Vũ dạ đàm là những dòng kể chuyện đêm mưa của Shibusawa Eiichi, khi ông cùng thân hữu kể lại cuộc đời của mình từ ngày thơ ấu đến khi treo ấn từ quan để dấn thân vào thương trường. Sinh ra vào giai đoạn cuối của thời đại Edo, trong một gia đình trồng dâu nuôi tằm tại Saitama, Shibusawa lúc nhỏ đã rất thông minh, ham học. Ông được Tokugawa Yoshinobu – tướng quân cuối cùng của thời Edo – tuyển vào cung làm gia sư cho công tử.
Sau này, ông được đi cùng công tử của tướng quân sang Pháp du học. Thời gian vừa học vừa dạy kèm tại Pháp đã mang đến cho ông nhiều quan sát và tri thức mới mẻ, những ưu điểm của một xã hội phương Tây tiên tiến. Ông đặc biệt quan tâm và dành nhiều tâm huyết nghiên cứu tổ chức và hoạt động của công ty cùng hệ thống ngân hàng.
Nhắc đến Shibusawa Eiichi là nhắc đến một bậc vĩ nhân, người được thế hệ sau tôn vinh là doanh nhân lập quốc vĩ đại của Nhật Bản Minh Trị, là “người cha của chủ nghĩa tư bản Nhật”. Nếu như Fukuzawa Yukichi (tác giả của tác phẩm “Khuyến học”) là người truyền bá văn minh khai sáng vào Nhật Bản để thức tỉnh dân tộc; thì Shibusawa là một trong những người dựng nước qua việc xây dựng nền kinh tế theo mô hình phương Tây tại Nhật Bản, là người góp công lớn làm nên thành công của cuộc canh tân Minh Trị 150 năm trước.
Đọc Vũ dạ đàm, chúng ta khởi đầu với một nước Nhật hoang tàn từ buổi đầu của cuộc Duy Tân, một mảnh đất trống không. Shibusawa – cũng như các nhà cải cách khác – không lập ra bất kỳ lý thuyết mới nào cả, mà nhanh chóng áp dụng nền kinh tế phương Tây vào Nhật Bản. Ông đã giúp khởi nghiệp – theo đúng nghĩa của từ này hôm nay – hàng trăm công ty tại Nhật Bản, thời điểm 150 năm trước.
Shibusawa còn là một trong những người đầu tiên đặt nặng vấn đề đạo đức trong kinh doanh, chủ trương nhà kinh doanh phải là người yêu nước và phải dùng năng lực để cải tiến xã hội, góp phần vào việc xây dựng đất nước và làm cho đồng bào mình được no ấm. Mục đích tối hậu của ông không phải làm giàu mà cho lý tưởng xây dựng quốc gia, lan tỏa tri thức và những cách làm ăn mới khắp cả nước một cách thuyết phục để quốc gia cùng thắng lợi. Một dân tộc có những kỳ vọng vĩ đại phải có những người con vĩ đại để thực hiện và trung thành một cách gương mẫu với lợi ích tối thượng của quốc gia. Shibusawa xuất hiện đúng lúc lịch sử yêu cầu. Ông không những thành lập công ty mà còn gây dựng cả quốc gia.
Những đúc kết trong Vũ dạ đàm vẫn còn mang tính thiết thực và thời sự trong thời đại ngày nay, đặc biệt là với những quốc gia Á Đông với nền kinh tế đang phát triển, đòi hỏi những chiến lược và quyết sách quan trọng để vừa xây dựng một nền kinh tế phồn thịnh, vừa có những đóng góp tích cực vào đời sống tinh thần của mỗi cá nhân.
Vũ Dạ Đàm – Tự truyện Shibusawa Eiichi đã được vinh dự trao giải Sách Hay 2020, hạng mục Phát hiện mới. Đại diện Hội đồng tuyển chọn trao giải, TS. Quách Thu Nguyệt nêu nhận xét rằng “Tác phẩm truyền cảm hứng mạnh mẽ cho các độc giả Việt Nam giữa lúc tinh thần doanh nhân đang cần làn gió mới, mạnh mẽ và trong lành”.
Nguồn: Doanh nhân Sài Gòn