Ngày đăng : 12/09/2017

Sự chuyển đổi của người viết trẻ


Cuộc thi Văn học tuổi 20 lần thứ VI vừa sơ kết nửa chặng đường phát động, với hơn 200 tác phẩm gửi về dự thi. Dù chưa bước vào quá trình tuyển chọn, nhưng ít nhất giải đã góp phần cho thấy tình hình sáng tác văn chương của người trẻ hiện nay.

Các cây bút trẻ giao lưu với độc giả của cuộc thi Văn học tuổi 20 lần thứ VI

Các cây bút trẻ giao lưu với độc giả của cuộc thi Văn học tuổi 20 lần thứ VI

Gắn với nhu cầu bạn đọc

Tại lễ tổng kết trao giải Văn học tuổi 20 lần thứ IV, ban tổ chức giải khi ấy thông báo, trong số hàng trăm tác phẩm gửi về dự thi, có vài tác phẩm có nội dung mang tính huyền ảo. Đến kỳ phát động lần thứ V, một cú sốc đã diễn ra khi tác phẩm được viết theo dạng huyền ảo là một truyện vừa có nhan đề Người ngủ thuê của tác giả Nhật Phi đã đoạt giải nhất. Đến kỳ VI này, theo thông tin từ ban tổ chức, tác phẩm có tính huyền ảo đã chiếm một vị trí quan trọng, trong 8 tác phẩm được chọn in từ những bản thảo gửi về, có đến 4 tác phẩm mang yếu tố huyền ảo.

Trước đó, khi đề cập đến sáng tác văn học cho người trẻ, các nhà phê bình trong nước đã phản ánh một thực tế, các tác giả đã xa rời nhu cầu của bạn đọc. Khi thể loại huyền ảo bùng nổ và phát triển mạnh mẽ trên toàn thế giới, thu hút bạn đọc nhỏ tuổi, thì các sáng tác trong nước vẫn cứ chậm chân tại chỗ, bám theo các cách thể hiện cũ, điều này đã khiến văn học trong nước thiếu hấp dẫn người trẻ. Nhiều nỗ lực nhằm cải thiện tình hình này như cuộc vận động sáng tác lấy đề tài huyền ảo được tổ chức, nhưng đã không cải thiện được tình hình. Cho đến cuộc thi Văn học tuổi 20 lần này, thực tế cho thấy, người trẻ đã có sự chuyển mình mạnh mẽ trong sáng tác, đáp ứng nhu cầu thực tế của bạn đọc đồng trang lứa.

Đề tài huyền ảo chỉ mang tính hình thức thể hiện, thông qua cách thể hiện để thu hút bạn đọc dạng này. Các tác giả trẻ cũng đã cho thấy trách nhiệm của mình đối với cuộc sống, xã hội. Hạt hòa bình của Minh Moon (giải ba Văn học tuổi 20 lần V) nỗ lực mang tình yêu lịch sử đến người trẻ bằng một phương thức rất trẻ là cho nhân vật chính, một thanh niên thế kỷ 21 tình cờ đi ngược thời gian, trở thành một người lính tham gia cuộc chiến biên giới Tây Nam, tái hiện sự khốc liệt của chiến trường dưới con mắt của một người sinh ra trong thời bình. Còn ở giải năm nay có Nhân gian nằm nghiêng của Đặng Hằng. Tác giả vừa tốt nghiệp đại học cho nhân vật của mình tình cờ quay về thời nhà Trần đang dốc sức chuẩn bị chống quân xâm lược Nguyên - Mông lần thứ 2.

Dù vẫn còn nhiều vấn đề về nghệ thuật, năng lực văn chương, nhưng không thể phủ nhận, những người viết trẻ đã và đang tự thay đổi mình, bám theo đời sống văn học chung của thế giới, đáp ứng nhu cầu của bạn đọc, nhất là bạn đọc trẻ.

Điều kiện cho cây bút trẻ thể hiện

Nếu những cuộc thi trước đây là các cuộc thi viết dành cho tác giả trẻ hay viết cho người trẻ với thể loại truyện ngắn chiếm tuyệt đại đa số, thì với Văn học tuổi 20 lần VI đang diễn ra, mọi chuyện ngược lại. Trong tổng số 213 tác phẩm, truyện dài chiếm đến 178 tác phẩm, truyện ngắn vỏn vẹn có 35 tác phẩm. Trước đây, nhiều người trong giới văn chương từng nhận xét, các tác giả trẻ rất thích viết truyện ngắn. Lý do cơ bản nhất vẫn là viết ngắn nhanh có tác phẩm và bạn đọc dễ cảm thụ. Trên thực tế, cố nhà văn Lê Văn Thảo khi còn là Chủ tịch Hội Nhà văn TP, trong buổi giao lưu với các cây bút trẻ, từng nhận xét truyện ngắn dễ viết nhưng viết hay lại rất khó. Một khi chưa đủ kỹ thuật để cô đọng ý tưởng thì viết dài là một phương pháp hiệu quả để triển khai hết các ý tưởng của tác giả.

Có một thực tế buồn là hiện nay trong nước đang quá thiếu những cuộc thi văn chương thật sự, mang lại sự khích lệ cho tác giả hay phản ánh thực tế sinh động tình hình sáng tác hiện nay. Văn học tuổi 20 là một cái tên hiếm hoi nhưng do đặc thù của giải nên chỉ dừng lại ở việc phản ánh đời sống sáng tác của người trẻ hay cho người trẻ. Còn cả một đời sống văn học rộng lớn khác, nhưng lại quá thiếu vắng cuộc thi để có thể đánh giá, nhận xét. Giải của các hội địa phương mang đậm tính địa phương, giải của Hội Nhà văn Việt Nam có quy mô cả nước thì lại vướng víu nhiều vấn đề ngoài văn chương. Mấy năm trở lại đây, giải này gây chú ý bằng các sự cố hơn là tác phẩm đoạt giải. Giải Sách Việt Nam của Hội Xuất bản lại mang ý nghĩa tôn vinh tác giả, tác phẩm.

Có một giai đoạn, độc giả yêu văn chương Việt hay phê phán người viết trẻ xa rời cuộc sống. Mọi chuyện đã thay đổi, dù vẫn chưa thể gọi là hay, nhưng hơi thở cuộc sống đã len lỏi trong các sáng tác của người viết trẻ. Bữa đời lạc phận của tác giả Ka Bình Phong đã tái hiện hình ảnh xã hội với đủ mọi cung bậc từ sang trọng quyền quý, từ tranh chức chạy quyền, đến những mảnh đời vất vả gian nan. Thậm chí ngay cả ở những cách thể hiện huyền ảo như Thỏ rơi từ mặt trăng của Nguyễn Dương Quỳnh hay lãng mạn như Người kể chuyện tình trên phố yêu đương của Yudin Nguyễn, cũng phản ảnh phần nào hiện thực cuộc sống.

Sự thành công của cuộc thi Văn học tuổi 20 không phải đến từ bản thân giải thưởng, dù rằng rất nhiều cái tên nổi tiếng đã xuất phát từ đây như Nguyễn Ngọc Tư, Nguyên Hương, Hồng Hạnh, Dương Thụy, Nguyễn Thu Trân, Phong Điệp… mà nằm ở chính bản thân cuộc thi - nơi nuôi dưỡng và tạo điều kiện cho các cây bút trẻ có dịp thể hiện chính mình.

TƯỜNG VY

Nguồn: sggp.org