Ngày đăng : 07/02/2015

Marquez, đỉnh cô đơn bất tử


Marquez là ông hoàng của dòng văn học huyền ảo. Thế giới của ông thỏa sức bay lượn, mở ra những đường biên phi trọng không giới hạn. Và điều dó, dòng văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa của chúng ta đang thiếu...


Tôi sẽ không bao giờ quên một buổi tọa đàm về Trăm năm cô đơn diễn ra tại Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM vào một buổi tối một năm cuối thập niên 1980. Ban công tầng 1 Nhà văn hóa chật ních người; có thể tới hai trăm người. Phần lớn là người trẻ. Những người trẻ mà hiện nay hầu như chỉ có thể gặp đông đảo như vậy và đầy nhiệt tình như vậy ở buổi đón một boyband Hàn Quốc sang biểu diễn hoặc buổi gặp gỡ Marc Lévy. Mọi người nói chuyện, rất nghiêm túc, đào sâu vào các vấn đề, đặt câu hỏi cho diễn giả. Và một trong các diễn giả được giới thiệu là một độc giả bình thường như mọi người, một chàng trai rất trẻ, không thể quá hai mươi hai tuổi. Và, đầy tự tin, đĩnh đạc, duyên dáng, anh trình bày kiến giải riêng của mình – những kiến giải thực sự có ánh lấp lánh của trí tuệ - về Trăm năm cô đơn, với một sự cuốn hút mà tôi chưa bao giờ thấy ở bất cứ ai trong số những người mệnh danh là nhà phê bình/nhà nghiên cứu văn học chuyên nghiệp bây giờ.

Có nhiều cách giải thích sự kiện đó. Những năm ấy, sách – sách hay, thật sự hay – là một thứ xa xỉ. Tôi, một con mọt sách, mỗi khi nghe ngóng được là sắp ra một cuốn sách mới, tôi lại chầu chực ngoài sạp báo quen, dặn bác ấy để dành cho tôi một cuốn, đặt cọc một phần tiền nếu vẫn thấy chưa yên tâm (ngày ấy sách được bán ở sạp báo là chuyện bình thường). Trăm năm cô đơn của Marquez, Giã từ vũ khí của Hemingway… đã đến tay tôi bằng cách đó. Tuy nhiên, chuyện đó chỉ giải thích được một phần sự hâm mộ nồng nhiệt của số đông người đọc thời đó dành cho Trăm năm cô đơn. Quả thực, khó mà thờ ơ được với một cuốn sách hay đến thế, một nghệ thuật kể chuyện tài hoa, cao thủ đến như vậy.

“Chủ nghĩa hiện thực huyền ảo”, thứ gắn liền với tên tuổi của Marquez, là một khái niệm mà có lẽ những ai từng đọc ông đều biết, tưởng không cần nhắc kỹ ở đây. Hẳn chỉ cần nói rằng, với những người yêu văn chương, nhất là một gã sinh viên trẻ tuổi như tôi hồi đó, đói văn hay và luôn luôn thiếu văn hay, Trăm năm cô đơn cùng với cái chủ nghĩa hiện thực huyền ảo ấy của ông thực sự là cả một thế giới khác biệt, thế giới của cái "chưa biết" đẹp đẽ, kỳ tuyệt, thực sự huyền ảo, và đáng sợ, đáng sợ song đẹp đẽ và kỳ tuyệt. Trăm năm cô đơn thực sự là một trong những cuốn sách đã góp phần định hình thế giới tinh thần của tôi, thúc đẩy tôi dấn mình vào con đường sáng tạo văn chương với tất cả niềm đam mê, một cách không sợ hãi.

Các nhà văn Mỹ la-tinh thế hệ mới, những con người đầy tài năng – Roberto Bolaño, Horacio Castellanos Moya, Cesar Aira… ngày nay có cái nhìn như thế nào về Marquez? Họ từng nói, bằng giọng mỉa mai sâu cay, về các nhà xuất bản phương Tây (Mỹ/châu Âu), rằng bất cứ khi nào nghe nói đến văn chương Mỹ la-tinh, họ (các nhà xuất bản phương Tây) cứ khăng khăng nghĩ tới anh chàng đi đâu cũng có đàn bướm vàng bay theo quanh đầu và cô nàng bị những chiếc ga giường cô đang phơi ngoài sân quấn quanh mình mang lên trời. Họ nói rằng, trong mắt người phương Tây, văn chương Mỹ la-tinh là và chỉ có thể là văn chương hiện thực huyền ảo chứ không thể là gì khác. Với họ, hiện thực huyền ảo – mà Marquez là đại diện – là một thứ vòng kim cô mà họ cần phải cởi bỏ, một chướng ngại – rất lớn - mà họ cần phải vượt qua.

Tôi yêu văn chương của Bolaño, của Moya, của một số nhà văn khác cùng thế hệ với họ. Và tôi yêu Marquez. Với tôi, các nhà văn Mỹ la-tinh “trẻ” ấy, đặc biệt là Bolaño, đã làm ra và đang làm ra những đỉnh cao khác. Đặt câu hỏi Marquez cao hơn hay Bolaño cao hơn thì sẽ là vô nghĩa, hay đúng hơn là không nhìn thấy, chưa nhìn thấy thực tánh của văn chương. Đỉnh của Marquez và đỉnh của Bolaño là những đỉnh khác nhau, tại những nẻo đường khác nhau của thế giới văn chương. Chúng ta ngưỡng mộ và yêu các đỉnh cao văn chương nếu đó là đỉnh cao đích thực. Với riêng tôi, dù văn chương thế giới đã có, đang có và rồi sẽ có thêm nhiều đỉnh cao mới nữa, song đỉnh cao Trăm năm cô đơn - Marquez mãi mãi là một trong những đỉnh ngoạn mục nhất, mê đắm nhất, đẹp nhất.

Trần Tiễn Cao Đăng
Nguồn: Một Thế Giới