Ngày đăng : 08/04/2014

Từ Beirut tới Jerusalem


Tác giả kiêm nhà báo Thomas L. Friedman có lẽ không quá xa lạ với bạn đọc Việt Nam, đặc biệt với những ai có nhu cầu tìm hiểu cơ hội và thách thức từ xu hướng toàn cầu hóa. Năm 2007 đất nước chúng ta được chính thức kết nạp vào tổ chức thương mại thế giới (WTO), và tác phẩm Thế giới phẳng của Friedman đã giúp giải đáp phần nào những quan tâm về kinh tế, văn hóa, giáo dục, và địa-chính trị trong kỉ nguyên số. Tiếp theo đó, Chiếc Lexus và Cây Olive và Nóng, phẳng, chật lần lượt ra mắt bạn đọc nhằm cung cấp dự báo về những viễn cảnh tương lai của thế giới mà Việt Nam không phải là ngoại lệ. Bên cạnh toàn cầu hóa, Thomas L. Friedman còn được giới hàn lâm và công chúng đón nhận nồng nhiệt không kém qua góc nhìn sắc sảo và khách quan về đề tài Quan hệ quốc tế. Với những tác phẩm báo chí xuất sắc về cuộc chiến Liban (1983), Israel (1988), và mối đe dọa của chủ nghĩa khủng bố toàn cầu (2000), Friedman đã vinh dự 3 lần nhận giải thưởng báo chí cao quí Pulitzer của Hoa Kỳ.


Từ Beirut đến Jerusalem, bìa ấn bản tiếng Việt

Lần trở lại này của Thomas L. Friedman với Từ Beirut tới Jerusalem hứa hẹn đem đến nhiều điều đặc biệt và thú vị cho bạn đọc Việt Nam. Đây chính là cuốn sách đầu tiên làm nên tên tuổi Thomas L. Friedman cũng như mang đến cho ông giải Pulitzer mang màu sắc hoàn toàn khác biệt: hài hước, nhưng có lúc là sự châm biếm, đả kích và cả những trăn trở không thôi về niềm tin của con người và sự thật trong chiến tranh, khác biệt với văn phong bị đánh giá là mang nặng tính hàn lâm hơn mức cần thiết trong những tác phẩm khác đã xuất bản tại Việt Nam. Nhưng quan trọng nhất chủ đề của tác phẩm chạm đến một vùng đất huyền bí và hiểm nguy vừa khơi dậy những ước mơ vừa làm chúng ta rùng mình kinh sợ: Trung Đông.

Trong chừng mực nhất định, Trung Đông trong tâm trí chúng ta là có lẽ là những thước phim đẫm máu trong các đoạn phóng sự lướt nhanh trên màn ảnh nhỏ. Quả thật, dù 2000 năm đã trôi qua nhưng bầu không khí Trung Đông luôn lan tỏa sức nóng dữ dội từ cơn bão lửa hận thù giữa những sắc dân bản địa, và không ngừng được đổ thêm những thùng vàng đen từ mối quan hệ Địa - chính trị phức tạp trong tam giác Hoa Kỳ – Israel - khối Ả-rập hình thành từ thế chiến thứ 2.

Nhưng có thể bạn chưa biết, Trung Đông còn là nơi khởi thủy và nuôi dưỡng ba trong số những tôn giáo lớn nhất của nhân loại: Thiên Chúa giáo, Hồi giáo, và Do Thái giáo. Dẫu chúng ta có (hoặc không có) những đức tin khác nhau, không thể phủ nhận rằng những tôn giáo này đã và đang mang lại hạnh phúc và khổ đau cho hàng tỷ người trên trái đất.

Những hiểu biết của bạn đọc về Trung Đông sẽ được mở rộng và đào sâu thêm qua những phân tích và suy tư của Thomas L. Friedman trong khoảng thời gian ông đảm nhiệm vai trò phóng viên thường trú của tờ New York Times tại khu vực này, trong môi trường tác nghiệp còn thô sơ vào thập kỉ 1980 của thế kỷ trước, khi những khái niệm như Internet băng thông rộng hay truyền hình vệ tinh vẫn đang phôi thai và đượm màu viễn tưởng.

Với cá nhân tác giả, đây còn là cuộc hành hương tìm về nguồn cội và quê hương của một người Mỹ gốc Do Thái, như ông bộc bạch: “Cuốn sách chính là con đường từ Beirut tới Jerusalem mà tôi đã rong ruổi, bằng cách này hay cách khác, suốt thời trưởng thành của mình. Đó là một con đường khác thường, hài hước, thi thoảng có bạo lực và thường là không thể lường trước được.
Dù được đào tạo và rèn giũa những kĩ năng báo chí trong môi trường quy chuẩn và chuyên nghiệp nhất, Thomas L. Friedman không trích dẫn những lí thuyết giáo điều khô khan, mà thay vào đó là những suy nghĩ bình dị khi bắt đầu tiếp cận luồng thông tin ngồn ngộn và không thuần chất.

“Beirut luôn là một thành phố làm nảy sinh nhiều câu hỏi hơn lời giải đáp, đối với cả những người đang sống và không sống ở đó. Những câu hỏi thường xuyên nhận được từ độc giả và bạn bè tôi khi trở về  nhà đều bắt đầu bằng “Như thế nào?” – Người ta đối phó thế nào? Người ta sống sót thế nào? Người ta tiếp tục sống thế nào trong một thành phố mà bạo lực đã giết chết và làm bị thương tới 100 nghìn người trong vòng 14 năm nội chiến? Điều tôi thường trả lời là sống ở Beirut yêu cầu nhiều điều, nhưng điều đầu tiên và trước nhất là cần có một trí tưởng tượng hoang dại.”

“Những việc như vậy đã mang đến cho tôi nguyên tắc đầu tiên khi đưa tin ở Beirut: Nếu bạn không biết nói châm biếm thì bạn không nên đến đây. Một phóng viên không bao giờ được mất đi tố chất hài hước ở một nơi như Beirut – vì anh ta không chỉ phát điên nếu làm mất nó, mà anh ta sẽ còn bỏ lỡ điều thuộc về bản chất của chính những người dân Liban. Thậm chí trong cả những thời khắc đen tối nhất của mình, người Liban cũng không bao giờ quên tiếng cười cả.”

Friedman thành thực chia sẻ cảm giác thất vọng và những mối ưu tư về đạo đức nghề nghiệp khi dường như đã tìm thấy ánh sáng trong hang tối, hóa ra lại là ánh nến le lói của một ai đó cũng đang loay hoay mò mẫm như ông. Những bạn đọc đang phải đối diện với những thử thách tương tự trong công việc, vốn không còn gói gọn trong lĩnh vực báo chí hay truyền thông đại chúng, sẽ tìm thấy niềm an ủi để trấn an bản thân, cũng như được tiếp thêm động lực nhằm hoàn thiện những kĩ năng trên con đường tìm kiếm phiên bản chân thực nhất của Sự thật.

“Ánh sáng trắng thuần khiết của Sự thật trong những bản tin được đưa ra ở Liban luôn được khúc xạ qua lăng kính của các phe phái và khu tự trị, rồi dội lại ý thức của con người như dải quang phổ hiện trên bức tường. Là một phóng viên, bạn phải học cách lấy một vài tia màu đỏ ở chỗ này, một ít tia màu xanh ở chỗ kia và vẽ vào bản tin một bức tranh mà bạn nghĩ là gần với thực tế nhất. Hiếm khi nào bạn có cảm giác hài lòng vì mình đã thực sự hiểu được ngọn nguồn của điều gì đó.”

“Vài phóng viên khi nhận ra hoàn cảnh xung quanh những tin tức này thì trở nên bối rối đến mức cố gắng bịa ra một quy định nghe –  có-vẻ-chính-thức cho chúng. Họ tạo ra ánh sáng ở nơi không hề có. Họ không bịa ra tin tức nhưng họ đã đi đến giải pháp là bịa ra những nguồn tin hấp dẫn cho các thông tin mà họ tìm được.”

“Thêm nữa, sự hỗn loạn giống hệt nhau lại khiến cho việc đưa tin ở Beirut vô cùng kích động. Làm một phóng viên ở Beirut giống như diễn một vở kịch mà khán giả có thể lao lên sân khấu bất cứ lúc nào và phỏng vấn diễn viên như thể họ đang trình bày vấn đề của mình, hoặc hành động chẳng ăn nhập gì với các cảnh trong kịch bản. ‘Nói đi, Hamlet, anh nghĩ gì về bố dượng mình?’ Chẳng hề có người hướng dẫn chỗ ngồi kéo bạn trở lại, không có hiệp hội báo chí, cũng chẳng có giới hạn đưa tin.”

Trong quá trình tìm hiểu, Thomas L. Friedman đã khéo léo áp dụng những lí thuyết tâm lí để hé lộ đằng sau bức màn bạo lực vẫn chưa thấy hồi kết tại Trung Đông, đơn cử là quá trình gắn kết và xung đột giữa những luồng văn hóa và uẩn ức nội tại. Những bạn đọc đang học tập và công tác trong những lĩnh vực Chính trị hoặc Quan hệ quốc tế sẽ tìm thấy những ý hướng gợi mở và kĩ năng phân tích hiện tượng, và từ đó có thể truy tìm bản chất bằng cách kết nối những sự kiện tưởng chừng như rời rạc và không liên quan.

“Sau vài năm ở Beirut, tôi đã hiểu được đôi chút tại sao người Do Thái có một nhà nước còn người Palestine thì không. Những người Do Thái gốc châu Âu, những người đã xây dựng Israel, họ đến từ nền văn hóa của sự sắc sảo và cách nhìn sự việc chính xác. Họ là những con người cứng rắn, lạnh lùng, luôn luôn hiểu được sự khác biệt giữa thành công và thất bại, giữa lời nói và hành  động. Vì những người Do Thái luôn là một dân tộc bị chia cắt, họ phát triển những thể chế tự trị của riêng mình và phải dựa trên cảm nhận sâu sắc của chính mình về tính đoàn kết kiểu bộ lạc. Điều này tạo cho họ sự chuyên tâm vào một mục đích nhất định. Họ không bao giờ định cư trên một quê hương tạm bợ; cuộc sống đối với họ không chỉ là vòng đời khác trên Địa Trung Hải hay cái nhún vai của định mệnh.”

“Với những người Do Thái rời khỏi châu Âu, kẻ thù của hôm nay sẽ là kẻ thù của ngày mai. Thế giới chia cắt thành hai phần: những người Do Thái và những người không phải Do Thái. Đối với những người theo Chủ nghĩa Phục quốc, những người Ả-rập là hai tập hợp con của những người không phải Do Thái  – điệp viên và kẻ thù. Điệp viên thì bạn ra lệnh, kẻ thù thì bạn giết bỏ.”

“Nhịp điệu cuộc sống ở thế giới A-rập luôn luôn khác biệt. Con người trong xã hội A-rập luôn có xu hướng bẻ cong nhiều hơn; cuộc sống ở đây luôn chuyển động theo hình bán nguyệt mập mờ, không bao giờ quay đúng góc cả. Biểu tượng tôn giáo của phương Tây là hình chữ thập và của người Hồi giáo là ngôi sao  –  cả hai đều đầy các cạnh và góc. Biểu tượng của Hồi giáo phương Đông là hình trăng lưỡi liềm –  một vòng cung mờ ảo, nhẹ  nhàng và rộng mở. Trong xã hội Ả-rập luôn có vài cách làm giảm nhẹ sự thất bại bằng lối cách nói tu từ và cho phép những kẻ thù xấu xa nhất cùng ngồi uống cà phê với nhau, thậm chí còn có thể tặng hoa cho nhau nữa kia.” 
Dẫu luôn tâm niệm rằng sẽ công bằng hơn cho bạn đọc và tác giả, nếu trong vai trò giới thiệu tôi có thể đặc tả một cách khách quan nhất trong khả năng cho phép, thay vì tô điểm những vầng hào quang hào nhoáng và không bao giờ có thực, về một thực thể giản dị và dễ tổn thương có tên là Sách. Đặc biệt khi đã bị đóng đinh vào cây thập giá có tên là “bestseller” hay “tác giả đã ba lần nhận giải thưởng Pulitzer” như Từ Beirut tới Jerusalem của Thomas L. Friedman. Nên kính mong quý bạn đọc thứ lỗi nếu những diễn ngôn chủ quan của tôi lại vô tình đặt thêm gánh nặng hoặc một “sứ mệnh văn chương” nào đó cho cuốn sách này.

Với riêng cá nhân tôi, một độc giả phổ thông bình thường trong quá trình đọc phải vật lộn với quá trình mưu sinh và những nghĩa vụ xã hội khác, đã tìm thấy cho riêng mình những trải nghiệm thú vị về cuộc đời của những người khác trong cuốn du ký về miền đất Trung Đông xa lạ, mà có lẽ cả đời tôi không muốn, hoặc không dám đặt chân đến. Bên cạnh đó, cuốn sách này đã giúp tôi hiểu thêm về chính đất nước Việt Nam mà chúng ta đang sinh sống như “tại sao một vụ giết người lại có thể bắt nguồn từ sây sát nhẹ khi tham gia giao thông” hay “tại sao cộng đồng Nghệ An và Thanh Hóa lại bị kì thị trong những khu công nghiệp miền Nam”.  Khi đã hiểu thêm về nơi đang sống, người ta sẽ thôi lưu vong trên chính quê hương của mình.

Trân trọng giới thiệu đến quý độc giả bản dịch Từ Beirut tới Jerusalem của dịch giả Đặng Ly, và hy vọng cuốn sách này sẽ giúp quý bạn đọc nhận ra những điều quý báu và đẹp đẽ vẫn hằng tồn tại trong thế giới này.

(Trích Lời nói đầu)