Trong giai đoạn từ năm 1949-1969, nền kinh tế Tây Đức tan nát sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, đất nước chia cắt còn người dân thì rơi vào cảnh khốn cùng, bế tắc. “Trầm cảm tập thể” là tình cảnh mà tác giả Tôn Thất Thông gọi Tây Đức lúc bấy giờ. Vậy làm thế nào một đất nước rệu rã sau thế chiến có thể vực dậy và đứng lên mạnh mẽ trên đôi chân của chính mình?
Tác phẩm Thần kỳ kinh tế Tây Đức là tất cả tinh hoa kiến thức mà tác giả Tôn Thất Thông đã quan sát và ghi nhận lại trong thời gian sống và làm việc ở CHLB Đức. Xuyên suốt quyển sách là những lý giải của ông về hai thập niên lịch sử với những thay đổi thần kỳ về kinh tế của Tây Đức.
Đầu năm 1945, khi tiếng súng vừa tắt và bom đạn ngưng dội xuống, mỗi thành phố ở Tây Đức là một đống gạch ngói hoang tàn đổ nát. Lúc ấy không ai nghĩ rằng Đức - quốc gia bại trận thời bấy giờ cùng một khoản nợ đền bù chiến tranh khổng lồ - có thể vươn lên trở lại ngang bằng, chứ chưa nói tới cao hơn các nước chung quanh. Thế nhưng họ đã đạt được giấc mơ sau một thời gian rất ngắn. Khách quan nhận xét, thành công đó là một sự thần kỳ và sự phát triển kinh tế vũ bão hậu chiến của Tây Đức xứng đáng được thế giới tặng danh hiệu "Thần kỳ kinh tế".
Nhưng chúng ta cắt nghĩa thế nào về sự phát triển kỳ lạ đó? Tác giả Tôn Thất Thông cung cấp cho độc giả những chất liệu cần thiết để tìm câu trả lời. Trong đó,mô hình kinh tế thị trường xã hộilà một công thức hòa giải giữa nguyên lý tự do trên thị trường và nguyên lý cân bằng xã hội trong một khung trật tự được nhà nước xây dựng và bảo vệ. Công thức hòa giải ấy có khả năng kết hợp hài hòa giữa lý tưởng bình đẳng, tự do con người và tăng trưởng kinh tế trong một thế cân bằng hợp lý.
Tác phẩm Thần kỳ kinh tế Tây Đức tuy có cái tên không mấy gần gũi đối với độc giả Việt Nam, vì không viết về các đề tài thời thượng như chuyển đổi số, kinh tế số, toàn cầu hóa,… hay chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đang được chúng ta và cả thế giới quan tâm. Thế nhưng, giá trị của quyển sách mang lại là sự quán chiếu đối với nền kinh tế Việt Nam. Bài học sâu sắc mà tác giả Tôn Thất Thông gửi gắm qua quyển sách là bài học lớn cho Việt Nam - đất nước cũng từng trải qua chiến tranh và vẫn đang từng ngày mưu cầu sự phát triển.
Thần kỳ kinh tế Tây Đức (giai đoạn 1949-1969): Lịch sử - Lý thuyết - Chính sách đã vinh dự đạt giải Sách hay 2020, hạng mục Kinh tế.
Nguồn: Doanh nhân Sài Gòn