Ngày đăng : 27/08/2015

Bức tranh ấn tượng về kinh tế Việt Nam thế kỷ 17 và 18


Thế kỷ 17 và 18 là một trong những thời kỳ “nhộn nhạo, rối ren và đẫm máu nhất” của lịch sử Việt Nam với sự suy tàn của nhà Lê, cuộc chiến Trịnh - Nguyễn phân tranh (Đàng Ngoài - Đàng Trong) kéo dài cùng với quá trình chinh phục, mở đất phía Nam, xen kẽ với những rối loạn ở biên giới và những cuộc nổi dậy của quần chúng nông dân.


Bìa ấn bản tiếng Việt Bức tranh kinh tế Việt Nam thế kỷ XVII và XVIII - Ảnh: Cổ Điển

Dựng lại bộ mặt kinh tế - xã hội của một thời kỳ như vậy là công việc khá mới mẻ, đòi hỏi nhiều công phu cùng một nhãn quan sâu sắc.

Với cuốn sách Bức tranh kinh tế Việt Nam thế kỷ 17 và 18 - nguyên văn tiếng Pháp Tableau économique du Vietnam aux XVIIè et XVIIIè siècles của Nguyễn Thanh Nhã (1928-2008) - nguyên là giáo sư kinh tế học Đại học Paris 1 (Sorbonne-Panthéon), tác giả đã vượt qua những thách thức đó để vẽ nên những đường nét chủ yếu, sáng rõ, những mảng màu chủ đạo trong đời sống kinh tế của cả nước trong thời kỳ này. Được xuất bản tại Paris (NXB Cujas) năm 1970, cuốn sách này mới được nhà nghiên cứu Nguyễn Nghị chuyển sang tiếng Việt, do NXB Tri Thức ấn hành.

Không sa vào mô tả hoặc liệt kê chi tiết sự việc, dù rằng nguồn tài liệu trong và ngoài nước được tác giả sưu lục và tập hợp rất dày công; không để bị cuốn hút trong mớ bòng bong sự kiện lịch sử, bằng một cách diễn đạt trong sáng, lôi cuốn, tác giả Nguyễn Thanh Nhã đã dẫn dắt người đọc qua những lĩnh vực chủ yếu của nền kinh tế xã hội thời ấy, từ những biến đổi trong nông nghiệp (hoạt động nông nghiệp và phi nông nghiệp) cho đến sự phát triển của kiến trúc thượng tầng đô thị và thương mại (hoạt động đô thị, nội thương và ngoại thương), để đi đến những nhận định quan trọng, khả dĩ soi rọi ý nghĩa cho một thực tế có nhiều tương tác khó phân định, thậm chí đối nghịch nhau.

Ở phần mở đầu cuốn sách, sau khi nêu lên tính chất biến động, bất thường của thời kỳ này, tác giả viết: “Nhưng nhiều khi hứa hẹn về một buổi bình minh mới lại ló lên trong một bầu không khí căng thẳng tột đỉnh. Một trật tự ổn định hơn, dễ sống hơn trên những nền móng đã được đặt ra trong bão tố có thể ra đời từ một chuỗi những xáo trộn và khủng hoảng trầm trọng”. Đó là những chuyển biến mà Gaston Leduc gọi là “những hoạt động mang tính chất chủ yếu tiền tư bản chủ nghĩa” (Lời tựa): sự mở rộng lãnh thổ và tác động tích cực của nó - một “ngõ thoát” cho động lực dân số; là nền kinh tế hàng hóa và tiền tệ ngày càng chiếm ưu thế với nền nông nghiệp được thúc đẩy theo hướng chuyên biệt hóa phục vụ xuất khẩu và thủ công nghiệp phát triển có xu hướng tách khỏi nông nghiệp để thành một ngành độc lập, cùng với sự gia tăng lưu thông thủy - bộ và số lượng đồng tiền lưu hành; là giao dịch với nước ngoài phát triển, giao dịch nội địa được tổ chức thành mạng lưới rộng lớn, dày đặc với nhiều chợ và trung tâm mua bán mới xuất hiện; là sự đổi mới của đô thị tạo thuận lợi cho sự hình thành của tầng lớp thị dân...

Tuy nhiên, những bước tiến này lại gặp phải cản ngại một khi các nguồn lực phải dồn vào mục tiêu phi sản xuất và gánh nặng tài chính của chiến tranh khiến nhà nước ở cả Đàng Ngoài lẫn Đàng Trong phải can thiệp vào các vụ làm ăn cá nhân... Và do vậy, tác giả kết luận: “Sức ép đổi mới dễ thấy nhất vốn tạo nên tính độc đáo của diện mạo kinh tế và xã hội của thế kỷ 17 và 18 đã không thực hiện được những biến đổi cơ cấu thật sự” (NV nhấn mạnh) và chính triều đại Tây Sơn sau đó sẽ tháo bỏ các rào cản này để mở ra viễn cảnh về một đà phát triển mới của kinh tế trong một đất nước thống nhất.

Bức tranh kinh tế Việt Nam thế kỷ 17 và 18 từng được giới nghiên cứu đánh giá cao. J. Decournoy viết trên tờ Le Monde (27-11-1970): “Nguyễn Thanh Nhã đã dựng nên từ kho lưu trữ khổng lồ một bức tranh ấn tượng về Việt Nam và nền kinh tế Việt Nam vào các thế kỷ 17 và 18; với học giả Lê Thành Khôi thì đây là “một trong những công trình sử học hay nhất về Việt Nam đã được xuất bản”.

Sẽ là một thiếu sót nếu không nhắc đến những nỗ lực của dịch giả Nguyễn Nghị - trước đây cũng từng dịch cuốn Xứ Đàng Trong của Li Tana - khi chuyển ngữ một công trình nghiên cứu bằng một lối dịch theo sát nguyên văn nhưng sáng sủa, lưu loát và nhất là công phu tìm tòi tra cứu, đưa vào các đoạn trích dẫn từ các tư liệu, sử sách tiếng Việt mà trong nguyên tác vốn được dịch ra tiếng Pháp.

Công Thắng
Nguồn: TBKTSG