Lần đầu tiên, một giải thưởng về sách (do Dự án Sách Hay tổ chức) được những người mê sách và các chuyên gia cùng bình chọn và sàng lọc kỹ càng, để không “lọt” sổ những cuốn sách hay từ 1975 đến nay. Đây cũng là một thử thách cho hội đồng xét tuyển, khi phải “đánh vật” giữa rừng sách (hơn 600 cuốn được đề cử) để chọn những cuốn xuất sắc nhất trong quãng thời gian quá dài (36 năm).
Dịch giả Đoàn Tử Huyến (thứ hai từ trái sang) nhận giải “Văn học dịch xuất sắc nhất”.
Ảnh: L.Đ
Ngày 8.9.2011, tại TP. HCM, Hội đồng xét tuyển Sách Hay đã công bố các ấn phẩm đoạt giải. Năm nay, chỉ có hạng mục “Sách phát triển thiếu nhi” là không có giải và đây cũng là một “thông điệp” mà Hội đồng trao giải và xét tuyển muốn gửi gắm đến xã hội, những người viết sách và dịch sách. Mỗi hạng mục sẽ có 2 cuốn sách được trao giải ở mảng dịch và mảng viết (20 triệu đồng/giải).
Tuy nhiên, vẫn còn những mảng không chọn được sách hay do thiếu sự đồng thuận của 100% thành viên hội đồng tuyển chọn (điều kiện bắt buộc) hoặc không có sách tiêu biểu. Đó là mảng sách viết ở hạng mục “Lẽ sống”, sách viết ở hạng mục “Nghiên cứu” và sách dịch ở hạng mục “Kinh tế”. Nhiều người thắc mắc ở chỗ, sách kinh tế đã bỏ qua những cuốn hay như “Những đỉnh cao chỉ huy” hay “Toàn cầu hóa và những mặt trái”, “Kỷ nguyên hỗn loạn” và “Thế giới phẳng” - cuốn sách gây xôn xao suốt một thời gian dài. Theo bà Phạm Chi Lan, có những cuốn hay, nhưng hoặc không nhận được sự đồng thuận 100% của hội đồng xét tuyển, hoặc thuộc về đơn vị tổ chức nên không đưa vào vì lý do tế nhị. Cũng nên thông cảm với khó khăn của hội đồng, khi còn có thêm tiêu chí trao giải sách kinh tế thế giới phải có ảnh hưởng đến VN.
Ở hạng mục “Thiếu nhi”, sách dịch được giải là “Hoàng tử bé” của Antoine de Saint Exupéry, do Bùi Giáng dịch, in lần đầu năm 1974 (NXB An Tiêm), sau đó NXB Văn Nghệ in lại vào năm 2005. Theo nhà văn Nhật Chiêu, nên tôn vinh Bùi Giáng về thơ, còn về phần dịch, ông thường thêm thắt hơn là dịch sát nguyên bản. Như chính “Hoàng tử bé” cũng được ông thêm vào chi tiết bàn tay có đến... 9 móng. Ông cũng dịch nhiều tác phẩm triết học, văn học, nhưng cũng thường làm rối thêm bản dịch theo kiểu... Bùi Giáng. Trong khi đó, ở mảng dịch, có nhiều cuốn sách kinh điển tuyệt hay cho trẻ em đã được dịch ở VN, nhưng chưa thấy được xét tuyển.
Ở hạng mục “Nghiên cứu”, cuốn sách xứng đáng được giải là “Nền dân trị Mỹ” của Alexis de Tocqueville, do Phạm Toàn dịch (NXB Tri Thức 2007) và “Tư duy kinh tế VN 1975-1989” của Đặng Phong (NXB Tri Thức 2008). Thay vì đến dự, dịch giả Phạm Toàn gửi diễn từ đến hội trường trao giải, rằng ông chọn cuốn sách “Nền dân trị Mỹ” vì muốn tìm hiểu sự vận hành của một cường quốc, xem họ tránh được việc lặp lại những điều xấu xa trong lịch sử như thế nào, từ đó mong đóng góp vào cuộc chấn hưng văn hóa cho VN để không rơi vào cảnh tự sát tập thể đối với một dân tộc. Đối trọng của tác phẩm này là 3 tác phẩm khác: “Bàn về tự do” (Nguyễn Văn Trọng dịch), “Xứ đàng trong - lịch sử kinh tế xã hội thế kỷ 17 - 18” (Nguyễn Nghị dịch) và “Hiện tượng học tinh thần” của Hegel (Bùi Văn Nam Sơn dịch). Cả 3 đều là thành viên của Hội đồng xét tuyển, nên đều rút lui.
Ở hạng mục “Lẽ sống”, cuốn sách dịch được trao giải là “Khuyến học” của Fukuzawa Yukichi, do Phạm Hữu Lợi dịch. Dịch giả nhấn mạnh: Nước Nhật đã tìm ra lời giải thực học mới có thể thành công trong việc chấn hưng đất nước thông qua cuốn sách nổi tiếng kinh điển này, hy vọng cuốn sách có thể giúp cho nền giáo dục VN trong tương lai.
Ở hạng mục “Văn học”: “Nỗi buồn chiến tranh” của Bảo Ninh và “Nghệ nhân và Margarita” (Mikhail Bulgakov), do Đoàn Tử Huyến dịch tuy đã quá cũ, song hoàn toàn xứng đáng đoạt giải. Tương tự, khi nhận giải, Nguyễn Ngọc Thuần cũng nhìn nhận: Anh tưởng mình đang sống trong quá khứ 10 năm trước đây.
Có thể thấy, do chọn lọc quá kỹ và đòi hỏi 100% thành viên hội đồng xét tuyển phải đồng thuận, nên kết quả cuối cùng thường là sách cũ. Hơn thế nữa, thành phần hội đồng đều là những học giả, nhà văn, nhà nghiên cứu có uy tín, nhưng đều lớn tuổi, nên chăng nên bổ sung người trẻ vào cho có thêm sinh khí? Mặt khác, những cuốn sách hay nhận giải mới chỉ phản ánh độ ngấm của văn hóa đọc trong suốt 36 năm qua, chứ chưa thực sự cập nhật hơi thở hiện tại của nó.
Các sách đoạt giải:
Hạng mục “Nghiên cứu”: “Nền dân trị Mỹ” của Alexis de Tocqueville, do Phạm Toàn dịch (NXB Tri Thức 2007) và “Tư duy kinh tế VN 1975-1989” của Đặng Phong (NXB Tri Thức 2008). Hạng mục “Lẽ sống”: “Khuyến học” của Fukuzawa Yukichi, do Phạm Hữu Lợi dịch. Hạng mục “Văn học”: “Nỗi buồn chiến tranh” của Bảo Ninh và “Nghệ nhân và Margarita” (Mikhail Bulgakov), do Đoàn Tử Huyến dịch. Hạng mục “Giáo dục”: “Phương pháp nghiên cứu khoa học giáo dục và tâm lý” của Dương Thiệu Tống và “Dân chủ và giáo dục” của John Dewey, do Phạm Anh Tuấn dịch. Hạng mục quản trị: “Công ty: Vốn, quản lý và tranh chấp” của Nguyễn Ngọc Bích, Nguyễn Đình Cung cùng bộ 3 cuốn Chiến lược cạnh tranh; Lợi thế cạnh tranh và Lợi thế cạnh tranh quốc gia. Hạng mục thiếu nhi: "Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ” của Nguyễn Ngọc Thuần, “Hoàng tử bé” của Antoine de Saint Exupéry, do Bùi Giáng dịch. |
Minh Thi
Nguồn: Lao động