Ngày đăng : 21/04/2014

Đồng cảm, chia sẻ với người cầm bút


Nhà văn như Thị Nở - tên cuốn sách phê bình văn học đầu tiên của Phạm Xuân Nguyên thật… không giống ai. Một lần nữa, nó lại cho thấy sự khác người của Phạm Xuân Nguyên - một kiểu nhân vật “nghịch dị” trong làng phê bình văn học Việt Nam.

Phạm Xuân Nguyên hiện diện trong làng văn nước nhà với nhiều tư cách: nhà phê bình, dịch giả, nhà báo, người dẫn chương trình cho các buổi ra mắt sách, giới thiệu tác giả, tác phẩm. Dăm năm trở lại đây lại thêm một chức danh thật “oách”: Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội. Đồng nghiệp ở Viện Văn học và hầu hết những người trong giới đều biết hai câu thơ chân dung: Viện Văn có một Phạm Xuân/ Nguyên là cán bộ cử nhân phê bình. Phạm Xuân Nguyên có nhiều ưu thế để trở thành một cây bút nghiên cứu phê bình chuyên nghiệp: được đào tạo cơ bản, thông minh, nhanh nhạy với cái mới, có khả năng tự học cao để làm chủ một vốn liếng ngoại ngữ đáng nể phục... Vậy mà đến bây giờ, khi đã quá tuổi “ngũ thập tri thiên mệnh”, bạn đọc mới được cầm trên tay cuốn sách đầu tiên của Nguyên sau hơn 30 năm dấn thân vào con đường nghiên cứu phê bình. Dù rằng Phạm Xuân Nguyên đã là dịch giả của hàng chục đầu sách có tiếng vang.

Điều đáng nói trước tiên ở cuốn sách này là từ chân dung của các nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu phê bình văn học, Nguyên đã tự họa nên chân dung của chính mình, như một cách hiện diện trong đời sống phê bình văn học nước nhà. Và chính ở đấy, bạn bè, người đọc sẽ thấy một cách đầy đủ, trọn vẹn chân dung của nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên. Từ vị trí và tâm thế của một nhà phê bình, với cách phát hiện vấn đề tinh nhạy, sự phân tích sắc sảo, với tinh thần phản biện thẳng thắn, thể hiện chủ kiến riêng, Nguyên đã mang đến cho các bài viết của mình một vẻ riêng. Không ít bài phê bình của Nguyên có sức hấp dẫn và giá trị bởi đã hội được tư duy khoa học sắc và cảm xúc thẩm mỹ tinh. Nhưng một điều cũng dễ nhận thấy ở cuốn sách sự tản mạn, chất lượng không đều nhau trong các bài viết, giữa các tác giả. Phương pháp phê bình của Phạm Xuân Nguyên mạnh về trực cảm hơn là lập thuyết.

Bố cục cuốn sách được chia làm hai phần. Phần I: Người của hôm qua - về các tác giả đã mất. Phần II: Người của hôm nay - về những người hiện thời. Trong mỗi phần thứ tự sắp xếp theo năm sinh của tác giả. 51 gương mặt được khắc họa trong cuốn sách với dấu ấn và đóng góp khác nhau nhưng đều là những tác giả có vị trí và tên tuổi trong nền văn học Việt Nam hiện đại. Tác giả mở đầu tập sách là Thế Lữ sinh 1907, và sau cùng là Vi Thùy Linh sinh 1980. Khoảng cách thời gian là hơn bảy mươi năm, đủ ôm trùm bốn thế hệ nhà văn Việt Nam. Tuy còn thiếu vắng một số gương mặt tiêu biểu làm nên diện mạo của một nền văn học, nhưng với những gì đã có, cuốn sách đã cho thấy bức tranh đa diện, nhiều màu sắc của đời sống văn chương trong một thời kỳ nhiều biến động.

Do cái “tạng” của nhà phê bình, do tính chất của các bài viết trong tập sách nên khó tìm thấy ở đây chân dung đầy đủ, hệ thống chuyên sâu về sự nghiệp và con đường sáng tạo của một tác giả. Hầu hết các bài viết đều chỉ tập trung vào một vấn đề, vào những điểm nhấn quan trọng làm nên phẩm chất văn, phẩm chất người của nhà văn. Nhưng điều đáng nói ở đây là nhiều khi một vấn đề, một điểm nhấn đó lại có sức khái quát thành tựu của cả một đời văn, khắc họa được cá tính sáng tạo của đối tượng phê bình một cách sinh động và cuốn hút.

Khát vọng thành thực - đó là bài viết về Hoài Thanh, cây bút phê bình tài năng bậc nhất của phong trào Thơ Mới. Khi đặt tên cho bài viết này, có lẽ Nguyên đã được gợi ý từ một tiểu luận của Hoài Thanh có nhan đề Thành thực và tự do trong văn chương (1939). Ở đây, Nguyên đã tuyên ngôn như một định hướng cho ngòi bút phê bình của mình: “Thành thực nên thẳng thắn. Khi sáng tạo cũng như khi tranh luận, dám hết mình, dám đi đến tận cùng mọi suy nghĩ, cảm xúc. Nói và viết không phải vòng vo, che chắn, không sợ xuyên tạc, bóp méo. Thành thực nên tin tưởng. Tin ở những điều mình nói, tin ở người khác hiểu mình. Bầu khí hậu văn học 1932-1945 là như thế - khí hậu thành thực. Không được nuôi dưỡng trong bầu khí hậu đó, tôi chắc, văn học thời ấy đã không có được thành tựu rực rỡ để lại về sau như đã có” (tr.31). Theo tôi, đây cũng là một trong số những bài viết đáng chú ý của cuốn sách. Ở đó tập trung khá nhiều điểm mạnh trong bút lực của nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên: tinh thần phản biện thẳng thắn, cảm xúc nồng nhiệt nhưng vẫn giữ được tính khách quan khoa học. Bài viết không chỉ đánh giá, khẳng định thành công của Thi nhân Việt Nam và tài năng của Hoài Thanh, phân tích sâu sắc bi kịch tự nhận thức của con người, mà còn nhìn lại thực chất vấn đề của cuộc tranh luận “Nghệ thuật vị...” ở độ lùi thời gian hơn sáu mươi năm sau.

Viết về những tác gia lớn, những cây đại thụ của văn học Việt Nam, mà số lượng các bài viết về họ lên đến con số hàng trăm, Phạm Xuân Nguyên luôn cố gắng tìm cho mình một cách tiếp cận riêng. Với Nam Cao, anh quan sát và phân tích quá trình nhà văn đi tìm một chủ nghĩa hiện thực mới, hoặc nói cụ thể hơn là tìm hiểu quá trình lựa chọn vào nghề văn của Nam Cao. Với Nguyễn Đình Thi, một “ông quan” văn nghệ, về chính trị, ông được chữ nhất: đại biểu Quốc hội trẻ nhất (22 tuổi, Khóa I, 1946), Tổng thư ký Hội Nhà văn lâu nhất (1958 - 1989). Về văn nghệ, ông được chữ đa: đa tài, sáng tác nhiều lĩnh vực và để lại dấu ấn. Về cuộc đời, ông cũng lại được chữ đa: đa tình, đào hoa. Nhưng, Nguyên không đi vào khai thác những thế mạnh đó, mà anh “chạm” vào những thời điểm khi ông là Người cô đơn. Cô đơn năm 1949, khi ông làm thơ tự do bị đưa ra phê phán tại hội nghị tranh luận Việt Bắc. Cô đơn hồi những năm 1970, khi cô Phượng của tiểu thuyết Vỡ bờ bị đem ra mổ xẻ. Cô đơn năm 1980, kỷ niệm 600 năm sinh Nguyễn Trãi, ông viết vở kịch Nguyễn Trãi ở Đông Quan chỉ diễn được một lần rồi thôi. Với Nguyễn Huy Tưởng, Nguyên bị mê hoặc bởi những trang viết của nhà văn về Hà Nội. Nhà phê bình thấy: “Ông đã viết nhiều về Thăng Long - Hà Nội, nhưng hình như điều sâu xa nhất ông vẫn chưa nói hết, nói trọn, nói xong. Ông ra đi, mang theo tất cả những trăn trở và ước vọng của một người con Hà Nội...” (tr.79). Và Nguyên bị ám ảnh hơn cả với suy nghĩ của tác giả được gửi gắm ở câu cuối cùng trong lời tựa vở kịch Vũ Như Tô: “Cầm bút chẳng qua cùng một bệnh với Đan Thiềm”.

Với Chế Lan Viên, Nguyên đã thử đi tìm một câu trả lời cho Người giấu mặt. Con đường thơ của Chế Lan Viên đi từ tháp Chàm đến tháp Bayon bốn mặt, giấu đi ba, còn lại đấy là anh/ chỉ mặt đó mà nghìn trò cười khóc/ làm đau ba mặt kia trong cõi ẩn hình.

35 chân dung văn học góp mặt ở phần này có những cách hiện diện khác nhau trong đời sống văn chương học thuật nước nhà. Họ đã được tái hiện với nhiều góc độ nông sâu khác nhau qua con mắt của nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên. Như đã nói, dung lượng và chất lượng các bài viết không đồng đều. Đó cũng là điều thường thấy trong các cuốn sách kiểu này. Có bài chỉ như một lát cắt, nói đến một tác phẩm cụ thể (Thâm Tâm - Tống biệt hành; Xuân Quỳnh - Con yêu mẹ bằng con dế, Nguyễn Tuân - Một bài thơ Điện Biên...). Có bài chỉ đề cập một mảng nhỏ trong thành tựu sáng tạo phong phú của một đời văn (Nam Trân dịch Boris Polevoi, Tố Hữu với việc dịch một số bài thơ nổi tiếng của P. Verlaine, Simonov, Aragon). Có một số bài viết sâu kỹ, có tầm khái quát về sự nghiệp của tác giả (Thế Lữ, Xuân Diệu, Trần Dần, Lê Đạt, Hoàng Ngọc Hiến, Nguyễn Khải, Vũ Bão, Nguyễn Đức Thọ...). Điều đáng quý là ở những bài viết mang tính chất đề dẫn cho các cuộc hội thảo, tọa đàm về tác giả cũng đã cho thấy một năng lực cảm nhận văn chương tinh tế và thái độ trân trọng đối với những di sản của nền văn học dân tộc (Trần Huyền Trân - Tiếng thơ của khát vọng đổi gió, Trương Tửu - Người là bách khoa, Quang Dũng - Những mùa xanh)...

Phần viết về người hiện thời chiếm số lượng ít hơn, gồm 16 tác giả. Trong đó có 4 tác giả được xuất hiện hai lần qua hai bài viết như Tô Hoài, Bùi Ngọc Tấn...

Tôi rất ấn tượng với bài Nhà văn, và hắn. Đây là lời bạt cho tập truyện ngắn Người chăn kiến của Bùi Ngọc Tấn, NXB Hội Nhà văn, 2010. Qua việc luận bàn về Hắn, đại từ nhân xưng chỉ một loại người mà gói trọn những thăng trầm dâu bể của một kiếp người cầm bút viết văn. Và đồng thời cũng thấy rõ hơn “quá trình viết là để phục sinh”.

Những bài viết về thơ Mai Văn Phấn, thơ Vi Thùy Linh, Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh... cũng có sự kết hợp khá nhuần nhuyễn giữa năng lực thẩm bình tinh tế với những luận cứ khoa học rành mạch (dù đôi chỗ không tránh khỏi cực đoan).

Một ưu thế nữa trong phê bình văn học của Phạm Xuân Nguyên là do anh là người đi nhiều, tiếp xúc nhiều. Không chỉ đến với đối tượng phê bình qua văn bản (điều quan trọng nhất) mà Nguyên còn là người đồng cảm, chia sẻ với số phận đa đoan của người cầm bút. Đặc biệt là với những số phận không may mắn trong trường văn trận bút. Giọng điệu phê bình của Nguyên khá linh hoạt, thích hợp với các dạng bài khác nhau, không loại trừ cả việc tạo ra những cuộc đối thoại, trò chuyện giả tưởng với tác giả (Hàn Mạc Tử, Nguyễn Bính), với nhân vật (trò chuyện cùng Đặng Trần Tự - nhân vật trong tiểu thuyết Đám cưới không có giấy giá thú của Ma Văn Kháng). Công việc của nhà phê bình là từ văn bản gốc của nhà văn tạo ra văn bản của mình. Nhưng nghĩ đến cùng, “những suy nghiệm về văn chương là gì nếu không phải là những suy nghiệm về cuộc đời, về con người, về mọi lẽ nhân sinh quanh ta, và trong ta”. Nguyên có viết: Hãy để mỗi người được sống đúng mình, là mình. Mừng cho Nhà văn như Thị Nở tức Nguyên văn 1 ra đời, tôi muốn nói lại: Hãy để mỗi người được viết đúng mình, là mình!

_____________

* Nhà văn như Thị Nở, Phạm Xuân Nguyên, NXB Hội Nhà văn và Nhã Nam, 2014.

Lưu Khánh Thơ
Nguồn: NĐB