Sản phẩm của nhóm các chuyên gia nghiên cứu độc lập đến từ bốn cơ quan nghiên cứu và tư vấn kinh tế có uy tín tại Hà Nội - Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM), Viện Kinh tế Việt Nam (VIE), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), và Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) thuộc trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội - và từ một số cơ quan nghiên cứu khác. Nguồn tài chính cho Báo cáo được tài trợ bởi Viện Friedrich Naumman Vietnam.
Một trong những đồng thuận quan trọng nhất về mặt tư tưởng tại Việt Nam giữa những nhà làm chính sách, giới chuyên gia, và những người hoạt động thực tiễn trong những năm vừa qua là về vai trò của nền kinh tế thị trường trong đời sống kinh tế và xã hội. Khác với thái độ thù ghét và bài bác trong quá khứ, từ thực tiễn của 30 năm Đổi mới, kinh tế thị trường giờ đây được Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) chính thức công nhận như là động lực chính để thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế và xã hội.
Nhưng dường như sự thừa nhận về vai trò của nền kinh tế thị trường tại Việt Nam hiện nay vẫn có vẻ miễn cưỡng. Nó được chấp nhận chỉ sau khi mọi thử nghiệm về các mô hình kinh tế mang màu sắc kế hoạch hóa tập trung hoặc coi kinh tế tập thể/kinh tế nhà nước làm chủ đạo bị thất bại. Và bởi vì có tính miễn cưỡng nên rất có thể trong tương lai không xa, vai trò của kinh tế thị trường tại Việt Nam sẽ lại bị bài bác như đã từng xảy ra trong quá khứ. Vì lẽ đó, khi cơ chế thị trường đã có dấu hiệu được thừa nhận ở Việt Nam trong một vài năm gần đây, ngay cả khi miễn cưỡng đi chăng nữa, thì trách nhiệm của những người hiểu rõ tầm quan trọng của nó đối với sự thịnh vượng lâu bền của quốc gia dân tộc là phải thúc đẩy việc tạo ra những thể chế chính thức (formal institutions) đóng vai trò không chỉ như là những chốt chặn để bảo vệ nó mà còn là bệ đỡ để nó có cơ hội tỏa sáng. Chỉ khi cơ chế thị trường tự do được lựa chọn một cách duy lý chứ không phải tình cờ, được bảo vệ và được tạo cơ hội để phát huy sức mạnh của mình, và nếu như sau một loạt hành động có tính duy lý đó, nền kinh tế và xã hội Việt Nam đạt được những thành tựu phát triển bứt phá, thì nó mới thực sự có cơ hội trường tồn tại Việt Nam.
Báo cáo này nhằm cung cấp cơ sở lý thuyết cũng như kinh nghiệm thực tiễn của nhiều quốc gia trên thế giới để giúp Việt Nam có thể lựa chọn được một cách duy lý những thể chế chính thức cơ bản như vậy. Những thể chế này góp phần hình thành cái gọi là nhà nước kiến tạo phát triển, tức giúp Nhà nước Việt Nam thay đổi chức năng của mình trong quan hệ với thị trường, từ vị thế điều hành trực tiếp, bằng mệnh lệnh hành chính, các hoạt động kinh tế sang vị thế kiến tạo một môi trường phù hợp để nuôi dưỡng thị trường phát huy được hết sức mạnh của mình.