Ngày đăng : 18/04/2014

Macondo huyền thoại trong "Trăm năm cô đơn" của Márquez


Gabriel García Márquez - nhà văn vĩ đại của nền văn học Mỹ La Tinh, năm tháng qua đi nhưng những tác phẩm của nhà văn sẽ sống mãi cùng thời gian. Với tài năng của một “nghệ sĩ kể chuyện vĩ đại nhất Mỹ Latinh”, nhà văn đã đem đến cho độc giả những không gian mang đậm hơi thở của xứ sử này. Một trong những không gian đặc trưng trong sáng tác của ông là Macondo, được thể hiện một cách khá trọn vẹn trong tiểu thuyết Trăm năm cô đơn. Bước vào Trăm năm cô đơn với tư cách là một không gian có thực, Macondo khoác lên mình một lớp áo hư cấu, trở nên lung linh huyền ảo, dung chưa nhiều biểu tượng của tác phẩm và bản thân không gian này cũng trở thành một biểu tượng.

1. Macondo - Khởi nguồn huyền thoại

Trở đi trở lại nhiều lần trong các sáng tác của Márquez ở cả truyện ngắn, truyện vừa và tiểu thuyết, Macondo là không gian hư cấu đặc trưng mang tính liên văn bản, xuất hiện trong nhiều sáng tác của nhà văn như: Bà già Montien, Một ngày sau thứ bảy, Buổi chiều kỳ diệu của Bantaxa, Độc thoại ngắm mưa của Isabel ở làng Macondo, Biển của thời đã mất, Đám tang Bà mẹ vĩ đại, Ngài đại tá chờ thư…

Đây là thành phố do Márquez tưởng tượng ra, nơi đây ông đã chắp cánh cho biết bao câu chuyện quái dị và hấp dẫn. Aracataca quê hương tác giả sống có nhiều điểm tương đồng với Macondo. Cho đến nay, người dân Aracataca tự hào với cái tên Macondo và tự hào đón chào du khách bằng tấm biển: “Welcome to Macondo” (Chào mừng các bạn đến với Macondo). Trong tiếng địa phương, “ara” chỉ một con sông nhỏ, còn “cataca” là tên của một tộc người cư trú ở đó. Macondo trong mỗi tác phẩm của nhà văn lại có những nguồn gốc tên gọi khác nhau.

Macondo trong Trăm năm cô đơn là một thị trấn nhỏ bé nhưng mang tầm vóc Mỹ Latinh. Nơi đây chứng kiến bao thăng trầm của cả một dòng họ, một cộng đồng dân cư.

1.1. Hành trình khám phá ra Macondo khác thường

Về mặt địa lý, Macondo gắn với cuộc hành trình đi tìm biển nhằm thoát khỏi mặc cảm tội lỗi của vợ chồng José Arcadio Buendía và một nhóm bạn bè của ông. Hai nhân vật lập ra làng Macondo có những nét tương đồng với ông ngoại (người hay nặn hình những con cá vàng) và bà ngoại nhà văn (người thường đổ những chiếc kẹo hình con thú). Cuộc chạy trốn ấy bắt nguồn từ huyền tích của tổ tiên José Arcadio Buendía và Úrsula. Sau thảm họa bị tên cướp biển Francis Drake tấn công, bà tổ của Úrsula quá kinh ngạc đến mức quẫn trí ngồi vào bếp than hồng, kết quả là những vết sẹo cháy đã biến cụ thành “người vợ ăn bám suốt đời”. Kể từ đó, cụ thu mình trong ốc đảo của riêng mình, bị ám ảnh bởi ý nghĩ người mình phả ra mùi khó chịu. Tự cụ tổ bà của Úrsula giam hãm mình trong cảm giác sợ hãi. Giải pháp được chồng bà lựa chọn là di cư đến miền xa biển, xây phòng ngủ không cửa sổ với mong muốn xua tan những cơn ác mộng của vợ. Phản ứng trước thái độ của vợ, cụ tổ ông của Úrsula cũng lựa chọn giải pháp có thể nói là tối kiến nhất. Thay vì việc cố gắng động viên vợ hòa nhập với cuộc sống, cụ lại vô tình “tiếp tay” cho nỗi cô đơn gặm nhấm tâm hồn vợ ngày một nhanh hơn. Cũng từ đó, những cuộc hôn nhân cận huyết giữa con cháu cụ tổ Úrsula và Don José Arcadio Buendía diễn ra.

Bản thân những cuộc hôn nhân cận huyết đã dung chứa trong mình nét mông muội của loài người. Hậu quả của nó chỉ là vấn đề thời gian. Chính vì thế, hình ảnh chiếc đuôi lợn sau mỗi lần sinh con luôn ám ảnh họ. Cho đến cuộc hôn nhân của Úrsula và Don José Arcadio Buendía, với lời tuyên bố với vợ rằng có đẻ ra lợn anh ta cũng cóc cần, bi kịch của họ đã thực sự bắt đầu. Sau thời gian khá dài luôn mặc chiếc quần trinh tiết do mẹ may, Úrsula buộc phải bỏ nó vì câu khích bác của Prudencio Aguilar cay cú bởi thua chọi gà với José Arcadio Buendía. Sự kiện xảy ra chỉ mang tính thường nhật. Thế nhưng người trong cuộc lại không làm chủ được bản thân. Những lời khích bác đó cũng khiến Prudencio phải trả giá bằng cả tính mạng của mình, chết tươi bởi cây giáo của José Arcadio Buendía phóng đi với sức mạnh của một con bò tót. Vợ chồng José Arcadio Buendía ý thức rất rõ hậu quả cuộc hôn nhân của mình, thế nhưng họ vẫn chấp nhận nếu đẻ ra kỳ đà thì sẽ nuôi kỳ đà. Trớ trêu thay, sau cái chết của mình, Prudencio Aguilar liên tục hiện về ám ảnh hai vợ chồng. Không thể chịu nổi mặc cảm tội lỗi, họ quyết định tìm đến miền đất hứa để linh hồn anh ta được thanh thản.

Rõ ràng, cuộc hành trình đi tìm biển của những Buendía không xuất phát từ mục đích khám phá miền đất mới, mà thực chất là cuộc chạy trốn giữa cõi dương (những người đang sống) và cõi âm (linh hồn chết). Macondo là điểm dừng chân để thoát khỏi bóng ma của Prudencio Aguilar. Chính vì vậy, cuộc hành trình ấy sẽ không thể thiếu sự hiện diện của những bóng ma. Bởi lẽ sự ám ảnh không có giới hạn về không, thời gian. Điều đó được minh chứng bởi sự trở lại của bóng ma Prudencio Aguilar để trò chuyện cùng José Arcadio Buendía khi ông bị trói bên gốc cây dẻ vì chứng lẩn thẩn. José Arcadio Buendía không những không chạy trốn được bóng ma Prudencio mà còn rơi vào cái bẫy do chính mình gài sẵn. Cuối cùng, cục diện thay đổi hoàn toàn, bóng ma ông chạy trốn lại trở thành bạn tâm giao lúc sắp lìa đời. Ngược lại, những người thân yêu nhất lại trở nên xa lạ. Ngay cả giải pháp gia đình chọn: trói ông dưới một gốc cây dẻ khi ông mắc chứng điên loạn cũng là nguyên nhân đẩy ông đến vương quốc cô đơn nhanh hơn.

1.2. Nguồn gốc và ý nghĩa tên gọi Macondo

Về mặt tên gọi, cái tên Macondo cũng không xuất phát từ cơ sở phong thủy, địa lý, mà lại xuất phát từ giấc mơ kì lạ của José Arcadio Buendía. “Trong đêm ngủ lại bên một con sông nhiều đá, nước trong như một dải pha lê đông lạnh, José Arcadio Buendía nằm mộng thấy ngay ở đó một thành phố đông vui với những ngôi nhà có tường kính mọc lên. Ông hỏi đó là thành phố gì và được trả lời bằng một cái tên chưa bao giờ nghe thấy và chả có ý nghĩa gì nhưng nó cứ vang vọng trong mơ: Macondo. Ngay ngày hôm sau, ông thuyết phục các bạn mình rằng sẽ chẳng bao giờ bọn họ tìm thấy biển. Ông hạ lệnh cho họ phát quang một vùng bên cạnh sông, nơi thoáng mát hơn và tại đó họ lập làng” [Márquez, Trăm năm cô đơn, Nguyễn Trung Đức dịch,

tr. 5].

Tưởng như ngẫu nhiên, nhưng với Márquez lại là ý đồ nghệ thuật. Đặc biệt, bản thân ý đồ nghệ thuật đó cũng mang màu sắc huyền thoại. Tác giả cũng không lý giải được cái tên Macondo có thật hay không. Trong ngôn ngữ Bantu, Macondo nghĩa là chuối. Loài cây này trở đi trở lại trong suy nghĩ của cậu bé hay ưu tư và sầu muộn ngay từ thủa còn thơ. Trong Hồi ức Sống để kể lại, Márquez kể rằng trong dịp cùng mẹ về Aracataca để bán ngôi nhà cũ của bà ngoại, tàu dừng lại trước một đồn điền trồng chuối mang tên Macondo. Lớn lên, ông nhận rằng hồi đó mình rất thích cái tên Macondo vì khi đọc nghe rất nên thơ.

Khi dùng tên gọi Macondo trong tác phẩm của mình, ông tìm thấy trong một cuốn Bách khoa toàn thư giải thích đó là một loài cây vùng nhiệt đới, giống cây gạo nhưng không có hoa và quả, thân gỗ xốp thường được dùng làm thuyền độc mộc và đồ dùng nhà bếp. Tiếp đó, ông lại phát hiện ra trong một cuốn Bách khoa toàn thư của Anh ghi rằng ở Tanganyika có một tộc người du mục tên là Makondos. Nhà văn cho rằng cách giải thích này là hợp lý hơn cả. Tuy nhiên, Márquez cũng nói rằng ông đã từng nhiều lần hỏi ở vùng trồng chuối để xác minh nhưng không ai biết loài cây đó là cây gì. Vì thế, ông nhận định rất có thể trên cõi đời này nó cũng chưa hề tồn tại.

Như thế, chính tác giả cũng không xác minh được ý nghĩa thực tại của Macondo. Có nhiều cách giải thích được đưa ra, nhưng không có một khẳng định nào chính xác. Cái tên là sự kết hợp giữa thực và mơ ngay trong ý nghĩa đời thường của nó. Nó ít nhiều mang dáng dấp của ngôi làng nguyên mẫu Aracataca - quê hương của tác giả.

2. Diễn tiến vòng tròn, khép kín kì lạ

2.1. Quá trình hình thành và diệt vong của Macondo

Khởi nguồn từ giấc mơ của José Arcadio Buendía và chỉ còn là “một cơn lốc dữ dội đầy bụi và rác rưởi cứ xoáy tít mù được nói tới trong Kinh thánh vần vũ” [Márquez , Trăm năm cô đơn, Nguyễn Trung Đức dịch, tr. 482], thành phố ảo ảnh Macondo bị gió cuốn đi cùng lúc Aureliano Babilonia giải mã xong tấm da thuộc của Melquíades. Một không gian tựa như trong Kinh thánh từ buổi hồng hoang cho đến ngày khải huyền, dường như tiền định. Chẳng thế mà, lịch sử Macondo nằm gọn trong những trang da thuộc cụ già người Digan viết. Nếu như ngày tận diệt trong Kinh thánh: “Tiếng kèn của vị thần thứ nhất nổi lên. Mưa đá và lửa với máu trút xuống trái đất. Một phần ba mặt đất bị thiêu hủy, một phần ba cây cối bị thiêu hủy và tất cả cỏ xanh bị thiêu hủy…” [Kinh thánh Tân ước, tr. 20] thì Macondo phải trải qua cơn mưa bốn năm mười một tháng hai ngày, tiếp đó lại bị rang khô trong hạn hán mười một năm, để rồi cuối cùng bị cuốn phăng đi cùng gió. Những thiệt hại do thiên nhiên gây ra không thể tưởng tượng nổi. Nguyễn Du từng khái quát số phận của hồng nhan: “Đau đớn thay phận đàn bà. Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung” chỉ trong hai câu thơ thì Márquez đã khái quát sự hình thành và diệt vong của Macondo trong Trăm năm cô đơn trong một câu văn: “Vùng đất trước đây cụ José Arcadio Buendía đã khai phá trong thời lập làng, và là nơi sau này mọc lên các đồng chuối nhiều vô kể, giờ chỉ còn là một bãi lầy những dây nho mục, mà trong vài năm nó đã cho phép người ta nhìn thấy bọt biển trắng xóa trên biển xanh biếc ở đường chân trời xa xăm” [Márquez, Trăm năm cô đơn, Nguyễn Trung Đức dịch, tr. 480]. Nó là một vòng tròn khép kín, có điểm khởi đầu và kết thúc, thậm chí kết thúc không để lại một dấu vết gì. Thành phố bị cuốn phăng theo gió và bụi, cũng như số phận của những nhân vật mà nó bao bọc và theo đúng kiểu như thế. Remedios-người đẹp cùng với những chiếc chăn thô bay về trời, lão trượng José Arcadio Buendía ra đi trong cơn mưa hoa vàng. Các nhân vật và cả làng Macondo dường như chỉ có một phần nhỏ bé thuộc về trần thế.

Trong suốt quá trình phát triển của mình, khung cảnh và những biến cố gắn với Macondo thực sự chỉ có trong mơ. Thế nhưng, nhà văn lại cho người ta cảm giác đó là giấc mơ có thật. Bởi lẽ, ở nơi đó, cuộc sống thường nhật của con người vẫn diễn ra, chỉ có điều, theo cách riêng của họ.

Cảnh tượng ban đầu của Macondo quả thật mới chỉ thấy trong cổ tích. Đó là “một ngôi làng gồm vài chục nóc nhà trách vách đất dựng bên bờ con sông nước trong như pha lê, ào ào chảy qua những tảng đá nhẵn thín thời tiền sử. Thế giới lúc ấy còn ở buổi hồng hoang, chưa có tên gọi các đồ vật và để gọi chúng cần phải dùng ngón tay chỉ đích vào từng cái một” [Márquez, Trăm năm cô đơn, Nguyễn Trung Đức dịch,

tr. 23]. Nơi đó không có ai quá ba mươi tuổi, không có người chết và nghĩa địa. Người ta chỉ thấy những ngôi nhà trắng như những con bồ câu, nghe được tiếng chim hót líu lo với đủ các loại chim hoàng yến, tổ đỏ, axuleho. Hơi thở thanh bình của cuộc sống tràn đầy, khiến người ta có cảm giác đó là một không gian lý tưởng cho cuộc sống của con người. Sự thật, đó là lại một không gian khép kín, tù túng, và chỉ thật sự bộc lộ điểm yếu của mình khi họ sống cô đơn, thu mình trong ốc đảo lạnh lẽo. Nó chỉ giữ được vẻ thanh bình ấy trong một thời gian ngắn, khi chưa có những xáo trộn của cuộc sống, chưa có sự xuất hiện của người Digan và người Ả Rập.

José Arcadio Buendía và bạn bè của mình sau những ngày tháng miệt mài tìm kiếm con đường để giao lưu với bên ngoài đã hoàn toàn tuyệt vọng, Macondo đã bị nước vây quanh, là một ngôi làng tù đọng, như chính quan niệm địa lý về Aracataca cũng như Mỹ Latinh của Márquez. Chính vì thế, nhà văn gửi gắm vào hình tượng Macondo ước mơ về một xã hội văn minh, nói cách khác chính là không gian đối thoại, không gian giao lưu văn hóa của quê hương mình.

Sự xuất hiện của những cái được gọi là văn minh do người Digan và Ả Rập mang tới hầu hết đều đem đến thảm họa cho Macondo. Bản thân những phát minh ấy là hữu ích, tiến bộ, nhưng do cách tiếp nhận thiếu hiểu biết, thậm chí mù quáng của dân làng Macondo mà trở nên phản tác dụng. José Arcadio Buendía sẵn sàng đổi mọi của cải làm ra để được trải nghiệm những phát minh. Ông thậm chí ngồi hàng giờ để nấu vàng, và cuối cùng là bao nhiêu tích lũy của vợ bị ông làm tiêu tan hết. Ông nhận thức được tính mới mẻ của nó nhưng lại không sử dụng đúng mục đích. Vì thế, tất cả những phát minh ấy chỉ khiến đầu óc ông trở nên điên loạn, để cuối cùng từ một trưởng làng ngăn nắp, gọn gẽ, ông trở nên lẩn thẩn và bị trói vào gốc cây dẻ. Những đứa trẻ nhà Buendía say mê với các phát minh đến nỗi trở thành nỗi ám ảnh. Nỗi ám ảnh mạnh đến mức nhiều năm sau này, khi đã đi nhiều, trải nhiều, đứng trước họng súng của đội hành hình, đại tá Aureliano vẫn nhớ đến buổi chiều xa xưa khi được cha đưa đi xem nước đá.

2.2. Những chặng đường đáng nhớ của Macondo

Thời kỳ thanh bình nhất của Macondo là thời kỳ những Buendía làm ăn phát đạt. Aureliano miệt mài sản xuất những con cá vàng, Úrsula sửa sang nhà cửa khang trang, rộng rãi và đặc biệt là hiếu khách. Thế nhưng, thời kỳ thịnh vượng nhất lại là thời kỳ tiềm tàng những dấu hiệu của sự tàn phá màu nhiệm, khi Aureliano Segundo trở thành trụ cột của dòng họ Buendía. Những cuộc ăn chơi trác táng, thâu đêm suốt sáng, những trận tắm trong rượu chứng tỏ một cuộc sống giàu có. Tính mắn đẻ của đàn gia súc có quan hệ kì lạ với khả năng tình dục của Petra Cotes.

Thời kỳ Macondo bị tàn phá nặng nề nhất là khi ngài Brown cùng công ty chuối xuất hiện, nói cách khác đó là sự xuất hiện của chủ nghĩa tư bản. Ban đầu, sự xuất hiện ấy đem đến cuộc sống thịnh vượng. Tuy nhiên, càng phát triển, Macondo lại càng trở nên lộn xộn. Bởi lẽ sự phát triển ấy là do yếu tố khách quan, người dân Macondo hoàn toàn bị động. Cho đến ngày công nhân không thể chịu được bất bình đẳng đối xử, biểu tình, bãi công, quân đội chính phủ tàn nhẫn nã súng giết chết hơn ba nghìn người rồi ném xác họ xuống biển bằng đoàn tàu dài 200 toa chỉ trong một đêm. Những xác chết bị ném xuống biển như những tải chuối, tàn nhẫn, lạnh lùng, không một chút tình người. José Arcadio Segundo là người duy nhất chứng kiến, sống sót trở về. Trong nỗi kinh hoàng của mình, câu chuyện anh ta kể đi kể lại không được một ai tin vì mọi người không thể tin nổi lại có một sự kiện khủng khiếp đến thế. Nó nằm ngoài khả năng tưởng tượng của họ. Sau cuộc thảm sát, Macondo bị nhấn chìm trong cơn mưa kéo dài bốn năm mười một tháng hai ngày. Gia đình Buendía bị khánh kiệt. Cuộc thảm sát không phải chỉ có trong Macondo tưởng tượng, lịch sử Columbia đã ghi nhận sự kiện này. Márquez là người nắm rõ những con số cụ thể của những người bị chết, mất tích do đàn áp và những người phải sống lưu vong nơi đất khách quê người. Những thảm họa ấy là thực tại cay đắng nơi nhà văn sinh ra và lớn lên. Nó bất bình thường (outsized reality) nhưng vẫn luôn diễn ra như cuộc sống hằng ngày. Và cay đắng nhất ở chỗ, những thực tại ấy hoàn toàn trở thành dối trá, còn những điều bịp bợm lại được người ta tin tưởng gần như tuyệt đối.

Ở Châu Mỹ Latinh, thực tại biến dạng do chính trị nhiều hơn văn hóa. Sự thực được bưng bít đến nỗi người ta không biết đâu là sự thực. Vụ thảm sát hơn ba nghìn người mà José Arcadio Segundo chứng kiến là sự thực không thể phủ nhận. Thế mà, khi anh thuật lại không một ai tin. Họ chỉ tin vào những gì đã bị bưng bít. Rõ ràng, chỉ còn một sự thực độc nhất, là lúc nào người ta cũng nói dối.

Trăm năm cô đơn không liên quan trực tiếp đến chính trị, và chính trị không phải dòng cảm xúc chủ đạo. Thế nhưng, qua những ẩn dụ tác giả đã chuyển tải những biến cố chính trị và bản chất của nó. Ở Macondo, tất cả những chuyện không thể xảy ra, những điều vô lý, đều xảy ra liên tiếp, ngay giữa ban ngày ban mặt. Thật hết sức lầm lẫn, nếu coi vũ trụ văn chương của ông là một hệ thống bịa đặt, khép kín. Nó không được viết trên mảnh đất nào khác mà chính là mảnh đất của chúng ta đang sống. Macondo có thực ngay trong tâm tưởng của mỗi người. Và đó là tính nhiệm màu của ông.

Márquez thường khẳng định rằng toàn bộ nền văn học lớn cần phải dựa vào một thực tại cụ thể. Và sau đó, nhiệm vụ của nhà văn huyền ảo là “biến hiện thực thành hoang đường mà không đánh mất tính chân thực” [Lê Bá Hán, Từ điển thuật ngữ văn học, tr. 10]. Do đó, người đọc có cảm giác thật ảo lẫn lộn. Macondo thực sự trở thành tấm gương phản chiếu thực tại kỳ diệu Mỹ Latinh.

3. Không gian của những biểu tượng

Gắn liền với huyền thoại Mỹ Latinh, ngay cả những sự kiện có thực cũng trở thành biểu tượng. Chuyện người ta chóng quên những tội ác của các công ty chuối, tác giả đã giải thích: “Lịch sử của các công ty chuối là hoàn toàn có thật. Thế nhưng hiện thực của châu Mỹ Latinh, kể cả những sự kiện lịch sử các công ty chuối, nặng nề và cay đắng đến mức cuối cùng nó có tính chất hão huyền… Ở Châu Mỹ Latinh, chỉ cần một sắc luật chính thức là có thể buộc người ta quên mất một sự việc như cái chết của ba nghìn người. Cái điều tưởng như hoang đường được rút ra từ chính cái hiện thực khủng khiếp của chúng ta” [Nguyễn Đức Nam, Một khuynh hướng trong tiểu thuyết tiến bộ ngày nay ở Châu Mỹ La Tinh, Tạp chí văn học số 1 năm 1975 , tr. 111].

Vào thời điểm Márquez sinh ra cũng là khi ngành trồng chuối rất phát triển và Hoa Kỳ bắt đầu khai thác Nam Mỹ qua các đồn điền trồng chuối. Bản thân ngôi làng ông sinh ra cũng là làng trồng chuối. Năm kế đó, ngành kinh tế trồng chuối bắt đầu có sự đổi mới và gây ra một vết thương mãi mãi không bao giờ lành trong lòng thị trấn. Sau biến cố đó, gia đình ông phải chật vật kiếm ăn. Tận mắt chứng kiến thực tại của các công ty chuối và những hệ lụy của nó, nhà văn thấm đẫm sâu sắc mức độ ảnh hưởng của ngành kinh tế này. Có lẽ vì thế, điều tưởng như rất đời thường và mang tính lịch sử ở Aracataca nói riêng và Nam Mỹ nói chung đã được tác giả chuyển tải theo cách riêng của mình, trở nên kỳ ảo. Nó phanh phui tội ác của các công ty chuối và tư bản ra ánh sáng, khiến cho người dân nhận rõ bộ mặt của chúng. Đó là ý nghĩa chính trị quan trọng của biểu tượng này.

Tác phẩm có ý nghĩa trọng đại. Chúng ta tưởng chừng như câu chuyện là một thế giới chật hẹp, chỉ liên quan đến một cái làng và một dòng họ nhưng Macondo như một tấm gương kỳ ảo phản ánh những sự kiện quan trọng nhất trong lịch sử khởi nguồn của Columbia và Châu Mỹ nói chung. Dịch giả Nguyễn Trung Đức đã chỉ ra đó là bảy vấn đề sau:

 + Đầu tiên, sự kiện tìm ra Châu Mỹ Latinh gắn liền với việc phát hiện ra làng Macondo của người Digan. Những thổ dân da đỏ Indio sống ở Châu Mỹ Latinh trước đó chính là dòng họ Buendía.

 + Thứ hai, sự phối hợp chủng tộc tạo ra nhân dân Châu Mỹ Latinh ngày nay. Đời sống của làng Macondo đã bị xáo trộn trước sự xuất hiện của người Digan. Sự phối hợp giữa dân bản địa và những người từ những miền đất khác đến sinh sôi nảy nở ra những giống người “lai”. Họ ra đi và lập nghiệp trên khắp các vùng đất ở Mỹ Latinh.

  + Thứ ba, đời sống cổ hủ, lạc hậu của Mỹ Latinh được tái hiện qua phương pháp phúng dụ. Đá nam châm, kính lúp, thước đo góc, la bàn, nước đá, máy hát, máy nổ, phim ảnh, xe lửa là những sáng chế đã được sử dụng phổ biến trên thế giới nhưng lại là những thứ cực kỳ tối tân đối với dân chúng Macondo.

  + Thứ tư, sự tiếp xúc đầu tiên của thổ dân Anhđiêng với thế giới bên ngoài. Đó là khi những người Digan đến Macondo mang theo các thành tựu khoa học kĩ thuật trên thế giới. Dân làng Macondo đón nhận những phát minh này với một thái độ háo hức, pha lẫn một chút sợ sệt vì không hiểu hết được bản chất của nó.

  + Thứ năm, cuộc đấu tranh giữa các đảng phái chính trị và chiến tranh liên miên kéo dài thực chất là trận chiến đấu khốc liệt giữa phái Bảo hoàng và Tự do. Sĩ quan hai phái ban ngày đánh nhau kịch liệt, ban đêm làm bạn với cờ bạc. Trong tác phẩm, điều này được phản ánh thông qua quan hệ bạn bè giữa đại tá Aurelianô và tướng Raken Moncađa.

 + Thứ sáu, quá trình xâm nhập của chủ nghĩa đế quốc Bắc Mỹ tương ứng từ khi làng Macondo được phát hiện bởi người Digan, sau đó là sự xâm nhập của cái mới, quan thanh tra, chiến tranh giữa các phái.

 + Cuối cùng, tội ác của giặc ngoại xâm và cuộc đấu tranh của nhân dân lao động. Đó là cuộc đấu tranh của nhân dân Macondo giữa những người theo hai phái Bảo hoàng và Tự do.

  Đó là những biểu tượng ở tầm vĩ mô. Gắn với Macondo, rất nhiều biểu tượng khác mang ý nghĩa triết lí sâu sắc.

Cái đuôi lợn là biểu tượng cho cuộc sống không có tình yêu dẫn tới sự tha hóa, đi ngược quá trình tiến hóa của loài người, trở thành một giới người xuống cấp. Đây cũng là một lời cảnh báo rằng nếu con người sống ích kỷ, sống không có tình yêu thì sẽ đánh mất bản chất của mình, không còn là Người theo đúng nghĩa của nó. Mac định nghĩa “Con người là tổng hòa các mối quan hệ xã hội”. Nếu không có mối quan hệ xã hội, con người sẽ trở về điểm xuất phát của mình: kiếp súc vật.

Tác giả đưa vào tác phẩm những hình tượng của đời sống ý thức còn ở trình độ trực quan tiền logic của dân chúng bao gồm các truyền thuyết, huyền thoại, tín điều, tôn giáo, thần giao cách cảm: Aureliano sinh ra đã cất tiếng khóc từ trong bụng mẹ báo trước nỗi buồn suốt cuộc đời, người yêu của Meme đi đến đâu là bướm vàng bay theo đến đó, cụ già Melquíades chết đi sống lại nhiều lần.

Macondo là một bức tranh thu nhỏ của Mỹ La Tinh. Bức tranh thu nhỏ này không phải theo kỹ xảo của nghệ thuật phóng ảnh mà theo nguyên lý huyền thoại hóa. Macondo có tất cả đặc điểm mà Mỹ La Tinh có, mảnh đất của những ngày đầu hoang sơ mà con người mới đặt chân đến khai hoang, mảnh đất của sự lạc hậu. Không những thế, Macondo còn có những gì Mỹ La Tinh mới chỉ là ẩn ức. Ở đây dung chứa tất cả những sự kiện kỳ ảo gắn với mỗi nhân vật trong tác phẩm. Đây là mảnh đất màu mỡ để các nhân vật thoả sức thể hiện bản chất của mình.

Khởi nguồn từ thực tại Mỹ La Tinh khác thường (outsized reality), nhà văn đưa chúng ta đến miền đất vừa quen, vừa lạ, vừa thực, vừa ảo đầy thú vị. Không gian vĩ mô của tác phẩm: không gian Macondo trở đi trở lại trong nhiều sáng tác của nhà văn không chỉ hiện diện với tư cách là không gian thực tại của tác phẩm, quan trọng hơn Macondo còn mang ý nghĩa biểu tượng, hình ảnh thu nhỏ của xã hội Mỹ La Tinh. Huyền thoại về mảnh đất này gắn liền với những số phận cô đơn do lối sống thu mình, quẩn quanh. Qua đó, nhà văn gửi gắm thông điệp kêu gọi tình đoàn kết, tình yêu thương giữa con người với con người. Macondo không còn là yếu tố vô tri, vô giác mà trở nên có hồn, hòa cùng nhịp đập các nhân vật, góp phần chuyển tải quan niệm thẩm mỹ của nhà văn trong tác phẩm./.

Nguyễn Thị Hảo
Nguồn: Văn Nghệ Quân Đội

…………………………………….

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Lê Bá Hán, Lại Nguyên Ân…, Từ điển thuật ngữ văn học, Nxb Giáo dục, 2006.
2. Kinh thánh Tân Ước, NXb Văn hóa thông tin, 2003.
3. Márquez, One Hundred Years of Solitude, http:// en.wikipedia.org/wiki/One - Hundred  - Years - of - Solitude, retrieved  02/08/2010.
4. Máquez, Trăm năm cô đơn, Nxb Văn học, 2004, Nguyễn Trung Đức dịch.
5. Mark P.O. Morford, Robert J.Lenardon, Classical Mythology, third edition, Longman, NewYork and London, 1985.
6. Nguyễn Đức Nam, Một khuynh hướng trong tiểu thuyết hiện tiến bộ ngày nay ở Châu Mỹ Latinh: Chủ nghĩa hiện thực huyền ảo, Tạp chí văn học số 1 năm 1975, tr 110 - 120.