Ngày đăng : 23/10/2015

Không đọc sách, sẽ chết sung sướng


Một phản đề của việc nên đọc sách hay không, và gây ra suy ngẫm đối với tình trạng phổ biến hiện nay: thanh niên và viên chức lười đọc sách.

Nike, giải thưởng văn học chủ chốt của Ba Lan năm 2013 đã thuộc về tiểu thuyết Tù mù gần như đêm (Ciemno, prawie noc) của nữ tác giả Joanna Bator. Thoạt nhìn, thấy có lý do để vui, nếu như quên một thực tế là sự kiện đó chẳng được mấy ai quan tâm. Có gì đó thật khôi hài khi trao giải thưởng văn học ở một đất nước người ta không đọc sách. Giải thưởng có là cái gì đâu nếu như nó chẳng tác động đến ấn lượng sách của người được giải?

Giới văn nhân ăn mặc trịnh trọng tụ họp vào tối chủ nhật ở thư viện Đại học Tổng hợp Warsawa đã không văn hoa khi nói về cuộc khủng hoảng văn chương và sự lụn bại của các giải thưởng văn học. Nhấm nháp rượu vang trắng hoặc đỏ với những lát thịt hươu tươi, giới văn nhân phác họa những kịch bản u tối của một tương lai không còn sách và sự xâm lấn của một kỷ nguyên toàn những người mù chữ mới.

Không khí bi quan đang ngự trị không chỉ ở các hành lang văn học. Những bản thống kê hàng năm không để lại trong người đọc một chút tơ vương. Kết quả mới nhất cho hay: trong năm gần đây có tới 40% dân Ba Lan không một lần động tay đến sách (kể cả album, cẩm nang hay từ điển). Số người thường xuyên đọc chỉ chiếm 11% dân số, mà “thường xuyên” ở đây có nghĩa bảy cuốn sách trong cả một năm.

Các động thái nhằm thúc đẩy sự đọc đã chẳng mang lại một hiệu quả nào, thậm chí những hăm dọa thẳng thừng, kiểu như chủ kiến của một trong những chiến dịch “Vợ chồng không đọc sách, đừng hòng ngủ chung giường” cũng vô tác dụng. Người Ba Lan cố thủ với thói không thích đọc sách và đấu tranh ủng hộ thú tự do lựa chọn thứ văn học nhảm nhí. Và, đại thể là họ đã đúng. Bởi trong thời nay, đọc sách đã chẳng còn có ý nghĩa gì. Tại sao lại thế? Có năm nguyên nhân sau đây:

1. Đọc sách chẳng thêm được gì

Sự thật là thế đấy – không cần sách, con người vẫn cứ sống tốt. Vẫn có thể được yêu chiều, nổi tiếng, thành đạt và tôn lên là người thông minh mà tuyệt đối không động chạm gì đến văn chương. Thế thì sao? Chẳng sao cả! Đấy là lý do đủ để công nhận rằng sự đọc không hề là thuộc tính của sự sống. Đến như facebook cũng còn nhiều bổ ích hơn sách kia mà.

Có những lĩnh vực còn quan trọng hơn thế: công việc, gia đình, thời trang, mua sắm, bạn bè, ẩm thực, dạ hội, sex, thể thao. Mà thứ nào cũng đem lại dấu cộng chứ không như sách. Sự đọc mang tính chất lánh đời, nhờ đọc, bạn chẳng thấy mình tốt đẹp hơn (có khi còn ngược lại nữa là khác), nhờ có đọc sách mà để lại ấn tượng thì không có đâu. Vậy thì tội gì mà phí thời gian cho cái việc chẳng chẳng thêm được gì, một khi trong đời còn có thể làm bao thứ khác có ý nghĩa hơn nhiều?

2. Việc đọc tước đi nhiều thời gian

Xem phim mất tiếng rưỡi đồng hồ, nếu là phim nhiều tập: 30 - 55 phút. Một tối bù khú/nhậu nhẹt: sáu tiếng đồng hồ, có thể cộng với cả buổi sáng hôm sau nếu say lử đử. Đọc báo: một tiếng. Nghe nhạc: thường chỉ mở làm nền và nói chung không tốn thời gian. Còn đọc sách? Để đọc một cuốn tiểu thuyết phải bỏ ra ít nhất hai chục giờ. Ở thời buổi này, ai trong chúng ta kiếm được ngần ấy thời gian? Thể lực không cho phép: con người suốt cả ngày làm việc cật lực mệt bã mò về nhà, đi mua vài thứ, rồi còn phải xào xào nấu nấu nữa, mà vẫn phải chăm sóc bạn hàng, con cái, thú cưng… Gần đến nửa đêm, sắp hết hơi rồi mới lôi từ tủ lạnh ra chai bia và dạo thử vài kênh truyền hình, lật qua vài trang facebook. Nếu gặp chuyện thần kỳ, lũ con về thăm bà (có được ba -bốn lần mỗi tháng?) thì cũng chẳng tội gì đọc sách, mà đi gặp bạn bè, vào rạp xem phim, ra sân xem bóng đá, chơi games hay ngồi xem facebook. Có vô khối thứ lấy đi ít thời gian hơn sách. Phép tính quá giản đơn.

3. Đọc thì mệt

Mới đến trường ta đã biết ngay: đọc là một cực hình. Tới bậc trung học trở lên sự thật đáng buồn ấy càng được khẳng định, ta chỉ được thở đều đều từ sau cuộc thi tốt nghiệp. Thoát khỏi danh mục những cuốn sách, câu hỏi kiểm tra kiến thức về thơ văn, về tác giả và nhân vật, về từng thời kỳ văn học, liệu một người bình thường nào còn muốn quay lại cơn ác mộng ấy?

Đọc vốn là công việc khổ sai không chỉ ngốn nhiều thời gian mà còn là hoạt động đòi hỏi tập trung cao độ, tĩnh lặng, thanh thản, biệt lập và phải ngắt những thứ quyến rũ khác, kiểu internet, điện thoại di động… Làm sao mà bắt kịp được hết thảy!

Cho nên internet đang thắng: tít đập vào mắt, bài dài chỉ một đoạn và đương nhiên có ảnh kèm theo. Có cả phim nữa. Tốt hơn hết là mở liền vài ô, cộng với chat và âm nhạc. Có thể thấy là mình đang sống hết cỡ. Trong phong cách sống đa mang như thế, đọc sách như một kiểu tu khổ hạnh, đày đọa thân xác. Thích thú gì cái việc chui vào tấm áo sồng bằng giấy ấy.

4. Đọc sách không mang lại lợi lộc

Không phải vấn đề ta có được trả công cho việc đọc. Đơn giản là những dạng hoạt động khác cũng có thể – chí ít là gián tiếp – gia tăng lưng vốn cho ta. Dự tiệc tối, ta quen thêm những người mới để có cơ hội chuyển sang hợp tác làm ăn; trên mạng xã hội ta nâng cao vị thế của mình dẫn tới những kết quả lâu dài trong cuộc sống – được người ta biết đến và đánh giá, rồi vinh quang trên mạng sẽ mang lại công việc trong đời.

Hay như điện ảnh: có thể ngồi xem cùng đám bạn quen, sẻ chia nhận xét tuy chỉ khi cao hứng. Với âm nhạc cũng vậy, đặc biệt là nhạc nhảy hoặc những bài đang thịnh hành: nhảy cùng, hát karaoke cùng, bởi vì thích nhau (nhưng thường là vì thích bản thân).

Còn sách thì có gì? Rất hãn hữu mới thấy trong đám bạn quen có người nói đến cuốn sách mình vừa đọc và khoe chính mình cũng có đọc. Vậy mà phim truyền hình nhiều tập thì ai cũng xem và cũng bàn tán, thế đấy!

5. Cậu đọc sách à? Thế thì hỏng rồi

 Người đọc thường thuộc một trong những nhóm sau:

- Tu mi nam tử. Họ ngồi bàn đầu, làm hết các bài tập về nhà và ít khi cho người khác sao chép. Họ gặp vấn đề về mối quan hệ bạn bè và bạn tình. Họ sợ thuốc lá, rượu và hoảng hốt khi nhận điểm bốn cộng. Bị cả lớp ghét nhưng họ bất cần, nghĩ mình được bù lại bởi thầy vẫn phục lăn và mỗi kỳ thi thang điểm vẫn cao ngất.

- Bạc nhược. Họ bao giờ cũng được miễn dự tiết giáo dục thể chất do mắc chứng hen suyễn hoặc vẹo cột sống. Họ có một khả năng kỳ lạ: ngửi thấy mùi thịt rán là bay bổng, khi cần có thể quên tiệt chứng bệnh. Ở phiên bản nữ - mau nước mắt, ươn lười, nhõng nhẽo.

- Từ giời rơi xuống. Chẳng ai biết ai hay giọng nói, họ tên như thế nào. Nhóm bạn thân của họ cũng từ giời rơi xuống nốt, chẳng ai biết ai hay. Sở thích và khả năng phi thường của họ nằm ở mảng tin học và toán học dường như dễ hù dọa những kẻ hay tò mò. 

- Mọt sách. Được thư viện liệt hạng rồi. Dấu hiệu phân biệt: lúc nào cũng mang theo mình chí ít năm cân sách. Căn hộ không dùng để ở, mà để chứa các bộ sưu tập sách, cho nên đối với họ thảm họa nhất là chuyển nhà. Họ cuống cuồng gia tăng quy mô thư viện riêng và vơ vét đủ các thứ giấy còn thiếu trên kệ trong tủ nhà mình. Họ cười ruồi trước những người nêu câu hỏi “Đọc tất rồi chứ?”…

Sinh viên văn khoa gặp bất kỳ đối tượng nào thuộc các dạng kể trên cũng lắc đầu ngao ngán: “Ngữ ấy thì cố lắm cũng chẳng thành đệ nhất văn hào thứ hai được đâu”.

Tổng hợp những dạng đã nêu: trong một thế giới tất cả đều phải nhằm mục đích, làm gì đều phải có lợi, thời gian là tiền bạc, một người có bao nhiêu tiền sẽ có giá đúng bằng bấy nhiêu, thì sự đọc trở nên vô tích sự.

Cho nên tôi đề xuất ý kiến: ai đã coi sách là vô ích thì cứ việc kiêng đọc sách. Để họ cứ việc ở trong cái thế giới những đồ vật vô dụng, những nguyên lý và cảm xúc khó hiểu đối với họ mà họ chẳng biết cách miêu tả. Để họ cứ việc tin vào những điều họ thấy, nghe theo những ai kể cho họ biết tất cả kỳ thực là như thế nào. Để họ cứ việc cắm đầu dấn thân vào cuộc đua đã ràng buộc họ, có điều là, cầu trời, họ chớ có thắc mắc bất cứ một cái gì. Nhưng thật ra thì liệu họ có thể đưa ra những câu hỏi gì? Bởi họ chẳng biết chọn lựa một giải pháp nào hết.

Nhờ thế, họ sẽ chết sung sướng trong khuôn khổ một hệ thống linh động. Họ không biết nỗi vật vã của độc lập tư duy, những dằn vặt liên quan đến sự nhìn lại bản thân và thế giới, không có nỗi đau đớn khi ngộ ra rằng trên đời có những cách nhìn nhận khác nhau và có một viễn cảnh rộng lớn. Họ cứ việc đầu quân bổ sung vào đội ngũ nô lệ và đàn cừu. Chẳng ai buồn đụng đến họ cả. Thậm chí còn ngược lại là khác: kẻ cùn mòn thì dễ bị điều khiển bởi đám đông.

Còn chúng ta, đám tu mi nam tử và mọt sách thì cứ mua sách của Joanna Bator và nóng mặt chờ mong lễ xướng danh người được giải Nobel văn học.

AGATA TOMASZEVSKA (Ba Lan)
ĐĂNG BẨY giới thiệu và dịch
Nguồn: Người Đại Biểu