Sự Giàu và Nghèo của các Dân tộc

Sự Giàu và Nghèo của các Dân tộc

Dịch giả: Sơn Phạm & Vũ Hoàng Linh

Tác giả: Davis S. Landes

Trong "Sự giàu và nghèo của các dân tộc", tác giả David S. Lands cho rằng các quốc gia phát triển nhờ chú trọng văn hóa và xã hội.

Bản dịch cuốn sách ra mắt hồi tháng 5, được trao giải Sách Hay 2020 (hạng mục Kinh tế). David S. Lands phân tích các quốc gia phát triển qua cách mạng công nghiệp - điều được duy trì nhờ các giá trị xã hội. Để cách mạng công nghiệp diễn ra thành công, nước Anh chú trọng ý thức đoàn kết dân tộc. Xã hội ở quốc gia này đề cao con người có năng lực cạnh tranh, chú trọng truyền dạy kiến thức, kinh nghiệm. Ngoài ra, người có công trạng sẽ được thưởng, người đủ chuyên môn được công nhận. Thêm vào đó, những thành viên của xã hội không chỉ kiếm tiền mà còn có biết sử dụng tiền. Họ năng nổ lao độngcó những phẩm chất như kiên nhẫn, trung thực, cầu tiến. Ông cho rằng đạo đức lao động Tin Lành (Protestant work ethic) - chú trọng kỷ luật, sự thận trọng và chăm chỉ, cần được áp dụng vào công việc. Từ đó, con người tự hoàn thiện, nâng cao chất lượng sống, dẫn đến sự phát triển lành mạnh của xã hội.

Tác giả so sánh Anh và Trung Quốc có lợi thế ban đầu giống nhau như kiến thức khoa học, kỹ thuật, nguồn khoáng sản, nhưng đất nước châu Âu vượt trội nhờ phát triển xã hội "mở" - khuyến khích giao thương, chấp nhận rủi ro để đầu tư, và chuộng sự đổi mới. Vì thế, nước Anh trờ thành "cái nôi" của cách mạng công nghiệp, để lại ảnh hưởng sâu sắc với các quốc gia theo sau

Theo fee.org, các quốc gia còn trở nên giàu có nhờ nền kinh tế thị trường phát triển, nên có thể vượt qua cảnh đói nghèo, Loại hình kinh tế này không có sự can thiệp của chính phủ, người dân được tự do kinh doanh, nên thúc đẩy xã hội phát triển nhanh. Thiên nhiên phân bổ khác biệt, một số nơi có lợi thế hơn về khí hậu và nguồn khoáng sản, giúp phát triển xã hội nhanh hơn. Tuy nhiên, về lâu dài, các quốc gia đã giàu có dễ gặp biến cố. Tác giả phân tích là vì con người nhận thấy tiền bạc đến dễ dàng, nên không có động lực làm việc, hay biết cách sử dụng tiền hợp lý. Quốc gia ở Trung Đông vì hoàn toàn phụ thuộc vào dầu mỏ, nên trong tương lai, kinh tế sẽ dần kiệt quệ, và con người thụt lùi vì phung phí loại khoáng sản có hạn này.

Sách gợi ý những nước khác có thể học theo Anh, và tận dụng tài nguyên thiên nhiên, ý tưởng kinh tế sáng tạo từ người dân để tìm thấy sức mạnh từ bên trong. Ngoài ra, xã hội cần đề cao tính kỷ luật, bỏ qua những thỏa mãn hiện tại để đạt được lợi ích dài lâu trong tương lai. Kiến thức trong tác phẩm trải dài từ đế chế Aztec ở châu Mỹ thế kỷ 16 đến Cộng hòa Dân chủ Congo vào những năm từ 1971 đến 1997 - lấy tên là Zaire. Theo revue-quartmonde, David Landes nhấn mạnh vai trò của các nước phương Tây trong cơ chế vận hành của nền kinh tế thế giới, và củng cố luận điểm của ông bằng ví dụ về Anh, Mỹ, Đức.

| THÔNG TIN TÁC GIẢ |  

David Saul Landes, sinh năm 1924, mất năm 2013 ở tuổi 89. Ông là giáo sư lịch sử và kinh tế học tại Harvard trong hơn 40 năm. Lúc 34 tuổi, ông viết cuốn sách đầu tay Bankers and Pashas: International Finance and Economic Imperialism in Egypt - kể cuộc bàn luận của những nhà cầm quyền Ai Cập về nền tài chính quốc tế vào giữa thế kỷ 19. Sau đó, tác giả viết The Unbound Prometheus (1969) - một nghiên cứu về sự phát triển công nghiệp ở Tây Âu. Năm 1983, trong Revolution of Time, ông nhắc đến lịch sử phát triển của đồng hồ, gửi gắm các triết lý về nhân loại trong quá trình thích nghi với các phát minh công nghệ. Sự giàu và nghèo của các dân tộc (The Wealth and Poverty of Nations) ra đời năm 1998, được Nytimes đánh giá là quyển sách có ảnh hưởng nhất của tác giả. Tác phẩm cuối cùng của ông - Dynasties - phân tích mặt lợi và hại của những gia tộc doanh nhân, xuất bản năm 2007.

Nguồn: VnExpress