Do bận công việc ở Huế, nữ tác giả không dự lễ. Chị gửi đến ban tổ chức lá thư nói lên cảm xúc, trong đó có đoạn:
"Tôi vô cùng hạnh phúc khi nhận giải Sách Hay. Tôi vinh dự vì đây là giải thưởng uy tín, trong những năm qua đã có những tác động tích cực đến xu hướng đọc, viết dịch và làm sách tiến bộ.... Khi chọn thể loại tiểu thuyết lịch sử để gieo trồng trên cánh đồng của mình, với những hạt giống tư liệu và ý tưởng tôi có từ nơi mình sinh ra, mục đích của tôi đơn giản chỉ để không bị đứt rễ với quê hương. Từ Dụ Thái hậu là một hình ảnh đẹp đã ghi dấu ấn trong chính sử và thơ ca dân gian. Chính sử ghi lại cuộc sống giản dị, cần kiệm của bà khi ở ngôi vị quốc mẫu. Còn thơ ca dân gian Huế luôn nhắc lại chuyện một bà hoàng không quản ngại đứng lên đòi thực dân Pháp phải giảm những sắc thuế bóc lột. Từ Dụ Thái hậu cho đến bây giờ vẫn mang những ý nghĩa làm cho ta phải xúc động và suy nghĩ...
... Tôi viết về những sóng gió cung đình trong thời của bà qua đó vẽ lên cuộc xung đột mất còn giữa tham vọng quyền lực và những giá trị nhân văn. Đó cũng là câu chuyện về khúc khải hoàn dành cho tình yêu, sự chính trực, lòng can đảm, bản lĩnh sống và những phẩm giá của con người...".
Trong bộ sách gồm hai quyển thượng và hạ, tác giả chọn hậu cung làm nền cho câu chuyện về cuộc đời bà hoàng lừng danh trong sử Việt, bà Phạm Thị Hằng, vợ vua Thiệu Trị, mẹ của vua Tự Đức, sau trở thành hoàng thái hậu Từ Dụ. Thời gian tác phẩm trải dài 30 năm, qua ba triều vua Nguyễn: Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, từ lúc Phạm Thị Hằng 13 tuổi theo cha ở phương Nam về kinh đô, chịu bao thăng trầm dâu bể rồi trở thành người đứng đầu hậu cung.
Theo Tạp chí Sông Hương, ngoài trục trung tâm xoay quanh nhân vật Phạm Thị Hằng, tiểu thuyết mở rộng biên độ với các nhân vật tương ứng mối quan hệ quân thần, huynh đệ, với những âm mưu thủ đoạn mang tính chính trị đương thời. Những yêu ghét, hận thù, toan tính, thủ đoạn cùng tồn tại trong bối cảnh hậu cung, được hóa giải bằng tình yêu, lòng từ bi, nổi bật là hình tượng Từ Dụ thái hậu - người phụ nữ ở trung tâm quyền lực triều Nguyễn.
Trần Thùy Mai có quan điểm rõ ràng khi viết tiểu thuyết, tiếp cận lịch sử dung hòa hai thái cực. Thái cực thứ nhất, như đại văn hào Pháp Alexandre Dumas từng quan niệm: "Lịch sử chỉ là cái đinh mà tôi treo bức tranh của tôi trên đó". Thái cực thứ hai, ngược lại, là hư cấu, dã sử đến mức cực hạn, tưởng tượng hầu hết yếu tố về nhân vật, sự kiện.
Nhà văn Nguyên Ngọc nhận xét: "Dưới ngòi bút thật chín muồi của Trần Thùy Mai, chúng ta không chỉ có được chân dung đậm nét về một người đàn bà đặc sắc và hết sức độc đáo của lịch sử, mà còn cả một bức tranh triều chính và chừng nào đó cả xã hội thật sinh động".
Còn nhà văn Nhật Chiêu - thành viên hội đồng chấm giải - cho rằng với lối viết trung dung, tác phẩm của Trần Thùy Mai có sức hấp dẫn riêng, công phu, xứng đáng nằm trong số tiểu thuyết lịch sử hay. Ông hy vọng bạn đọc, nhất là người trẻ, tìm đến tác phẩm để được truyền thêm cảm hứng về học sử nước nhà.
| THÔNG TIN TÁC GIẢ |
Nhà văn Trần Thùy Mai sinh năm 1954, tại Hội An, Quảng Nam, quê quán ở làng An Ninh Thượng, xã Hương Long, huyện Hương Trà, nay là phường Hương Long, thành phố Huế. Hơn 35 năm cầm bút, nữ văn sĩ có hàng trăm truyện ngắn được nhiều thế hệ bạn đọc yêu mến, như: Gió thiên đường, Thập tự hoa, Quỷ trong trăng, Thương nhớ Hoàng Lan, Mưa đời sau, Người bán linh hồn, Trăng nơi đáy giếng, Thị trấn hoa quỳ vàng... Nhiều tác phẩm của chị được dịch sang tiếng Anh, Pháp, Nhật... Chị cũng viết nhiều về đề tài và nhân vật lịch sử, nhất là nhân vật nữ trong lịch sử triều Nguyễn.
Nguồn: VnExpress