Ngày đăng : 30/12/2014

Không khép kín thế giới nội tại


Nhờ hoạt động báo chí mà Mario Vargas Llosa trở thành người tham gia tích cực vào những sự kiện văn học và chính trị diễn ra trong bốn chục năm gần đây ở Tây Ban Nha và Mỹ Latin.

 
Tác phẩm mới nhất của M. V. Llosa
 

Sau khi nhận giải Nobel Văn học 2010, tiểu thuyết gia Peru Mario Vargas Llosa còn tiếp tục được vinh danh nhiều lần khác nữa, trong đó có giải “Nhà bình luận của báo El Mundo” trao cuối năm 2013. Phóng viên của báo này đã đến gặp nhà văn tại tư gia ở Madrid - nơi bày những tác phẩm của hai nhà tạc tượng Tây Ban Nha danh tiếng Manolo Valdés (sinh năm 1943) và Eduardo Chillida (1924 - 2002) thể hiện tính trật tự, ngăn nắp, cân đối, chững chạc của chủ nhà. Ông vừa trở về từ Đại học Princeton – học đường thuộc cỡ lâu năm nhất, danh tiếng nhất ở Mỹ và cũng là nơi mỗi năm một lần ông đến giảng dạy về văn học. Sự nghiệp văn học của ông khởi đầu từ nghề báo và vẫn chung tình với báo chí cho đến ngày nay. Báo chí chính là môi trường mang lại sự sống cho sáng tạo của nhà văn – dựa vào chỉ một mẩu tin trên báo, ông đã sáng tác nên cuốn truyện mới nhất El héroe discreto (tạm dịch: Người hùng khiêm tốn, Nhà xuất bản Alfaguara ấn hành năm 2013).

- Nghề làm báo, Ông đam mê đã hơn năm chục năm nay và thực chất đó là nghề đầu tiên của Ông…

- Tôi bắt đầu làm báo trong thời gian nghỉ hè, khi đó mới mười lăm tuổi. Cha tôi đang quản lý hãng International New Service, về sau sáp nhập vào United Press, và báo La Crónica xuất bản tại Lima được hãng này trao độc quyền. Do tôi thổ lộ với cha là muốn làm nhà báo để tiến tới một công việc gì đó gần với văn chương, nên cha tôi chọn chỗ cho tôi thực tập. Tôi vào làm ở tòa soạn La Crónica và thu được kinh nghiệm quý giá, khám phá cho mình một Lima mới trước đó tôi chưa hề biết, tôi viết về đời sống, về các sự kiện ở địa phương… Từ bấy đến nay chưa bao giờ tôi bỏ việc viết báo. Sau đó tôi làm cho đài phát thanh Panamerican ở Lima, rồi bảy năm làm cho đài truyền hình Pháp...

- Nghề báo có giúp Ông mở rộng kích cỡ sáng tạo văn học của mình?

- Tất nhiên. Theo giác độ văn học thì nghề báo mang lại kinh nghiệm quý giá nhất. Hơn nửa những gì tôi đã viết là được đúc rút từ kinh nghiệm nhà báo của tôi. Tôi đã quen thân với biết bao con người, thu lượm được biết bao câu chuyện… Đó là nguồn dữ liệu giàu có nhất để tôi sử dụng với tư cách nhà văn. Tôi thích ngồi thoải mái bên bàn, đó là báo chí chứ đâu - phải được nếm trải lịch sử đương đại đang diễn ra ngay trước mắt mình. Tôi thích đọc báo. Cuộc sống hiện đại đối với tôi là cả một hứng thú lớn, đó chính là nguồn dữ liệu không cho phép tôi khép kín trong thế giới nội tại của mình. 

- Và cũng cho phép Ông can dự những cuộc tranh luận xã hội chứ.

- Hoàn toàn đúng. Đã nhiều năm nay tôi viết những bài báo phân tích, đưa ra những quan sát, quan điểm, phê phán của mình…

- Và Ông thường lên tiếng chống những quan điểm lỗi thời.

- Vâng, có cảm giác là như vậy. Nhưng đặc biệt tôi không bao giờ thấy ân hận. Có lẽ, khi còn trẻ, tôi còn phải giữ gìn đôi chút, cố gắng để khỏi lọt vào tay đối phương bất cứ một bảo bối nào. Nhưng khi đã đạt tới độ tuổi nhất định, tôi từ bỏ lối đó, và bộc trực hơn khi nêu ý kiến của mình.

- Báo chí có phản ánh được nhiều cái thời khắc không đơn giản đó không?

- Thiết nghĩ, một phần nhất định của báo chí đang cố gắng thực hiện xứng đáng nhiệm vụ của mình, nhưng khốn nỗi, bao giờ cũng tồn tại nhu cầu về những dạng tin đồn khác nhau trong giới thượng lưu, những chuyện scandal và những tin lá cải khác mà báo chí buộc phải đăng nếu muốn giữ cho khỏi bị chìm lấp.


Nhà văn - nhà báo M. V. Llosa

- Thế mà các dạng báo in và sách vẫn mất vô khối người đọc…

- Bù lại, số người đọc báo phiên bản điện tử lại tăng lên. Còn sách in thì vẫn đóng vai trò bất di bất dịch mà các phiên bản điện tử của chúng không đảm đương nổi. Chúng ta phải phấn đấu để cho tất cả cùng tồn tại. Nếu như sách in biến mất dưới sức ép của sách điện tử, tôi e rằng máy tính bảng cũng sẽ gặp phải chính những sự cố đã xảy ra với máy thu hình. Hình như chúng ta đang tìm đến một thứ văn chương hấp dẫn hơn, nhưng cũng hoàn toàn tầm thường. Và khi đó chúng ta sẽ đánh mất một nguồn quý giá, mất không chỉ khoái cảm trí tuệ, mất cả tư duy phê phán nữa. Thứ nghệ thuật thuần túy giải trí (tôi không có gì phản đối), nhưng nó không thể phát triển tư duy phê phán và không trao cơ hội cho ta xem xét xã hội đang có những vấn đề gì. Nó như một thứ bùa mê, rồi sẽ qua đi.

- Còn một điều đáng báo động nữa của thời nay - văn hóa đang bị tầm thường hóa, đó là điều Ông đã từng vạch trần trong bài báo Một xã hội trong đó từng người đều có vai trò của mình (La sociedad del espectáculo).

- Đúng là như thế. Và tình trạng đó cũng trở thành một trong những nguyên nhân gây khủng hoảng. Nếu như văn hóa chỉ phục vụ mỗi nhu cầu giải trí thì sẽ đánh mất hoàn toàn tinh thần phê phán của văn hóa. Và khi đó sẽ tái diễn thói vô liêm sỉ, nó biểu hiện như sau: nếu như có kẻ đã ăn cắp được thì mọi người đều có thể ăn cắp theo. Thói xấu này làm rệu rã hệ thống dân chủ đang vận hành bởi những công dân có quan điểm sống tích cực, phấn đấu thay đổi cuộc sống theo hướng tốt đẹp hơn. Điều khủng khiếp nhất là nếu tầm thường hóa văn hóa, sẽ dẫn tới tình trạng này – rốt cuộc thì xã hội sẽ chẳng còn lên án những kẻ trộm cắp, tham nhũng nữa… Tệ hơn nữa, nhiều khi người ta còn hình dung những kẻ trộm cắp, tham nhũng đó như là người có cuộc sống thành đạt. Rồi kiểu đó dần trở thành chuẩn mực, trở nên bình thường. Nếu như các giá trị công dân, các giá trị đạo lý, các giá trị mỹ học đó sụp đổ hẳn, thì chúng ta phải sống với những gì mình hiện có vậy thôi.

Đăng Bẩy giới thiệu và dịch
Nguồn: NĐB