ĐẠI HỌC - Định chế giáo dục cao thay đổi thế giới - Từ Trung cổ đến Hiện đại

ĐẠI HỌC - Định chế giáo dục cao thay đổi thế giới - Từ Trung cổ đến Hiện đại

Tác giả: Nguyễn Xuân Xanh

Không thể giải thích nền văn minh phương Tây mà không giải mã vai trò của đại học và ảnh hưởng của định chế giáo dục này.

Đại học - Định chế giáo dục cao thay đổi thế giới là quyển sách nói về lịch sử 900 năm của định chế giáo dục xuất hiện tại châu Âu Trung cổ thế kỷ 12 và tồn tại đến nay. Sách gồm ba phần: Lịch sử đại học. Tư liệu lịch sử và Tiểu luận, đề cập về những kinh nghiệm và thay đổi của đại học từ Tây sang Đông, trải qua hai giai đoạn chính: Trung cổ trung kỳ thế kỷ 12 và 13, và đầu thế kỷ 19. Tác phẩm giúp người đọc hiểu những nguyên lý hoạt động, sứ mệnh của đại học để tạo ra một quốc gia giàu mạnh như những nhà cải cách Nhật Bản Minh Trị 150 năm trước mong muốn.

Đại học là một định chế giáo dục cao bền vững phát triển tri thức của châu Âu Kitô giáo Trung cổ, một hiện tượng đặc thù không nền văn minh nào khác có, đánh dấu sự thức tỉnh tinh thần của một nền văn minh mới của thế giới sau đêm dài một nghìn năm vắng bóng học thuật. Đại học tiếp nối truyền thống trí thức Hy Lạp cổ đại, đưa tư duy logic, khoa học trở lại con người một cách hệ thống và, một cách không ý thức, làm bệ phóng tinh thần cho khoa học hiện đại phát triển. Đại học Trung cổ, rồi Đại học Đức thế kỷ 19, là những cải tiến then chốt của lịch sử có tác động quyết liệt lên sự định hình nền văn minh phương Tây và thế giới.

Không thể giải thích nền văn minh phương Tây mà không giải mã được vai trò của đại học và ảnh hưởng của nó. Cũng như không ai có thể xây dựng được một quốc gia giàu mạnh mà không có hệ thống đại học phát triển - một chân lý đã trở thành hiển nhiên. Đại học Đức thế kỷ 19, và Đại học Mỹ nửa sau thế kỷ 20 là hai minh họa rõ ràng nhất.

Châu Âu Trung cổ mong muốn có một đức tin đượm màu lý tính (rational). Sau khi học xong bảy môn khai phóng, sinh viên thi bằng cử nhân, rồi sau đó có thể học tiếp một ngành cao cấp như y khoa, thần học hay luật học, là những ngành phục vụ cho xã hội, nhà thờ hay nhà nước lúc bấy giờ. Tri thức và người trí thức bắt đầu có vai trò quan trọng trong xã hội, một giai tầng xã hội phục vụ bằng tài năng trí tuệ của mình. Đó là điều rất mới. Giáo dục không phải chỉ thuần phục vụ cho một mục đích duy nhất là đức tin, mà nhằm trước nhất dạy cho con người biết tư duy logic, tư duy phản biện, tìm tòi chân lý, yêu và đấu tranh cho chân lý, và có nhân sinh quan vượt khỏi những mối quan tâm của đời thường, biết nhìn lên bầu trời rộng lớn là tác phẩm vĩ đại của Thiên Chúa.

Điều kỳ diệu là trong lòng các xã hội rất mộ đạo và tôn giáo giữ vai trò độc tôn lại nảy sinh ra nền khoa học hiện đại cho thế giới, ngược với một số tín điều của tôn giáo. Năm 1687 tác phẩm vĩ đại Principia, những nguyên lý toán học của Triết học tự nhiên (tức khoa học), ra đời đánh dấu cuộc cách mạng khoa học và thiết lập vĩnh cửu vương quốc của khoa học hiện đại và lý tính mà ảnh hưởng của nó ngày càng to lớn lên toàn bộ xã hội và dòng chảy lịch sử. Khoa học trở thành một "tôn giáo thế tục" và có sức thu hút càng mãnh liệt so với thời Trung cổ.

Với cuộc cách mạng khoa học, đại học mất dần uy tín, không còn là trung tâm học thuật như trước nữa. Thêm vào đó, cuộc cách mạng công nghiệp diễn ra mạnh mẽ ở Anh quốc làm cho những ngành kỹ thuật ứng dụng trở thành trọng tâm của tri thức. Đại học bắt đầu suy tàn cuối thế kỷ 18. Nhưng đại học không thể chết.

Đầu thế kỷ 19, người Đức đã cứu đại học bằng một mô hình đại học mới có tính cách mạng, có ảnh hưởng lên toàn thế giới, kéo dài cho đến hôm nay: Đó là đại học nghiên cứu và khám phá khoa học mà Đại học Berlin là hoa tiêu, được thành lập năm 1810.

Điều gì đã thúc đẩy người Đức xây dựng một đại học như thế? Đó là cuộc thất trận chua cay của Phổ (tiền thân của Đức) trước Napoleon năm 1806. Phổ là một nước mạnh về quân sự, từng đánh nam dẹp bắc, nhưng về chính trị và khoa học, kinh tế rất lạc hậu. Người Đức có tiềm năng con người xuất chúng nhưng chưa có nền khoa học quốc gia xuất chúng tương ứng. Trước tình hình đen tối, Vua quan Phổ và giới tinh hoa muốn thành lập một đại học mới nhằm "lấy sức mạnh tinh thần để bù đắp những tổn thất vật chất". Nhà văn hóa Humboldt là người được giới lãnh đạo giao cho nhiệm vụ quan trọng này.

Các nhà triết học Đức lúc đó rất nhiều ảnh hưởng đều cho rằng, nhà khoa học của đại học phải là nhà nghiên cứu để khám phá ra cái mới, chứ không thuần giảng dạy những chân lý cũ. Đại học phải là trung tâm đổi mới sáng tạo. Có như thế thì khoa học mới phát triển và đem lại "sức mạnh tinh thần" cho quốc gia như đang chờ đợi. Người thầy phải là một nhà khám phá, và hướng dẫn sinh viên ưu tú đi đến những chân trời mới của khoa học. Nghiên cứu khoa học trở thành một mệnh lệnh. Để có khám phá, đại học cần có tự chủ, hay tự do học thuật. Nhà nước cần hiểu điều đó để không làm cản trở công việc khoa học.

Nhưng còn một lý do nữa khiến đại học cần phải là đại học nghiên cứu. Trước đại học Berlin 20 năm, đại văn hào Friedrich Schiller cho rằng nghiên cứu khám phá cái mới phải là mệnh lệnh đạo đức của thế hệ hiện tại đối với sự tồn vong của quốc gia và cả nhân loại. Đó là trách nhiệm đối với quốc gia, và đối với lịch sử nhân loại, là sự trả ơn lại cho những gì các thế hệ hôm nay đâ nhận từ các thế hệ quá khứ.

Tự do học thuật và tự chủ là điều kiện quan trọng để cho đại học nghiên cứu phát triển. Đó là di sản của mô hình Đức. Chỉ trong vài thập niên, nền khoa học Đức hồi sinh, tạo nên tên tuổi. Đại học Đức dần dần chiếm trọn trái tim của những nhà giáo dục đại học thế giới. Người Mỹ khen đại học Đức là "tự do nhất hành tinh". Điều đó diễn ra trên phần đất quân chủ lập hiến, nơi cuộc cách mạng dân chủ 1848 thất bại.

Vào những thập niên cuối thế kỷ 19, một loạt đại học hàng đầu Mỹ tiếp thu mô hình đại học nghiên cứu Đức rất nồng nhiệt, mở ra các chứng chỉ thạc sĩ, tiến sĩ sau cử nhân. Người Mỹ, hơn ai hết sau người Đức, biết nuôi dưỡng đại học nghiên cứu theo tinh thần của "Phúc âm" mới, để cuối cùng Phúc âm sinh ra Phúc lợi, hơn cả mọi sự chờ đợi, điều cũng đã được Humboldt tiên liệu.

Nhưng rực rỡ nhất là sự phát triển trong giai đoạn sau Thế chiến thứ hai, với bản kiến nghị mang tính chiến lược của vị cố vấn khoa học Vannevar Bush có tầm nhìn đệ trình cho tổng thống Truman, theo đó nghiên cứu khoa học cơ bản có vai trò hàng đầu trong việc phát triển sự phồn vinh và quốc phòng quốc gia, và phải được thực hiện tại các đại học nghiên cứu Mỹ, điều hoàn toàn phù hợp với tinh thần đại học nghiên cứu Humboldt, giúp cho Mỹ nhanh chóng trở thành bá chủ về khoa học và học thuật sau đó. Thung lũng Silicon không hình dung được nếu không có Đại học Stanford gần đó luôn luôn đồng hành và cung cấp nguồn nhân lực.

Nói tóm lại, đại học nghiên cứu ngày nay trở thành những động cơ thúc đẩy kinh tế, tạo ra khoa học công nghệ mới, đào tạo giới lãnh đạo trong mọi lãnh vực, và đổi mới văn hóa. Đó là nguồn nguyên khí quốc gia. Đó là những định chế trồng người. Châu Á đang thức tỉnh toàn diện để tìm lại mình và đầu tư mạnh mẽ để biến các đại học tinh hoa của mình thành đại học đẳng cấp thế giới, theo kịp với phương Tây.

Nguyễn Xuân Xanh

Nguồn: VnExpress

 

| NHẬN XÉT VỀ TÁC PHẨM |

"Cuốn sách được biên soạn rất công phu. Nó cho chúng ta một cái nhìn toàn diên về nguồn gốc và sự phát triển của các đại học trên thế giới, với trọng tâm đại học ở phương Tây từ thời Trung cổ đến nay. Đặc biệt, những đóng góp quan trọng của nước Đức vào mô hình đại học hiện đại được mô tả rất chi tiết. Cuốn sách ra đời đúng khi việc chấn hưng giáo dục đại học trở thành một vấn đề nóng hổi ở Việt Nam" (Đàm Thanh Sơn - Giáo sư Vật lý Đại học Chicago, Giải Vật lý Dirac 2018)

"Sách là tấm gương soi cho tất cả những ai lo lắng đến tiền đồ của dân tộc nhìn vào và suy nghĩ lại về nền đại học Việt Nam. Hoặc chúng ta có đại học, và đại học đó phải theo những chuẩn mực của đại học phương Tây, như được trình bày ở đây, để phụng sự nền kinh tế trí thức. Hoặc chúng ta không có, và cam chịu sự lạc hậu về tinh thần, kinh tế và quốc phòng mãi mãi" (VÕ TÁ HÂN - Chuyên gia kinh tế).