Ngày đăng : 19/10/2015

Chi 230 tỷ để người Việt ham đọc sách:Sự thật khó tin


Dù có 230 tỷ đồng hay 230 tỷ USD đầu tư vào việc hình thành thói quen đọc sách cho người Việt cũng khó khả thi. 

Bộ VHTT&DL đang xin ý kiến về dự thảo xây dựng đề án "Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng giai đoạn 2015 - 2020, định hướng 2030", với số tiền 230 tỷ đồng. PGS.TS Phạm Thành Nghị - Viện Tâm lý học - Viện Khoa học xã hội VN đã bày tỏ quan điểm của mình về vấn đề này.

Đề án chưa đi vào gốc rễ vấn đề

Sau khi xem đề án của Bộ VHTT&DL, tôi thực sự rất vui mừng về mặt chủ trương. Thế nhưng, việc đọc sách được hình thành trong mỗi người từ khi còn rất nhỏ, chứ không thể ngày một, ngày hai, nó cũng như thói quen của con người. Tất cả đều phải được hình thành từ khi còn rất nhỏ và nơi cội rễ ấy chính là môi trường giáo dục trong gia đình, nhà trường.

Thế nhưng, đối với thói quen đọc sách thì lại khác, nó xuất phát từ nhu cầu kiến thức, khi thiếu một thông tin nào đó thì họ sẽ tìm đến sách để đọc hay khi họ có nhu cầu về giải trí như đọc truyện để giảm căng thẳng. Tất cả đều xuất phát từ nhu cầu, nếu có nhu cầu thì con người mới tìm đến sách, nhu cầu này thường xuyên xuất hiện trong công việc cũng như cuộc sống.

Hiện nay, chúng ta không hình thành ở trẻ em từ trong gia đình một thói quen đọc sách, ra cộng đồng thì môi trường công việc cũng không yêu cầu phải đọc sách, nên mỗi cá nhân tự cho mình quyền được ỷ lại, không trau dồi kiến thức.

Để khẳng định rằng, đề án hình thành thói quen đọc sách 230 tỷ đồng, hay 230 tỷ USD thì vẫn không thể làm được nếu như chúng ta không biết hình thành nên nhu cầu đọc sách trong dân.

Đặc biệt, kinh phí này được lên kế hoạch phân chia vào các công việc như tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân về ý nghĩa việc đọc sách, trang bị xe ô tô lưu động cho thư viện cấp tỉnh, trang bị sách cho thư viện cấp tỉnh, huyện, xã. Theo tôi, việc đầu tư xe lưu động mang sách đi, mua thêm sách đặt vào các thư viện huyện, xã thì cuối cùng chuyện dân không đọc sách vẫn hoàn không đọc sách, bởi đó không phải là gốc rễ vấn đề.

Tôi xin nhấn mạnh rằng đọc sách chỉ là kỹ thuật hướng dẫn cho trẻ biết cách đọc, còn có muốn đọc hay không lại là nhu cầu riêng của mỗi người, cần phân biệt rõ về điều này.

Để con người có nhu cầu đọc sách, cần phải hoàn thiện 3 việc: thứ nhất, hình thành nhu cầu đọc sách; thứ hai, hình thành kỹ năng đọc sách; thứ ba là hình thành cơ sở phục vụ đọc sách. Nếu như chỉ tập trung vào điều kiện, kỹ năng đọc sách, mà chưa hình thành nhu cầu đọc sách thì sẽ hoàn toàn vô tác dụng bởi vì con người làm việc là vì thỏa mãn nhu cầu của họ, nếu như không hình thành nhu cầu, đáp ứng nhu cầu thì sẽ không bao giờ thành công.

Với kế hoạch hiện nay của Bộ VHTT&DL thì mới chỉ đang làm phần ngọn, trong khi phần xây dựng nhu cầu thì lại không được quan tâm, cũng giống như việc chúng ta có nhu cầu về cuộc sống sạch sẽ thì lúc đó trong lúc vệ sinh chúng ta mới không vứt rác ra đường. Nó cũng giống với việc, nếu như con người không muốn đọc sách thì có để sách ở khắp nơi cũng không ai đọc.

Đặc biệt, môi trường lao động hiện nay của chúng ta không khuyến khích con người tìm tòi, mà chỉ khuyến khích làm theo mệnh lệnh, như vậy thì làm sao con người cần tìm hiểu, nghiên cứu cái mới.

Tôi cho rằng mục đích nâng cao thói quen đọc sách trong cộng đồng là việc nên làm, thế nhưng, dự án thì chưa khả thi, bởi vì mua sách, xây dựng thư viện cũng tốt nhưng không giải quyết được vấn đề.

Xã hội phải thay đổi bản chất toàn diện

Theo tôi được biết, hiện nay hệ thống thư viện trên cả nước cũng đã gần như phủ khắp các xã, huyện, tỉnh thành, thế nhưng, trung bình một người Việt mỗi năm đọc chưa đến 1 cuốn sách. Trong khi, những dân tộc ham đọc sách mới là dân tộc phát triển như Nhật Bản, Irsarel, Đức, họ đều là những dân tộc ham đọc sách, họ chăm chú và dành thời gian làm việc trong thư viện rất lâu.

Hay nói ngay đến người Do Thái, họ rất chú trọng đến chuyện học hành và chữ nghĩa của con cái. Hầu hết những người Do Thái, dù là người Chính thống hay người Do Thái bình thường, đều dạy con cái rằng khi gặp nạn, vật đầu tiên và cũng là vật quý giá nhất mà người Do Thái đem theo đầu tiên đó chính là Cuốn kinh thánh, chứ không phải bất cứ vật dụng nào khác.

Nguồn: Báo Đất Việt