Ngày đăng : 07/05/2015

Yersin, nhà thám hiểm không theo nghĩa đen


Viết một tiểu thuyết - tiểu sử, nhà văn sẽ dễ rơi vào hai thái cực: hoặc coi nhẹ tư liệu, để cho quyền năng hư cấu và diễn giải mặc sức tự tung tự tác, tạo ra một phiên bản nhân vật hoàn toàn bất khả tín và gây sốc, hoặc bị những khối tư liệu đời thực quy định đến mức khô khan, như cách kể dài dòng một lý lịch, không mang lại dấu ấn sáng tạo văn chương nào. Nhà văn đương đại Pháp Patrick Deville, trong Yersin: Dịch hạch & thổ tả, cuốn tiểu thuyết dựng lại chân dung Alexandre Emile Jean Yersin (1863-1943), đã nói một cách hình ảnh về công việc của mình: “Viết về một cuộc đời cũng giống như vừa kéo violon vừa nhìn bản nhạc”.

Patrick Deville, cũng tự đi vào cuốn tiểu thuyết trong “vai” một “bóng ma của tương lai”, một “gã ký lục luôn cầm trên tay quyển sổ bọc da chuột chũi đi theo Yersin như cái bóng của ông”. Với sự hóa thân đó, nhà văn đẩy toàn bộ không gian tiểu thuyết vào bên trong cuốn sổ ghi chép của mình, người du hành xuyên không gian và thời gian, lúc ngồi cùng Yersin trong căn nhà gỗ ở Hòn Bà Nha Trang, lúc lang thang ở Đà Lạt, khi nhìn ngắm Sài Gòn từ cửa sổ khách sạn Majestic, cũng có khi uống với Yersin một ly ở quán rượu trên phố Plumet, Paris. Điều đáng nói hơn, hiện thân của nhà văn, cái “bóng ma tương lai” ấy đủ sức níu mối dây sần sùi của tiểu sử nhân vật trong quá khứ để nối vào hiện tại, khi anh ta, vừa mới “hiện ra” bên cạnh Yersin trong thời khắc đầu thế kỷ XX, bỗng nhiên quay trở về hiện tại của Sài Gòn, Đà Lạt, Nha Trang của tháng 2 năm 2012 với những ghi chép cảnh vật, thời sự, đời sống, chính trị hiện tại đầy tinh tế và hài hước.

Cuốn tiểu thuyết mang cấu trúc phi tuyến tính, là những mảnh ghép nối đầy chất thơ. Ở đó, những lá thư của Yersin gửi về cho chị, mẹ bên Thụy Sỹ, những bức thư trao đổi với những huynh đệ trong nhóm Louis Pasteur như Roux, Calmette, những nhật ký khoa học của Yersin được xử lý, cắt dán, trộn lẫn với kho dữ liệu, phân tích và bút ký đã tạo ra sức hấp dẫn riêng, làm nên lối văn chương hình thức có phần kỳ quái không lẫn vào đâu của Patrick Deville.

Có thể nói, Yersin trong cuốn tiểu thuyết này là một Yersin vừa đảm bảo nguyên bản, lại vừa là Yersin theo cách của “bóng ma” Patrick Deville.

Trước hết, đó là biểu tượng của tinh thần tự do trong khoa học và khuynh hướng xã hội. Có thể thấy điều này khi nhà văn đặt Yersin song song với thi sĩ Rimbaud. Yersin để lại Paris và những thành công đầu đời ở viện Pasteur, ông cùng với Roux khám phá ra độc tố bạch hầu (1886) để bước vào cuộc phiêu lưu có vẻ không có lợi cho vị thế khoa học. Thì cũng thế, Rimbaud cũng rời nước Pháp và những thành công gắn với phái Thi Sơn để chu du, tìm con đường mới cho sáng tạo thi ca. Deville viết: “Họ có chung một điều này, cô đơn, ra đi, đi đầu để khai đường co cả nhóm, làm tốt hơn và lớn hơn những người cha vắng mặt. Đi xa hơn trong khoa học và địa lý so với những người cha không biết mặt”.

Và ra đi, cũng là một cách đào thoát khỏi những tác động của các làn sóng xã hội, để giữ gìn sự độc lập trong tư cách khoa học thuần túy. Ở tuổi 35, Yersin hưởng thụ cái đặc quyền được rút khỏi chính trị và lịch sử với những chuyến phiêu du mới tại Đông Dương, khi mà thế giới chìm sâu trong chủ nghĩa thực dân và cuộc chiến tranh liên minh ngày càng lan rộng. Không khí chính trị từ chiến tranh chi phối đời sống khoa học là thứ mà Yersin cảm nhận trực tiếp nhất qua cuộc cạnh tranh của phái Pasteur (Pháp) và Koch (Đức). Cuộc cạnh tranh trong cách mạng vi khuẩn diễn ra từ các viện nghiên cứu châu Âu đến các điểm nóng chiến sự, đã lấy đi biết bao trí lực, mạng sống các thế hệ nghiên cứu. Ông sớm nhận ra, đó là hệ lụy một khi khoa học đi chệch hướng, không sống vì cứu cánh là chính nó.

Và ra đi, nghĩa là không chấp nhận lấy khoa học phụng sự chính trị, nói cách khác, là xác lập một không gian nghiên cứu tự do cho mình. Ông phát hiện cao nguyên Lang Bian trong niềm mê say thực vật, thiên nhiên (và sau này, ở tuổi 70, ông đã rất hối hận vì giới thiệu cao nguyên này cho người bạn thân - toàn quyền Đông Dương Paul Doumer biế vùng đất hoang sơ thành đô thị Đà Lạt). Ông lập ra cái “tiểu hành tinh tự cung tự cấp, một hoán dụ của thế giới, một vườn địa đàng không chứa chấp những con virus bị đày xuống địa ngục” thu nhỏ của mình ở Hòn Bà. Trên “tiểu hành tinh” hướng ra biển đó, ông sống tự tại, vừa ẩn cư, lại vừa kết nối với bên ngoài, đêm đêm vẫn nghe radio về tin tức chiến sự, vẫn chia sẻ, công bố những phát minh: từ việc chế ra loại nước Kola-Cannelle, gần như thức uống Coca hôm nay, đến trở thành người đầu tiên đưa cao su vào trồng khai thác tại Việt Nam, nhà điều chế thuốc kíninh từ cây canhkina, người thí nghiệm trồng nhiều loại thực vật nguồn gốc châu Âu tại Việt Nam, về công việc nghiên cứu về khí tượng, thủy triều và điều hành các viện Pasteur...

Nhưng cũng có lúc, chính ông bị đẩy vào cái thế phải đối diện gay gắt với đời sống khoa học nhiểm bẩn bởi chính trị. Hai mươi năm trước thế chiến thứ nhất, trong cuộc chiến chống dịch hạch, lý do ngoại giao, toàn quyền Anh đồng ý cho Yersin sang Hong Kong nghiên cứu. Khi vị thế chính trị Đức đang lên cùng với liên minh ở Châu Á là Nhật Bản, Yersin (trong tư cách một nhà khoa học Pháp) đã không thực sự được đón tiếp và tạo điều kiện đầy đủ ở Hong Kong như đồng nghiệp người Nhật Shibasaburo Kitasato. Katasato, kẻ theo trường phái Koch, được phép tự do nhận xác chết nghiên cứu, được sở hữu một phòng thí nghiệm đích thực trong bệnh viện, còn Yersin, thì không được sờ đến xác chết nào. Nhưng chiến thắng cuối cùng lại thuộc về Yersin với tinh thần khoa học tự do trong kiêu hãnh, lặng lẽ và nghiêm cẩn.

Cuộc ra đi đầy tự do của Yersin, trong văn chương của Deville là cuộc trở về với thời đã mất của con người tri thức thuần túy. Rõ nhất cho ý đồ này, là những trang mô tả đời sống của “ông Năm Yersin”  trong những ngày tháng cuối cùng. Đó là khi màn đêm buông xuống, nằm duỗi chân trong căn nhà gỗ ở Hòn Bà (Nha Trang), hơn ai hết Yersin biết rất rõ mình toàn bộ đời mình chỉ còn lại hai từ La Tinh, Yersinia pestis (bệnh dịch hạch), “những từ mà chỉ có các bác sĩ còn biết tới”. Lý trí đến mức hư vô. Mặc lòng, con người vĩ đại bị lãng quên vẫn học tiếng La Tinh và Hy Lạp, vẫn đọc và dịch sách kinh điển. Và điều này làm trọn vẹn chân dung một nhà bách khoa toàn thư chỉ có trong thế kỷ Ánh Sáng.

Với một văn phong hiện đại, thậm chí, nặng hình thức, cuồn cuộn liên tưởng, giễu nhại và cũng đầy thi vị, qua tiểu sử khoa học đầy khắc kỷ của Yersin, Patrick Deville như truy vấn trở lại phẩm giá khoa học trong một bối cảnh thế giới mà sự tự do về tri thức bị lung lay, chi phối nặng nề bởi chính trị, quyền lực kinh tế và chủ nghĩa thực dụng.

“Yersin đã quá già trong một thế giới không còn là của ông nữa. Là cộng sự cuối cùng của Louis Pasteur còn lại trên đời. Ông sẽ không viết hồi ký. Hẳn ông sẽ chẳng thích thú gì cuốn sách này. Nhưng mắc mớ gì đến anh!”. Deville viết, như thể tự trào vào cuối cuốn tiểu thuyết tiểu sử đầy tính hàn lâm, mà sự xuất hiện của nó được giới phê bình đánh giá là giúp nước Pháp nhớ rằng mình đã từng có một con người vĩ đại như Yersin.

Còn với độc giả Việt Nam, cuốn tiểu thuyết này đánh đổ hình dung đầy hời hợt rằng, Yersin chỉ là một nhà thám hiểm với những hào quang giai thoại li kỳ theo nghĩa đen.

Nguyễn Vĩnh Nguyên
Nguồn: Thời báo kinh tế Sài Gòn

---------------------------------------------

(Đọc: Yersin: Dịch hạch & thổ tả, tác giả: Patrick Deville, dịch giả: Đặng Thế Linh, hiệu đính: Đoàn Cầm Thi, Hồ Thanh Vân, do NXB Trẻ xuất bản, 2013; 278 trang, giá 120.000 đồng)