Ngày đăng : 25/01/2016

XUẤT BẢN & SÁNG TÁC: Khi tất cả trong một


Trong khi giới hoạt động xuất bản trong nước vẫn chưa ghi nhận được nhiều tín hiệu tích cực của thị trường sách điện tử, bất chấp mọi dự báo rất khả quan liên tục được đưa ra trong những năm gần đây, thì các cơ quan quản lý nhà nước cũng đang tiếp tục bối rối trước những vấn đề phát sinh từ việc “quản lý” sách điện tử - một đối tượng hoàn toàn mới mẻ.


Barner, Noble

“Tình trạng hỗn mang” hay “bối rối” là những từ ngữ được phương tiện truyền thông nhắc đến khi tổng kết các sự kiện chuyên môn gần đây liên quan đến thị trường và công tác quản lý sách điện tử. Thị trường xuất bản thật sự đang phải đối diện với các vấn đề của nó.

Tín hiệu từ thị trường

Thị trường xuất bản thế giới năm qua đang có những tín hiệu rất đáng lưu tâm đối với những ai quan tâm đến ngành xuất bản, trong đó có hai xu hướng có thể gọi là chủ đạo: (1) Số lượng sách điện tử bán ra tiếp tục tăng mạnh và (2) Các tác giả độc lập tự xuất bản ngày càng nhiều, với tốc độ tăng trưởng rất 
ấn tượng.

Công nghệ đang làm thay đổi ngành xuất bản, hẳn nhiên vậy. Sách giấy đang trên đà sa sút, thậm chí người ta còn nhắc đến hai chữ “diệt vong”. Khi mà tất cả mọi người, ở mọi nơi đều có thể sở hữu một thiết bị kết nối Internet và dùng để đọc sách dễ dàng thì chắc chắn ebook là phương tiện tốt nhất và rẻ nhất để tác giả gặp độc giả của mình.

Thế nhưng, vẫn có rất nhiều tin tức có vẻ như đi ngược lại với xu thế này, chẳng hạn trong năm qua Amazon chính thức mở cửa hàng bán sách offline hay Barnes Noble mở lại các cửa hàng bán sách truyền thống.

Ở Việt Nam, kết quả kinh doanh của các đơn vị phát hành sách điện tử như Tiki, Alezaa, Ybook... dẫu tăng trưởng nhưng chưa có gì gọi là khả quan về lâu dài. Trong lúc đó, các đơn vị xuất bản sách giấy truyền thống vẫn tiếp tục để lại những dấu ấn phát triển mạnh mẽ, trong số đó phải kể đến nhà xuất bản Trẻ, Nhã Nam, Trí Việt, Alpha Books, Đông A, Thái Hà Books và các nhà xuất bản có bề dày truyền thống khác.

Các dự án sách huy động vốn từ cộng đồng bắt đầu xuất hiện và đã có những thành công bước đầu, trong đó phải nhắc đến dự án truyện tranh lịch sử Long thần tướng đã ra đến tập thứ ba, và dự án xuất bản quyển Xứ Đông Dương (của Paul Doumer) của Alpha Books đã thu hút được sự chú ý của cộng đồng dẫu còn nhiều vấn đề về dịch thuật. Trong vòng hai năm qua đã có một số tác giả Việt Nam sử dụng các kênh tự xuất bản trực tuyến như Smashwords để phát hành tác phẩm của mình.

Những nhân tố nào khác đang tác động vào sự biến chuyển của ngành xuất bản, hay điều gì đang ẩn giấu bên dưới các con số thống kê và những thông tin chưa hẳn là thuận chiều nhau?


Amazon

Ranh giới mong manh giữa người đọc và người viết

Khi trước mặt người đọc không còn là những trang giấy mà là màn hình máy tính hay thiết bị di động được kết nối với Internet mọi lúc mọi nơi, giới chuyên môn cũng đang phải đặt ra câu hỏi: Liệu việc đọc có còn là một hành động cô đơn, trong đó người đọc chỉ đối diện với chính mình, hay đã trở thành một việc làm có tính xã hội hơn, người ta có thể vừa đọc vừa tương tác với các độc giả khác và với chính tác giả?

Cũng trong bối cảnh đó, một câu hỏi khác được đặt ra từ chiều ngược lại: Người đọc sẽ tham gia như thế nào vào quá trình hình thành tác phẩm? Việc đọc sẽ đóng góp như thế nào vào quá trình viết của tác giả khi hai bên có thể tương tác với nhau gần như tức thì?

Công ty xuất bản lớn Penguin Random House từng mở ra một dự án thử nghiệm có tên gọi Black Crown để cho người dùng, cũng là người đọc, cùng tham gia việc sáng tác một câu chuyện, được gọi là tiểu thuyết tương tác (interactive fiction).

Câu chuyện bắt đầu với một loạt câu hỏi để người đọc đưa ra các dự đoán của họ. Tác giả đứng đằng sau dự án này, Rob Sherman, phát biểu: “Chuyện này thật đáng sợ vì bạn phải từ bỏ quyền kiểm soát của mình và để cho người đọc có trải nghiệm khác với những gì bạn dự tính...

Tôi tin rằng tất cả tác giả phải chấp nhận là giờ đây người đọc sẽ tiếp nhận nội dung câu chuyện và vận dụng nó, biến nó thành của họ, cho dù bạn có cho họ quyền đó hay không. Và họ sẽ chia sẻ với người khác”.

Cuốn sách bán chạy Năm mươi sắc thái (50 shades of grey) cũng khởi nguồn và bắt đầu từ những người hâm mộ quyển Chạng vạng (Twilight): người hâm mộ tập hợp và đưa ra phản hồi trên một website chính thức trong quá trình các tác giả viết trên chính website đó, rồi mới được xuất bản chính thức.

Cách tiếp cận này thật ra không mới, bởi trước đây người ta đã có cơ hội chứng kiến sự phát triển của các “fan fiction”, tạm gọi là tác phẩm hư cấu do người hâm mộ viết, là kiểu câu chuyện được những người hâm mộ của một tác phẩm nào đó sáng tác tiếp theo hay dựa vào tác phẩm ban đầu. Khác chăng là giờ đây công nghệ và Internet đã cho phép cách làm này được nhân rộng hơn và với tốc độ nhanh hơn.

Chính Amazon đã nhận ra tiềm năng của tác phẩm hư cấu do người hâm mộ viết, vốn chưa thể thương mại hóa được do vấn đề bản quyền, và đã đưa ra thị trường một công cụ là Kindle Worlds, cho phép những người viết theo phương pháp này xuất bản và kiếm tiền từ các tác phẩm mà người hâm mộ viết nên.

Kindle Worlds về bản chất là một cộng đồng sáng tác rộng lớn, mỗi người có thể đóng góp vào đó phần của mình: có thể là một nhân vật, một trường đoạn hay một sự kiện, và tất cả các tác giả - đã được liên kết trong từng khu vực nội dung hay kiểu chủ đề - đều có quyền khai thác các chất liệu đó để làm nên câu chuyện của riêng họ và bán nó trên Amazon.

Tất nhiên, vẫn còn đó câu hỏi: có bao nhiêu độc giả muốn tham gia tiến trình sáng tác của tác giả, hay xét rộng hơn là có bao nhiêu độc giả muốn tương tác với tác giả trong khi họ đọc tác phẩm? Theo lẽ thường, phần đông người ta chỉ muốn chìm đắm vào thế giới giải trí của mình mà không phải vướng bận thêm bất cứ điều gì, cho nên chuyện người đọc tham gia tương tác có thể là chuyện không đáng để bàn đến.

Tuy nhiên, chính công nghệ đã buộc người đọc phải tham gia vào tiến trình tương tác giữa họ với tác giả, ngay cả khi họ không muốn, mà giới chuyên môn gọi đó là tham gia không chủ ý. Chẳng hạn, Amazon lặng lẽ thu thập các dữ liệu thông qua hệ thống Kindle và có thể tính toán chính xác cách mà độc giả đã đọc quyển sách: nhanh hay chậm, đoạn nào bị bỏ qua...

Xa hơn nữa, các tiến bộ của công nghệ đang dần dần cho phép nhận ra tâm trạng của người đọc, mức độ chú ý của họ đối với từng đoạn văn trong khi đọc, họ tập trung vào đâu trên màn hình, từ đó sẽ đưa ra các phân tích để biết người đọc gặp khó khăn ở điểm đoạn nào, thích thú ở đoạn nào và đoạn nào làm họ thấy nhàm chán. Như thế cũng có nghĩa là văn bản của câu chuyện có thể được tùy biến theo mức độ cảm nhận của 
người đọc.

Những tiền đề đó khiến người ta nghĩ đến những tình huống vô cùng thú vị, đó là những tác phẩm có nội dung được rẽ nhánh, có thể ngay trong phần giữa của tác phẩm, mà cũng có thể ở phần kết thúc: một tác phẩm lúc đó có thể có nhiều tuyến phát triển khác nhau và có nhiều kết thúc khác nhau, tùy vào độc giả của nó là những nhóm người như thế nào và họ mong chờ gì ở tác phẩm.

Tình huống tương tự hoàn toàn có thể xảy ra với các tác phẩm phi hư cấu (non-fiction): trong quá trình đọc tác phẩm, thông qua sự tương tác, mong đợi của độc giả được gửi đến tác giả và họ sẽ điều chỉnh luôn kiến thức mà tác phẩm cung cấp cho độc giả.


Smashwords

Sáng tác và xuất bản cùng lúc

Trong cục diện đang diễn ra và những gì đã được dự báo, chúng ta hoàn toàn có thể nhận ra được một xu thế rất rõ ràng: tiến trình sáng tác và tiến trình xuất bản ngày càng gắn bó, xoắn xuýt với nhau, và đến một lúc nào đó chúng sẽ thật sự không thể tách rời. Người ta sẽ sáng tác và xuất bản đồng thời.

Khi nhìn vấn đề từ góc nhìn đó, trong thực tế tại Việt Nam, chúng ta có thể đặt ra hai vấn đề. Đầu tiên là cơ sở hạ tầng phục vụ cho những thay đổi khó tránh khỏi của ngành xuất bản: Ai sẽ là người chủ xướng, sau đó là đầu tư và khuyến khích phát triển những hệ thống như Kindle Worlds?

Các nhà xuất bản hay các đơn vị xuất bản vẫn đóng vai trò đối tác liên kết trong thị trường sẽ có những bước đi tiên phong?

Thứ đến là các cơ quan quản lý nhà nước sẽ cần phải làm gì để đảm bảo một hành lang pháp lý phù hợp, không cản trở hay bóp nghẹt sự phát triển của ngành xuất bản trong nước, cho phép nó tiến kịp với bước tiến của thị trường thế giới.

Đây là một vấn đề thật sự mà những ai quan tâm đến thị trường xuất bản sẽ phải lưu tâm đặc biệt, và sẽ là vấn đề lớn bởi nó sẽ bắt buộc hệ thống quản lý xuất bản hầu như chỉ dựa vào hậu kiểm hiện nay phải thay đổi rất nhiều, nếu như không muốn nói là hoàn toàn.

Vũ Thái Hà
Nguồn: Tuổi Trẻ