nửa thế kỷ trước.

Sau lần đến dự triển lãm thế giới 1964 tại New York (Mỹ), nhà khoa học viễn tưởng vừa thích thú vừa tiếc nuối vì thấy chưa thể hiện tầm nhìn tương lai, nên ông liền viết bài đưa ra những dự đoán của mình về cuộc sống loài người cho năm mươi năm sau (2014). Kiểm lại tất cả các dự đoán ấy, tới nay có 30% vẫn ở dạng viễn tưởng, 30% thành hiện thực từng phần và 40%... đúng như in. Ông quả là con người mẫn cảm.

Người máy và quan hệ của chúng với người thật – sáng tạo đó của Asimov có lẽ khiến ta kinh ngạc nhất. Người máy giúp việc dọn dẹp, sắp xếp đồ đạc và điều hành các thiết bị điện tử khác trong nhà thì các kỹ sư Nhật Bản và Hàn Quốc cũng đã tạo ra. Sáng tạo của ông có giá trị chủ yếu không phải ở những phát kiến khoa học kỳ diệu và táo bạo nhất, mà ở tính đạo đức. Ông nêu ra ba điều luật cho các nhà kỹ thuật về người máy, và điều luật nào cũng mang tính vừa kỹ thuật, vừa hoàn toàn triết lý: 1. Người máy không được gây phương hại cho con người thật, 2. Người máy phải ngoan ngoãn tuân thủ người thật nếu như điều đó không chống lại điều 1, và 3. Người máy phải giữ gìn sự tồn tại của mình nếu như điều đó không chống lại điều 1 và điều 2. Bây giờ các nhà chế tạo người máy, dẫu có người chưa đọc tác phẩm của Asimov, đều tuân thủ ba điều luật đó, không một người máy nào được ra đời nếu thiếu ba điều luật ấy. 

Nhà máy điện mặt trời, điện gió đã đi vào hoạt động.

Thiết bị điện tử không cần dây và chạy bằng những loại pin làm từ các chất đồng vị phóng xạ; thông tin liên lạc chuyển tải âm thanh, hình ảnh, nhìn thấy và nghe thấy người đang nói chuyện điện thoại với mình, điện thoại được sử dụng để xem tài liệu, hình ảnh và đọc sách, vệ tinh sẽ giúp con người có thể gọi điện thoại đến bất kỳ nơi nào trên thế giới, thậm chí ngoài không gian, mặt trăng hay mặt trời - thực tế ngày nay điện thoại thông minh có đầy đủ những chức năng đó và các phi hành gia ngoài không gian cũng đã có thể liên lạc với mặt đất.

Tàu xe được trang bị bộ não thông minh, chỉ cần bấm nút là nó tự động đưa chủ nhân đến địa điểm cần đến. Đường sá và cầu cống trở nên lỗi thời vì động cơ phản lực trong xe tự nâng lên không trung và… bay qua sông ư? Hiện nay đã có nhiều mẫu xe hơi tự hành, xe hơi bay được thử nghiệm trên thế giới.

Song le, khi mọi việc đều tự động hóa và do người máy… làm tuốt, xã hội loài người sẽ mắc chung một căn bệnh là… chán nản - căn bệnh này nếu lây nhiễm lan rộng từng năm, để lại hậu quả nghiêm trọng về mặt tâm thần, cảm xúc và tâm thần học sẽ là ngành y khoa quan trọng nhất. Những tiến bộ y khoa cộng với các thiết bị hiện đại có thay thế tim, thận và chữa tắc nghẽn động mạch hoặc chữa lành các dây thần kinh bị đứt, cắt giảm tỉ lệ tử vong và nâng tuổi thọ trung bình lên đến 85 tại một số khu vực trên thế giới. Được biết hiện tại tuổi thọ trung bình của người ở Nhật Bản và Thụy Sỹ là 83, còn ở Anh là 80 và Mỹ là 79.

Sao Hỏa, ông đã đoán trúng về tổng thể - đã có những con tàu vũ trụ không người lái đáp xuống bề mặt sao Hỏa - nhưng còn sai về thời điểm xuất hành của con người lên sao Hỏa. Ông đoán năm 2014 đã sẵn sàng ấn nút khởi hành, nhưng giới khoa học đang phấn đấu đến năm 2030 mới thực hiện được. Với mặt trăng, ông cũng nhầm khi tin năm 2014 sẽ có người di cư lên mặt trăng.

Ông đoán trúng về nhà máy điện mặt trời khổng lồ, nhưng còn sai khi phán rằng con người sẽ làm ra 1-2 lò phản ứng hạt nhân thí nghiệm – thực tế nó chỉ có thể ra đời không sớm hơn năm 2030. Ông cũng chưa dự đoán nổi sự xuất hiện của internet.

Và còn một viễn tưởng nữa, Isaac Asimov nếu sống đến bây giờ còn phải trằn trọc về điều ông viết từ năm mươi năm trước: “Lịch sử đạt đến mức loài người không còn phải giải quyết những vụ hiềm thù, đối địch – con người trên trái đất phải thân thiện với nhau. Tôi không nghĩ rằng có thể buộc mọi người phải yêu quý nhau, nhưng tôi mong muốn triệt tiêu mọi sự căm ghét kèn cựa giữa con người. Tôi hoàn toàn nghiêm túc cho rằng thể loại văn học khoa học viễn tưởng là một trong những khâu góp phần liên kết toàn nhân loại”.

Đăng Bẩy - Theo Russkaya gazeta
Nguồn: Người Đại Biểu