Ngày đăng : 08/04/2015

Văn học đô thị Việt Nam nhìn từ thể loại tiểu thuyết


Văn học đô thị Việt Nam chỉ thực sự có và triển nở từ 1932. Khi xã hội hình thành các yếu tố dân sự: báo chí xuất bản tương đối tự do, văn chương từ chỗ văn hóa quà tặng thành văn hóa hàng hóa, tầng lớp trí thức Tây học như là chủ/khách thể của văn học mới ra đời.

Văn chương từ chỗ con thuyền, cỗ xe chở đạo chuyển sang khám phá cái đẹp hoặc đi tìm những khoái cảm thẩm mỹ. Rồi cái đẹp cũng từ chỗ chủ yếu là cái thần mở cửa sang cái thực, khiến ra đời một dòng văn học mới là tả chân, hay tả thực, hay hiện thực chủ nghĩa. Từ nhu cầu này mà ra đời văn xuôi nghệ thuật, tiêu biểu là tiểu thuyết, một thể loại văn học của thời hiện đại và, dĩ nhiên, có tính hiện đại trong nghệ thuật biểu hiện của nó.

Chuyển đổi không gian

Tiểu thuyết ra đời như là một chuyển đổi không gian. Trước hết là không gian địa lý: những câu chuyện được chuyển từ nông thôn ra thành thị với những khung cảnh mới, những nhân vật mới. Nhưng, quan trọng hơn, là chuyển đổi không gian xã hội. Quan hệ người - người ở làng quê trước đây chủ yếu theo gia đình, họ tộc và láng giềng, thì nay ở thành phố chủ yếu theo quyền lợi và sở thích, thúc đẩy phát triển con người cá nhân. Dần dần hình thành tư duy tiểu thuyết, không đơn tuyến như truyện, mà phức hợp, đa tuyến, thậm chí đa hệ và, cuối cùng, mang tính thế sự. Đó là tính hiện đại của tiểu thuyết như là một sản phẩm của đô thị.

Tiểu thuyết 1932-1945 mang đầy đủ các điểm mạnh yếu của “thuở ban đầu”. Nó không còn như tiểu thuyết chương hồi, hoặc ít nhiều tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh, sắp xếp các sự kiện theo thời gian biên niên, mà theo thời gian nghệ thuật, nhân vật không chỉ là một cỗ máy hành động, mà là con người có nội tâm phong phú. Nhưng bản chất của nó vẫn là viết về sự phiêu lưu, tức câu chuyện vẫn là tính thứ nhất. Và, để tránh sự trùng lặp, nhà văn phải tìm đến những câu chuyện khác nhau. Bởi thế hình thành các loại hình tiểu thuyết chủ yếu theo đề tài như tiểu thuyết lịch sử, phong tục, đường rừng, trinh thám, gia đình, giáo dục, luận đề, xã hội… Ở mỗi loại hình kể trên đều có những nhà văn tiêu biểu, như Nguyễn Triệu Luật cho tiểu thuyết lịch sử, Nguyễn Công Hoan cho tiểu thuyết tả chân xã hội, Nhất Linh cho tiểu thuyết luận đề, Phạm Cao Củng cho tiểu thuyết trinh thám, Đái Đức Tuấn cho tiểu thuyết đường rừng...

Có lẽ, cuốn tiểu thuyết tiêu biểu vừa là về đô thị vừa là của đô thị trong giai đoạn này là Số đỏ của Vũ Trọng Phụng, giễu nhại cuộc sống của đô thành Hà Nội đang ào ạt Âu hóa. Cũng viết về đời sống đô thị, Sống mòn của Nam Cao lui về một trường học ngoại ô với mấy anh giáo khổ. Tính đô thị của tiểu thuyết Nam Cao không thể hiện ở sự kiện, mà ở tâm lý nhân vật. Nhà văn có tính đô thị nhất ắt hẳn là Nhất Linh. Tiểu thuyết Nhất Linh chú trọng đến vấn đề giải phóng cá nhân, đề cao cuộc sống cá nhân. Từ Đoạn tuyệt, tiểu thuyết luận đề xã hội, ủng hộ cá nhân, nhất là phụ nữ, rời bỏ sự áp bức gia đình đến Bướm trắng đề cao quan niệm cá nhân chủ nghĩa, Nhất Linh đã chạm đến tiểu thuyết hiện đại chủ nghĩa, gần với A. Gide.

Chuyển đổi hệ hình


Tiểu thuyết vẫn tiếp tục phát triển theo hướng hiện đại chủ nghĩa, thậm chí chạm tới hậu hiện đại. Ảnh: TL

Con đường mà tiểu thuyết Nhất Linh, phần nào Nam Cao, dừng bước thì lại được tiếp tục ở thành thị miền Nam giai đoạn 1954-1975. Bấy giờ miền Nam trở lại tình trạng liên thông với thế giới như hồi trước 1945, tạo điều kiện cho văn nghệ sĩ tiếp thu những trào lưu văn chương đương đại. Nhất là với thế hệ sinh viên, ít nhiều hoạt động văn học, ở Hà Nội tạm chiến di cư vào Nam, như Mai Thảo, Doãn Quốc Sỹ, Thanh Tâm Tuyền… Đến đất mới, họ kiên quyết “chôn thơ mới, chôn tiểu thuyết Tự lực Văn đoàn” để xây dựng một văn chương mới, hiện đại chủ nghĩa. Tiểu thuyết của họ, bởi vậy, là sự phiêu lưu của cái viết, tức lúc này cách kể một câu chuyện quan trọng hơn bản thân câu chuyện. Cũng câu chuyện về Âu hóa như Số đỏ, nhưng Thời thượng của Mai Thảo thì đã rất khác về cách viết. Còn Hồi chuông tắt lửa của Thế Nguyên, Gia tài người mẹ của Dương Nghiễm Mậu, Đêm ngủ ở tỉnh của Hoàng Ngọc Biên thì được viết theo lối hiện tượng học, hoặc theo kiểu tiểu thuyết mới. Như vậy, tiểu thuyết thành thị miền Nam 1954-1975 đã sớm chuyển đổi hệ hình, từ tiền hiện đại chủ nghĩa sang hiện đại chủ nghĩa, trong khi miền Bắc và sau đó cả nước bước nhảy này chỉ thực hiện được từ Đổi mới và Mở cửa, 1986.

Những sáng tác tiền Đổi mới, nếu không kể thời điểm xuất bản, phải nói đến Những ngã tư và những cột đèn (viết 1966, in 2010). Ở tiểu thuyết này Trần Dần sử dụng nhiều thủ pháp hiện đại chủ nghĩa cho một nội dung có câu chuyện rõ ràng. Sau đó là Nguyễn Minh Châu với Phiên chợ Giát. Thực sự chỉ đến Nguyễn Huy Thiệp với những truyện ngắn mang tính tiểu thuyết, sau đó là Phạm Thị Hoài, rồi Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh thì lúc này cả nước mới có tiểu thuyết hiện đại chủ nghĩa. Sau thời Đổi mới, một cuộc cách mạng từ trên xuống, ngắn ngủi, văn chương Việt Nam chuyển sang thời hậu Đổi mới, một cách mạng từ dưới lên, có tính cá nhân và tự giác. Tiểu thuyết vẫn tiếp tục phát triển theo hướng hiện đại chủ nghĩa, thậm chí chạm tới hậu hiện đại. Như Cõi người rung chuông tận thế, SBC săn bắt chuột của Hồ Anh Thái, Đi tìm nhân vật, Giã từ bóng tối của Tạ Duy Anh, Trí nhớ suy tàn, Thoạt kỳ thủy, Ngồi của Nguyễn Bình Phương… Đặc biệt là những tiểu thuyết viết về đô thị, hay có khung cảnh đô thị của Nguyễn Việt Hà (Cơ hội của Chúa, Khải huyền muộn, Ba ngôi của người), của Đặng Thân (3.3.3.9, Những mảnh hồn trần), của Thuận (Phố Tàu, T mất tích…), của Đỗ Phấn...

Chưa thành nhịp mạnh

Trải gần một thế kỷ, tiểu thuyết đô thị Việt Nam nói riêng và văn học đô thị Việt Nam nói chung chưa phải là một nhịp mạnh của văn học Việt Nam. Điều này hẳn do đô thị Việt Nam chưa phải là nguyên nhân/kết quả của một xã hội dân sự. Bởi thế, từ Vũ Trọng Phụng đến Nguyễn Huy Thiệp vẫn còn y nguyên cái nhìn đô thị qua sự hoài niệm nông thôn. Một cái nhìn tiêu cực khác về đô thị Việt Nam đến từ những nhà văn có điều kiện học tập hoặc sống ở những đô thị hiện đại, “chuẩn”, ở nước ngoài như Phạm Thị Hoài, Thuận. Không nhiều người như Nhất Linh thời Tự lực Văn đoàn, phần nào Nguyễn Việt Hà hôm nay, khẳng định mặt tích cực của thành phố để mà hiện đại hóa tiểu thuyết của mình. Tuy nhiên, chỉ ở những nhà văn nào có sự chuyển đổi tâm thức, thay đổi cái nhìn nghệ thuật, cái nhìn thế giới thì sự hiện đại hóa nghệ thuật mới hy vọng thành công, cái thủ pháp mới từ kỹ thuật trở thành nghệ thuật.

Mong các nhà văn viết về đô thị hãy nhìn xuống “dưới đáy”

TS. Đỗ Hải Ninh: Trong văn học đương đại đã có những tác giả thành công khi viết về đô thị, thể hiện được nét đặc sắc cuộc sống và con người đô thị như Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Việt Hà, Đỗ Phấn, Nguyễn Danh Lam, Trần Nhã Thụy... Sáng tác của họ đã chạm đến nơi sâu khuất của con người và đời sống đô thị: nỗi cô đơn, sự trống rỗng, cuộc sống đơn điệu, thiếu vắng. Cuộc sống đô thị vừa là biểu tượng của cái hiện đại, của văn minh công nghiệp, đầy cám dỗ vừa ẩn chứa những đe dọa, với sự tha hóa nhân tính và nỗi mặc cảm…

Nhiều tác giả văn xuôi, đặc biệt là các cây bút trẻ hiện nay có xu hướng tìm đến những không gian đô thị khác lạ, mới mẻ, không gian hải ngoại, đó cũng là ý thức kiến tạo không gian đô thị của người viết. Văn học viết về đô thị đương đại đã rất thành công khi kiến tạo nên kiểu nhân vật trí thức, nhưng tôi vẫn mong các nhà văn viết về đô thị hãy nhìn xuống “dưới đáy” để có nhiều tác phẩm thể hiện được đời sống đô thị đa diện, đa chiều hơn nữa.

Văn học đô thị sẽ là một chủ đề nổi trội

ThS. Nguyễn Mạnh Tiến: Nếu như văn học đô thị ở phương Tây là một dòng phát triển lớn, có nhiều thành tựu đáng kể thì văn học đô thị ở Việt Nam, dù là một vấn đề thú vị, vẫn chưa phải là dòng chủ lưu. Đó là, đô thị Việt Nam cho đến nay vẫn chưa thực sự là đô thị theo đúng nghĩa của nó. Đô thị Việt Nam là sự chắp vá, chỉ là “cái siêu làng” trương nở ra mà thôi. Vì thế, người sống ở đô thị Việt Nam, trong đó có cả các nhà văn, vẫn mang nặng tâm tính, nếp nghĩ, nếp cảm của nông dân, cho dù họ có tuyên bố là đã “đô thị hóa” hoàn toàn. Chính bởi thế, văn học đô thị dù hình thành nhưng không phát triển mạnh mẽ và chưa được giới nghiên cứu đi sâu tìm hiểu. Tuy vậy, cùng với sự phát triển của các đô thị, sự mở rộng các đô thị xâm lấn vùng nông thôn, có thể nhìn thấy trước văn học đô thị sẽ là một chủ đề nổi trội.

Cảm thức đô thị đương đại đòi hỏi nỗ lực làm mới bút pháp và thể loại

ThS. Mai Anh Tuấn: Sự vắng mặt hoặc bị lép vế khá lâu của tầng lớp trung lưu đô thị và tư sản nội địa trong xã hội miền Bắc từ sau 1945 khiến cho văn học giai đoạn này ít đề cập đến đô thị. Phải từ Đổi mới, trong sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài thì đô thị mới tái xuất với tư cách là nơi chốn của các yếu tố thị trường và nhân cách, đạo đức mới/khác có khả năng phá vỡ các giá trị mặc định và đối kháng với nông thôn. Muộn hơn, trong sáng tác của Nguyễn Việt Hà và gần đây là của các nhà văn trẻ, đô thị được nhìn ở khía cạnh lịch sử, thế tục của nó, nơi cần đến thái độ chấp nhận hơn là chối từ, dù về cơ bản, nó luôn khía vào nỗi cô đơn, lạc lõng, sự phân rã của con người. Cảm thức đô thị đương đại, vì thế, đòi hỏi những nỗ lực làm mới bút pháp và thể loại để vừa lòng độc giả ngày một sành sõi.

Định vị nhà văn trong không gian đô thị là cần thiết

ThS. Đoàn Ánh Dương: Văn học đô thị nên được hiểu như thế nào? Có lẽ để cho minh xác, ta nên lưu ý đến sự kết đôi của hai vấn đề: văn học về/của đô thị. Văn học về đô thị tức văn học lấy đô thị làm đề tài, cái đô thị có trước, đô thị là một thực thể, và văn học thể hiện nó trong sáng tác. Văn học của đô thị xác định tính chất đô thị của nó, làm cho nó khác với văn học về nông thôn, miền núi chẳng hạn. Tính đô thị rất quan trọng, làm nên phẩm chất của văn học đô thị. Theo đó, có thể hiểu văn học đô thị là văn học viết về đô thị và có tính đô thị, ở đây là tính hiện đại, dân chủ, dân sự trong đề tài và cách thức tiếp cận với đề tài ấy. Điểm quan trọng nữa là ai làm nên văn học ấy? Định vị nhà văn trong không gian đô thị là cần thiết. Nhà văn ở trong đô thị, và quan trọng hơn, có ý thức trở thành đô thị, mới tạo nên văn học đô thị đích thực. Ở ngoài đô thị khó có được cảm quan đô thị, trong khi thuộc về đô thị nhà văn vẫn có thể sáng tạo ở chủ đề khác. Khai thác tính chất thế tục của đời sống đô thị hay khai thác cá nhân cá tính đều giúp văn học đô thị phát triển đa dạng, cố nhiên khi nhà văn định vị bản thân vào không gian xã hội và văn chương (của) thị thành.


Đỗ Lai Thúy
Nguồn: Người Đô Thị