Ngày đăng : 26/03/2013

Nghề dịch


Cuộc sống trớ trêu, bỗng đặt lên vai một ông già đã hết hơi hết cốt, gánh nặng, nhất thời dựng lại lá cờ Pháp văn ở một đất nước nghìn trùng xa cách nước Pháp.

Nghề chơi cũng lắm công phu (Kiều)

Lịch sử thăng trầm, bao nhiêu năm người ta bẵng quên tiếng Pháp, nay đến thời tái ngộ, những con người còn biết thưởng thức một vần thơ của Apollinaire, thấu hiểu ý nhị một áng văn của Valéry đã trên dưới bảy mươi, hàng ngũ thưa thớt.

Hẳn rằng các hãng Pháp có đầu tư, khách du lịch dồn hết, rồi cũng tìm ra vài người phiên dịch.

Thế hệ thanh niên đổ xô học tiếng Anh: Giao dịch, thương mại, đón đưa khách chỉ cần vài năm luyện tiếng Anh. Phải chăng tiếng Pháp rồi chỉ còn là một thứ đồ cổ dành cho một số ít ông đồ Tây, sính chữ, sính nghĩa? đời sau chỉ còn nhắc đến văn Pháp, vang bóng một thời.

Hàng hóa, người qua lại đang tuôn từ nước này qua nước khác, quả rằng trên hành tinh này không có gì ngăn cách nổi luồng giao lưu tầm cỡ thế giới ấy nữa. Nhưng liệu rằng buôn bán, du lịch có đủ làm cho các dân tộc hiểu nhau, đồng cảm với nhau. Mua bán tất có cạnh tranh, cò kè lãi lỗ, thậm chí được bao nhiêu định kiến hận thù, hiểu lầm nhau chồng chất từ bao đời. Sắc tộc này, tín đồ tôn giáo này đứng trước sắc tộc, dân tộc, tôn giáo khác bao giờ cũng muốn tìm hiểu cái mới, muốn làm quen cái lạ, vừa cảnh giác, nghi kỵ, khinh miệt những cách ăn nói, đi đứng, lễ nghi, phong tục của kẻ khác. Nhắc sao hết những thảm họa xưa và nay mà óc kỳ thị sắc tộc tôn giáo, văn hóa đã gây ra?

Chỉ khi nào thấu hiểu được, thưởng thức được những cái hay cái đẹp của một nền văn hóa khác mới xóa bỏ được óc kỳ thị kia. Dùng một máy vi tính xưa nhất, tôi không cần biết là của Pháp hay của Nhật, quý hồ tiện lợi và giá rẻ, nhưng say sưa đọc một tiểu thuyết của Balzac, nắm được những luận điểm sâu sắc của Bergson hay Sartre, ngắm một bức tranh của Gauguin là tôi đã hòa mình với tình cảm, tài năng của nhân dân Pháp, qua một sản phẩm chỉ riêng nước Pháp mới có. Cũng như khi người Pháp thấu hiểu được Truyện Kiều hay vần thơ của Nguyễn Trãi. Lúc đó giữa hai dân tộc không còn gì ngăn cách nữa, giao tiếp không còn bị rối nhiễu, qua những tác phẩm văn học nghệ thuật cao đẹp. Những gì quý giá nhất của dân tộc này du nhập vào văn hóa của một dân tộc khác, kho tàng văn hóa của đôi bên phong phú thêm mà bản sắc vẫn được gìn giữ và ảnh hưởng sẽ tồn tại từ đời này qua đời khác. Toàn quyền Doumer bắc qua sông Hồng chiếc cầu sắt đồ sộ mong lưu danh sử sách nay mai chỉ còn là đống sắt vụn, còn những bài thơ tuyệt tác của Baudelaire mãi mãi ngân vang trong tâm hồn nhiều người Việt Nam.

Không phải đa số người Việt Nam trực tiếp đọc thơ Baudelaire, cũng như không mấy người Pháp đọc thẳng Truyện Kiều. Sự giao lưu văn hóa bắt buộc phải qua dịch thuật, mỗi nước phải có một đội ngũ dịch không cần đông, nhưng cần hết sức tinh, nắm được, sử dụng được ngôn ngữ cả hai bên ở mức tinh vi, tế nhị, nhuần nhuyễn… Không một quốc tế ngữ nào thay thế được. Muốn người Pháp và những người dùng tiếng Pháp trên thế giới hiểu Truyện Kiều, phải có người dịch Kiều ra tiếng Pháp, muốn người Đức, người Nga hiểu, phải dịch ra tiếng Đức, tiếng Nga…

Trong nhiều năm, tiếng Pháp là một trong những công cụ chủ yếu của Việt Nam để tiếp nhận văn hóa Pháp và văn hóa nhiều nước khác. Và để cho người nước khác hiểu Việt Nam, cứ tưởng tượng trong trăm năm qua, không có những bản dịch những tác phẩm của Rousseau, Montesquieu, Balzac, Engels, Shakespeare, Tolstoi, Goeth (qua bản tiếng Pháp) thì đời sống văn hóa, chính trị, triết học ở nước ta sẽ ra sao?

Đã đến lúc cần đánh chuông báo động: Đội ngũ nắm tiếng Pháp đến trình độ dịch được những tác phẩm văn học và các môn nhân văn nay thật chỉ đếm trên đầu ngón tay, hơn nữa đều đã cổ lai hy. Ở đây không ăn xổi được, không có máy móc nghe nhìn nào, phương pháp nào tạo ra nhanh nhiều những người dịch giỏi. Nghề dịch chẳng phải nghề chơi, cần sính chữ nghĩa. Phải rèn luyện lâu dài, gian khổ. Quen viết một bài xã luận ít khi mất đến tiếng đồng hồ, còn không ít chữ trong Kiều, nghiền ngẫm thâu đêm vẫn không dịch ra.

Nguyễn Khắc Viện
(Trích từ tác phẩm Đạo và Đời)