Ngày đăng : 23/03/2015

Thomas More thánh nhân hay tội đồ?


Thomas More xưa nay được xem là người công chính, tử vì đạo, bỗng dưng biến thành kẻ mưu mô tàn nhẫn. Trân trọng giới thiệu một số đánh giá về tiểu thuyết Wolf Hall và vở kịch chuyển thể cùng tên.

Cuộc sống hiện đại trắng đen thị phi, người ta muốn tìm nơi ẩn nấp sâu trong lịch sử, trốn vào những thời kỳ dễ dàng phân biệt tốt xấu rõ ràng. Đứng hàng đầu danh sách anh hùng quá vãng là ngài Thomas More (sinh ngày 6.2.1478, bị chặt đầu ở tháp London ngày 6.7.1535), biểu tượng lịch sử cao quý của quốc gia Anh. Giữa đám chính trị gia hèn nhát thời đại mình, Thomas More cứng rắn mẫu mực, từ chối phục tùng kế hoạch độc tôn xây dựng giáo hội riêng của vua Henry VIII, hết lòng tuân thủ chứ không phản bội lương tri.

Nhưng đến nhà văn nữ Hilary Mantel (sinh năm 1952) thì lịch sử nước Anh thời kỳ cải cách tôn giáo thế kỷ XVI theo hiểu biết truyền thống đã bị đảo lộn. Tiểu thuyết Wolf Hall (2009) đoạt giải Man Booker năm 2009, giải của giới phê bình sách quốc gia National Book Critics Circle năm 2009, giải Scott Walter năm 2010, được kênh BBC 2 chuyển thể sân khấu, nữ nhà văn viết lại More là một kẻ mưu mô tàn nhẫn, sẵn sàng giết hại bất cứ người nào khác niềm tin tôn giáo với mình, kiêu ngạo và hà khắc.


Anton Lesser vai Thomas More trong vở kịch chuyển thể từ Wolf Hall

Không những chà đạp hào quang thế tục và tôn giáo của More xuống bùn (giáo hội Công giáo và Anh giáo đã phong thánh cho Thomas More), Mantel còn xét lại một nhân vật hoàn toàn trái ngược với sử sách bấy lâu: người khuynh đảo hoàng gia Thomas Cromwell (sinh 1485, bị hành hình ở tháp London ngày 28.7.1540), bị nguyền rủa đến tận bây giờ. Trong Wolf Hall và cuốn tiếp theo Bring up the Bodies (2012, đoạt Man Booker cùng năm), cô thay đổi cách nhìn về Cromwell, biến ông thành con người tài năng và quyết đoán.

Thực tế lịch sử, hoặc chuyển thực tế vào tiểu thuyết bằng cách lấp các khoảng trống và tăng thêm kịch tính? Mantel học ở tu viện, hiện là nhà phê bình Công giáo gay gắt, khẳng định bộ ba tiểu thuyết phần lớn là tư liệu, và nêu rõ những năm tháng cô miệt mài nghiên cứu để viết.

Nhưng Mantel không thuyết phục được sử gia David Starkey. “Vấn đề thực sự của tất cả điều này”, ông nói, “trở lại vở kịch A Man for all Seasons của kịch tác gia Robert Bolt, Thomas More không chịu đau đớn lắm ư? Bám víu lịch sử, trình bày More là kiểu người theo chủ nghĩa tự do Gladstone nhưng More không phải thế”. Starkey nhấn mạnh, More chắc chắn đã được chuẩn bị để khi cần thiết sẽ áp đặt niềm tin Công giáo với những người ly khai bằng sức mạnh hoàng gia. Và bây giờ, ông gợi ý, Mantel làm trầm trọng cách tiếp cận lịch sử sai lầm dưới ánh sáng những sự kiện về sau do háo hức thể hiện More đối lập với Cromwell anh hùng, “sứ giả tương lai” của cô. “Cách tiếp cận của Mantel vô lý như của Bolt”, Starkey đánh giá. “Dám kết luận như vậy về More và Cromwell từ các nguồn sử liệu hiếm hoi và phức tạp thế kỷ XVI là ngớ ngẩn. Hai người đàn ông đều có ý tưởng bắt người khác thực thi lý tưởng của mình bằng khủng bố và hành hình. Họ chỉ bất đồng về lý tưởng”. Nếu phải lựa chọn giữa hai người? “Vâng, ít nhất More chết đàng hoàng không hề sợ hãi. Đêm trước khi Cromwell bị hành hình, ông đã hét lên ‘Trời ơi, trời ơi’ như con thú run rẩy. Chỉ bấy nhiêu đủ cho thấy tư cách của mỗi người”.

Mối nguy hiểm thật sự là tham chiếu chi tiết lịch sử theo quan điểm hiện tại để định hình lại những câu chuyện xưa. Cuốn tiểu sử của Amanda Foreman năm 1998 về nhà quý tộc thế kỷ XVIII là Georgiana, nữ công tước xứ Devonshire thành công vang dội, được nhiều người yêu thích nhờ ám chỉ và lồng ghép câu chuyện nóng thời điểm đó về những rắc rối của Diana, công nương xứ Wales. Tác phẩm đã bóp méo nền tảng sự thật lịch sử. Trường hợp của Mantel, theo Starkey, cô chịu ảnh hưởng quá lớn của Geoffrey Elton, giáo sư lịch sử do Hoàng gia Anh bổ nhiệm ở Cambridge những năm 1980. “Ông trình bày hình ảnh thế kỷ XVI lố bịch là giai đoạn không ai thực sự tin tôn giáo. Đó là kết luận theo quan điểm thế tục riêng ông. Ông ghét Thomas More vì More mộ đạo và cố gắng chỉ ra Thomas Cromwell là một quan chức chính phủ, một nhân tố hiện đại, trong khi thực tế Cromwell là côn đồ cực kỳ tàn bạo và thông minh, thi hành mệnh lệnh nhà vua bất chấp tàn nhẫn”. Đây là lời buộc tội khiến giới hâm mộ Mantel nổi nóng.

Nhà viết tiểu sử xuất sắc Claire Tomalin tin rằng sự thật về More vẫn đang là nghi vấn. “Có thể lật lại tất cả nhân vật lịch sử, nhưng Thomas More đặc biệt bởi vì ông đã được phong thánh. Học trò Anh được kể trong A Man for all Seasons rằng More tử vì đạo. Đó là tất cả những gì chúng ta biết về ông, tất cả chúng ta chỉ biết về ông như thế, nên chắc chắn có ngày ai đó sẽ có cái nhìn khác về ông”. Tuy nhiên, quan điểm mới mẻ không hẳn dựng nên tiểu sử chính xác, mà tạo thành một tác phẩm hư cấu gợi mở trí tưởng tượng. “Viết tiểu sử”, Tomalin trầm ngâm, “phải chấp nhận rằng tất cả con người đều có khả năng làm điều xấu, con người là sinh vật lẫn lộn. Luân lý phức tạp”.

Tác giả tiểu sử Thomas Cromwell mới nhất là Tracy Borman lập luận ngược lại rằng tác phẩm hư cấu nhưng nghiên cứu kỹ càng của Mantel có thể giải quyết những tình tiết phức tạp. “Viết tiểu thuyết, Hilary Mantel nhất định cảm thấy cần có chính diện và phản diện”, Borman phát biểu, “Vì vậy, cô nâng Cromwell lên thành chính diện bằng cách dìm More thành phản diện”. “Mantel chắc chắn không phải người đầu tiên làm điều này. Sử gia thường đánh đồng More và Cromwell, bạn không thể thích cả hai. Bạn phải chọn một trong hai, More hay Cromwell, More đã được tán tụng từ xưa. Thậm chí bạn có thể tin ông tử vì đạo, cao cả, và gắn ông với vị trí hàng đầu không thể chối cãi trong nhiều thế kỷ”. More và Cromwell đối địch, nhưng như Borman khám phá trong Thomas Cromwell: The Untold Story of Henry VIII’s Most Faithful Servant, họ có nhiều điểm chung, “đều là luật sư, thông minh, giỏi tranh luận và thậm chí miễn cưỡng tôn trọng nhau”. Cromwell cũng có nguyên tắc tôn giáo tương xứng More. “Có bằng chứng thuyết phục về đạo đức cá nhân của ông”.

“Tôi nghĩ rằng giáo đoàn đủ tinh tế để hiểu rằng thế giới ngày nay khác xa thời Thomas More”, mục sư David Reindorp nói, “quan điểm về More và Cromwell tất nhiên phải khác. Chúng tôi không cảm thấy cần thiết phải hô hào bào chữa cho More như thể mình bị công kích vì có người hoài nghi More”.

Wolf Hall của nhà văn nữ duy nhất hai lần thắng giải Man Booker Hilary Mantel được tạp chí Observer ca ngợi là một trong mười tiểu thuyết lịch sử hay nhất. Vở kịch chuyển thể cùng tên ra mắt đầu năm 2015 lại dấy lên hai luồng dư luận trái chiều: vòng nguyệt quế cao quý và búa rìu dư luận. Rốt cuộc, Thomas More là thánh nhân hay tội đồ?

Tri Sơ tổng hợp
Nguồn: Người Đại Biểu