Ngày đăng : 15/05/2008

Chất độc da cam, Dioxin và hệ quả - Bài dự thi đạt giải Nhì cuộc thi "Quyển sách làm thay đổi cuộc đời tôi"


Gia đình tôi

Ông Cố tôi là bộ đội thời chống Pháp, bom đạn chỉ làm cố bị thương, không nặng lắm, nhưng do chiến trường thiếu bác sĩ mà vết thương không được chữa kịp. Cố tôi mất, kịp gửi lời trăn trối hay mong muốn cuối cùng cho bà Cố tôi ở quê nhà là cố gắng nuôi các con ăn học thành bác sĩ. Bà Cố tôi là một người phụ nữ rất bản lĩnh, Cố nhỏ người, nhưng chẳng để ai hà hiếp, Cố bươn chải cày cuốc, buôn bán kiếm tiền nuôi các con. Ông ngoại tôi là bác sĩ, anh em ông lần lượt lớn lên trong sự dạy dỗ của mẹ, người theo nghiệp quân y, người hoạt động cách mạng. Lịch sử gia đình tôi trải theo hai cuộc chiến tranh của đất nước, nhưng có lẽ thiệt thòi nhất là hai người em cuối của ông tôi tham gia cuộc chiến chống Mỹ. Thời bình, ông chú tôi sinh được ba người con thì người con đầu, dì Khánh tôi, ốm đau quặt quẹo, chẳng nhận thức được gì, rồi dì mất rất sớm. Tôi nhớ mọi người bảo rằng dì là hậu quả của những tháng ngày ông làm bác sĩ trên chiến trường. Còn bà thím tôi thì không thể sinh con bởi lẽ quá trình hoạt động cách mạng ở miền Nam, bà bị địch bắt và tra tấn rất dã man. 

Ông nội tôi đến nay gia đình vẫn chưa tìm thấy mộ. Ông mất trong một trận càn, cái giấy báo tử ghi vội trên chiến trường chẳng đủ thông tin để tìm thấy mộ cũng bị thất lạc. Gia đình tôi lập bàn thờ ông, chẳng có di ảnh, chẳng có mộ phần. Chỉ có sự chấp nhận nỗi đau chiến tranh gây ra trong bao gia đình như vậy của đất nước mình. 

Những thế hệ sau này của gia đình tôi đều có thiên hướng theo y, quân y, hoặc quân đội. Chẳng biết bao giờ nước mình mới hết nỗi đau khi mà tiếng dội của cuộc chiến nào cũng kéo dài.

Tôi và sách 

Tôi mới được sáu tháng tuổi thì bố tôi đi. Tôi lớn lên trong sự nghiêm khắc và yêu thương của mẹ. Mẹ dạy cho tôi cách đứng lên những bước đầu tiên và biết đứng lên trong cả cuộc đời. Mẹ tôi giỏi. Tôi nhớ bạn bè tôi vẫn thầm ghen tỵ với tôi, tụi bạn chung nhóm tôi gặp bài toán nào khó thường sang nhà nhờ mẹ tôi hướng dẫn. Nhưng mẹ tôi không chỉ dạy cho tôi học toán, dù mẹ hướng cho tôi theo các môn học khoa học tự nhiên. Những câu ca dao, những bài thơ mẹ tôi hay đọc cho tôi nghe và lịch sử gia đình hình thành nên tình yêu thương quê hương và con người trong tâm trí tôi. 

Thương trường, có được và mất, công ty bà tôi phá sản, rồi đến việc kinh doanh của bố tôi ở Đức cũng phá sản, bố tôi bị trục xuất về nước. Tất cả điêu đứng bởi kinh tế, bà tôi phải thế chấp nhà cho ngân hàng. Mẹ tôi bận bịu lo toan cáng đáng gia đình. Bố tôi lâm vào trạng thái bất ổn và thường trút giận lên tôi, đứa bé con đã không có tình yêu thương của bố khi mới vừa nửa tuổi. Tuổi thơ êm đềm của tôi khép lại khi bố tôi trở về, tôi 11 tuổi. 

Nhưng thật may mắn cho tôi, mẹ tôi không chỉ dạy tôi học, sống, mà mẹ tôi còn truyền cho tôi đam mê đọc sách, báo. Hồi bé tôi thường chui  trong hộc bếp, ngốn ngấu những tác phẩm kinh điển, mới hơn 10 tuổi tôi đã đọc đi đọc lại “ Không gia đình”, “Oliver Tuyt”, “Tiếng chim hót trong bụi mận gai”, … Tâm hồn tôi nhờ sách mà đỡ cay nghiệt như đòn roi và những lời mắng chửi của bố tôi. Thế giới của tôi trong thế giới của sách.

Quyển sách làm thay đổi cuộc đời tôi

Tôi rất yêu thương và kính trọng ông ngoại tôi, tôi muốn trở thành bác sĩ. Tôi cũng luôn ý thức rằng ở một nơi nào đó trên mảnh đất quê hương này, ông nội tôi đã ngã xuống, phòng tôi cạnh gian thờ ông nội, có những lúc quá tủi thân vì bị bố đánh oan, hay có những nỗi buồn do kết quả học, và chuyện tình cảm thời tôi thiếu nữ, tôi thường kể cho ông tôi nghe, tôi tưởng tượng về ông. Tôi muốn trở thành một bác sĩ quân y.

Từ lớp 9 đến lớp 12, tôi luôn đạt giải cấp tỉnh môn sinh và tôi khá tự tin về mình. Nhưng thi đại học, tôi rớt. Chẳng thể trở thành một bác sĩ quân y như mong đợi của ông, của tôi và cả gia đình.

Bố tôi có thêm cái cớ để cay nghiệt với tôi hơn.

Tôi thích lang thang nhà sách, trong những ngày mới thi trượt đại học, những cuốn sách cứu tôi khỏi sự tuyệt vọng. Tôi thường thích chìm vào những tác phẩm văn học kinh điển. Nhưng quyển sách tình cờ đến và thay đổi cuộc đời tôi, đó là sách nghiên cứu khoa học, cuốn “Chất độc da cam, dioxin & hệ quả” của giáo sư Nguyễn Văn Tuấn là cuốn sách ảnh hưởng lớn nhất đối với tôi, những gì tôi làm bây giờ khởi đầu từ cuốn sách đó.

Lật sơ qua những trang sách, tôi thấy nhói lòng khi nhìn những tấm ảnh của Philip Jones Griffiths chụp về nỗi đau màu da cam. Tôi bắt đầu đọc kĩ cuốn sách, thật sự kinh ngạc với những thông tin mà giáo sư Nguyễn Văn Tuấn đưa ra, về những gì thầy nghiên cứu được, về chất độc dioxin và hệ quả. Những chiến dịch ác nghiệt của Mỹ, những bức thư và quan điểm của giới khoa học Mỹ, tội ác của chính quyền Mỹ và chính quyền Ngô Đình Diệm làm tôi thực sự phẫn uất, những căn bệnh mà giáo sư nghiên cứu và tìm hiểu, những hình ảnh tôi thấy làm tôi rất đau lòng. Tôi đọc đi đọc lại cuốn sách không biết bao nhiêu lần, lần nào cũng chẳng thể giữ cho nước mắt mình không rơi.  Tôi nhớ câu chuyện kể với chất giọng nhẹ nhàng của anh Thanh Tùng - người nghệ sỹ khiếm thị tài hoa, câu chuyện xúc động và ám ảnh tôi. Nỗi đau chiến tranh kéo dài qua bao thế hệ. Tôi bắt đầu đi con đường mà số mệnh dành cho tôi, cuộc đời này tôi sinh ra được lành lặn hơn những người khác, cuộc đời đã ưu ái cho tôi rất nhiều, bởi lẽ đó tôi phải cố gắng. Mục đích tôi muốn làm bác sĩ quân y để làm gì? Tôi muốn được chữa bệnh cho mọi người, tôi muốn giảm nỗi đau kéo dài của chiến tranh. Có nhiều con đường để mình đi đến ước mơ, nếu tôi không thể đi con đường thẳng như bao người khác, tại sao tôi không đi con đường xa và gập ghềnh hơn một chút, chỉ cần tôi có trái tim biết “sống là cho” thì con đường này rồi cũng giúp tôi đạt được ước nguyện. 

Tôi bắt đầu quan tâm đến những căn bệnh hệ quả của dioxin và những nạn nhân nhiễm chất độc màu da cam. Ung thư là một trong những căn bệnh do dioxin. Tôi bây giờ là sinh viên năm 2 bắt đầu theo chuyên ngành nghiên cứu tế bào gốc ung thư thuộc Đại Học Khoa Học Tự Nhiên. Học kì vừa rồi tôi có làm seminar về “chất độc màu da cam, dioxin và hệ quả”, thật may mắn cho tôi khi VAVA (hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam)  giúp cho tôi liên lạc được với giáo sư Nguyễn Văn Tuấn qua email. Tôi thực sự kính trọng giáo sư như một người thầy lớn của mình. Thầy tận tình chỉ dẫn cho tôi nắm được vấn đề và truyền đạt những kiến thức tôi chưa nắm được. Giáo sư còn giúp tôi biết nhận định chân lý và sự thật trong khoa học, bởi trong quá trình tìm tư liệu, tôi không khỏi tránh được một số sai lầm, tôi trích dẫn thông tin lượm được từ một nguồn tài liệu phản động mà không hề biết, đây thực sự là một bài học thấm thía đối với tôi. Một người làm khoa học phải biết nhận rõ đâu là sự thật.  

Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn là tấm gương lớn cho tôi, tôi sẽ cố gắng để cuộc đời tôi có một phần ý nghĩa như cuộc đời thầy. Ngoài việc học ở giảng đường, phụ giúp ở phòng thí nghiệm sinh học phân tử Lab C, mỗi tuần tôi dành ra một ngày để đến chăm sóc các em bé nạn nhân chất độc màu da cam tại làng Hoà Bình, bệnh viện Từ Dũ. Ban giám đốc bệnh viện và các bác sĩ làng Hoà Bình ủng hộ tôi, các em nhỏ yêu quý tôi. Tuần nào cũng vậy, tôi dành nguyên một ngày chủ nhật qua phụ các cô chăm sóc các em.  

Người ta thường nói rằng cái tội lớn nhất của con người không phải là sự thù ghét mà là sự lãnh đạm, và sự tàn bạo của con người với con người gây ra thương vong cho vài thế hệ con người. Người bạn già đến với tôi từ những trang sách ảnh, Philip Jones Griffiths mất ngày 18/3 năm nay vì căn bệnh ung thư hiểm nghèo. Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam đã tặng Kỷ niệm chương vì Hòa bình, Hữu nghị giữa các dân tộc cho nhiếp ảnh gia Philip Jones Griffiths, người bạn Anh thân thiết của Việt Nam, ghi nhận những đóng góp và sự ủng hộ tích cực của ông đối với Việt Nam. Những em bé ở làng Hoà Bình, nếu như trước đây tôi chỉ mới biết các em qua ảnh của ông, thì bây giờ đây, tôi đến, ôm các em vào lòng, chơi đùa, tắm rửa, cho các em ăn. Chăm sóc các em mà thấy nỗi đau thương của một thời đất nước, có những bé bị xơ cơ, khi tôi mặc áo cho các em rất khó, khi nghe cô Ten làm việc ở bệnh viện dặn tôi là “nếu không mặc được thì bảo cô, chứ đừng cố mà gẫy tay em nha con”, lúc đó tôi thấy rất xót xa. Có bé bị não úng thuỷ, khi mặc áo thay vì chui đầu qua cổ áo thì phải chui mông qua phần cổ áo, bé ăn bằng cách truyền dịch sữa vào thẳng dạ dày. Đó chỉ là một trong số nhiều bé ở đây.

Các em bé ít dần theo lứa tuổi, đó là một sự thực đau lòng bởi tuổi thọ của các em không cao, có rất ít bé sống được đến tuổi trưởng thành. Nhưng tương lai các em sau này sẽ ra sao nếu sống được tới tuổi trưởng thành? Tôi luôn khuyến khích việc đọc sách tăng thêm sự hiểu biết cho các em. Tôi cho các em mượn sách, bạn bè tôi ở Hà Nội cũng gửi sách vào tặng các em. Tôi mong rằng sau này những kiến thức, những câu chuyện trong sách sẽ giúp ích các em. 

Còn riêng mình, sau này tôi sẽ làm được gì cho xã hội đây? Tôi mới 21 tuổi, và tôi chưa thực sự giỏi trong việc học tập và nghiên cứu. Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn, tác giả cuốn sách ảnh hưởng lớn nhất đến cuộc đời tôi, thầy thực là tấm gương lớn cho tôi. Cuộc đời tôi phía trước sẽ còn rất gập ghềnh, tôi đang là một kẻ đi thu lượm, những cuốn sách cho tôi gom nhặt những giọt nước trong biển kiến thức của nhân loại. Tôi thực sự biết ơn thầy, biết ơn cuốn sách hay, biết ơn những bức hình của Philip Jones Griffiths mà tôi định hướng được lối đi và ý nghĩa cuộc sống của mình. Và thực lòng tôi yêu thương những tác phẩm văn học tôi đã đọc, dù đó là tác phẩm kinh điển nước ngoài hay những tác phẩm của những nhà văn trong nước, thì tất cả cũng có tác động lớn đến tâm hồn tôi, đến suy nghĩ và lựa chọn cách sống của tôi. Để đến khi tôi đọc cuốn sách “Chất độc màu da cam, dioxin & hệ quả” của giáo sư Nguyễn Văn Tuấn, tôi biết nhận rõ và trân trọng giá trị cuộc sống, biết định hướng hành động của mình. Ngày mai, tôi sẽ làm được gì để giảm nỗi đau của căn bệnh ung thư? Và tôi có làm được những điều tôi muốn không? Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từng nói “trên đời này chỉ có thân phận và tình yêu, thân phận thì hữu hạn, tình yêu thì vô cùng”, tôi sẽ cố gắng để yêu thương cuộc sống và con người hơn. Nhưng để tình yêu thương đó trở thành những hành động thiết thực có ý nghĩa, tôi còn phải đi con đường rất xa và gập ghềnh. Tôi sẽ đi để thấy “hoa trái nở trong trái tim người”. Tôi sẽ đi! 

Thành phố Hồ Chí Minh, 30/4/2008.

Võ Thị Hoàng Anh