Bộ 3 tác phẩm truyện gồm: Mật đạo; Ngẫu tượng, Nghiệp chướng
Bộ 3 tác phẩm truyện gồm: Mật đạo; Ngẫu tượng, Nghiệp chướng Sách đạt Giải Sách Hay 2022 - Hạng mục PHÁT HIỆN MỚI - Thể loại sách viết (tác phẩm)

Bộ 3 tác phẩm truyện gồm: Mật đạo; Ngẫu tượng, Nghiệp chướng

Tác giả: Lưu Vĩ Lân

MẬT ĐẠO

Đây là câu chuyện về một người đàn ông, từ năm 1943, lúc vừa tròn ba mươi tuổi, đã trở về vùng núi rừng Quảng Trị (nơi cũng là quê nội của mình) để đầu tư khai phá một loạt các đồn điền, trang trại. Ông cũng chọn một mảnh đất hình thành bởi đồi Trầm, đồi Mây và đồi Gió (tục gọi là Ba Đồi) để xây căn nhà yêu quý của mình.

Cuộc đời của ông - hay cuộc tìm kiếm ý nghĩa cuộc đời - nằm giữa những biến thiên của lịch sử đã hằn dấu lên vùng đất này. Nó khởi phát từ những truyền thuyết thuở vua Hàm Nghi dời đô ra Quảng Trị ban chiếu Cần Vương chống Pháp (1885), tiếp đến ngày chia đôi đất nước (1954) và kết thúc ở mười ngày sau cùng trước Tết Mậu Thân 1968, khi chiến dịch quân sự lịch sử Đường 9 -Khe Sanh khai pháo, chuẩn bị cho cuộc tổng tấn công Mậu Thân diễn ra vào nửa đêm ngày 29 rạng sáng 30/1/1968 (tức giao thừa Tết Mậu Thân).

Tất cả nhân vật, tên tuổi, câu chuyện, địa danh Ba Đồi đều là hư cấu, nhưng mạch chuyện thì bám theo diễn biến thật của lịch sử, cũng như địa danh, địa lý thật của vùng đất huyền thoại này.

| TRÍCH DẪN HAY |

Ông Lam gặp ông già núi vào cuối mùa đông 1926 khi cùng cha rảo bước trên đồi Trầm... Đó là một hình hài bạc trắng từ tóc, râu đến cả lông mày trên nền của một nước da màu đồng thau: nó đỏ sắc lại. Mọi cái đều vô hồn kể cả đôi mắt. Duy chỉ có cái dáng ngồi trên một phiến đá tháp, nghiêng người chống tay lên phiến đá cao, tựa cằm bất động như một pho tượng là vô vùng uy nghi. Cái pho tượng ấy như một bóng ma giữa ban ngày, câm nín nhìn về hướng núi chẳng quan tâm đến điều gì chung quanh...

... Đến đứng cạnh ông già, cùng nhìn về hướng núi xa xăm và thung lũng sông Cam Lộ đang ầm ầm chảy bên dưới, cha ông lẩm bẩm: “Phải giữ cửa rừng, giữ cửa đi vào núi mẹ. Phải luôn đốt khói buổi chiều để người biết đường mà ra. Phải mãi là cột khói hiệu như Đức Ngài đã ban!”. Ông Lam đứng như trời trồng giữa cái không khí có phần ma quái này. Đám khói lam cha ông vừa đốt lúc nãy bốc cao thẳng tắp vì gió rất nhẹ, cha ông thì như nhập đồng nói lẩm bẩm những điều hư thực với trống không, trong khi bức tượng người bên cạnh thì càng lúc càng như hóa đá, nó cứng lại, đông cứng lại, co rút lại trước từng lời đều đều từ miệng của cha ông. Tất cả như một nghi thức thần bí choáng hết cơ thể, ông Lam như bị nghẹn lại, cứng đờ ra, nhưng trí tuệ, cảm giác thì trong sáng lạ thường.

NGẪU TƯỢNG

Câu chuyện là tự thuật của một cá nhân về những ngày tháng 3 và tháng 4 năm 1975 ở Huế, Đà Nẵng. Cuộc “triệt thoái” hay tháo chạy của quân đội VNCH khỏi Vùng 1 trước sức tấn công của Quân Giải phóng, mở đầu cho cuộc sụp đổ hoàn toàn của quân lực Sài Gòn, đi đến hoàn tất cuộc chiến tranh thống nhất Việt Nam ngày 30/04/1975. Dựa vào các diễn tiến của lịch sử nhưng tình tiết câu chuyện cũng như nhân vật trong sách đều là hư cấu.

Trong "Ngẫu tượng", người đọc được gặp lại Dũng - đã là một chuẩn tướng - trong những ngày nghiệt ngã nhất đời chiến binh: chính thể mà anh phụng sự, đội quân mà anh khoác áo tan rã, cũng là ngày mà đất nước, Tổ quốc của anh trở lại vẹn nguyên.

Chọn ngôi thứ nhất "mình" cho cuốn tiểu thuyết mới, tác giả Lưu Vĩ Lân hóa thân vào chuẩn tướng Dũng, quan sát, phân tích bảng phân vai viên tướng bại trận mà cuộc đời giao cho anh. Dũng tự nhủ với mình: tướng trước hết phải là một người lính thật, biết sống chết cùng binh sĩ, phải là người dẫn đường, người quyết định, biết thành công, biết thất bại, biết đối diện, biết cô đơn.

Và Dũng thấy trước mắt mình "Cái khối núi cứ tưởng vĩnh cửu rã dần từng mảng như một miếng bánh mì ngâm nước, như một trò chơi trên bãi biể". Cố gắng giữ gìn tư thế và tư cách để bộ quân phục không bị hoen ố, hoa mai trên cầu vai không bị sỉ nhục, nhưng những loạn lạc anh phải trải nghiệm đã khiến Dũng cay đắng nhận rõ: "Những thứ mình từng tôn thờ thật ra là bốc phét hết, giả hế".

Cuộc chiến tranh nào giữa những người "giống hệt nhau từ mặt mũi, tiếng nói, cách xử sự, khát khao, đùa giỡn"? Vậy nhưng máu thịt đổ xuống lại là thật. Ngẫu tượng. Thì ra chỉ là ngẫu tượng.

Hóa thân vào những nhân vật đã đi xuyên cuộc chiến và viết, Lưu Vĩ Lân nói anh chỉ muốn những độc giả trẻ của mình biết hòa bình đã có giá như thế nào, và cội nguồn sức mạnh của dân tộc này thật sự là ở đâu

NGHIỆP CHƯỚNG

Nghiệp Chướng là một câu chuyện độc lập nhưng nằm trong một mạch chuyện gồm ba tác phẩm: MẬT ĐẠO - NGẪU TƯỢNG - NGHIỆP CHƯỚNG, theo dạng thức của một trilogy (tác phẩm bộ ba), trong đó trình bày câu chuyện làm ăn của nhóm GIA ĐÌNH trải qua 3 giai đoạn của lịch sử đương đại nước nhà.

GIA ĐÌNH là một nhóm các nhà tư sản dân tộc Việt, gồm sáu anh em: bác Hai, cô Ba Lệ Hoa, bác Tư, bác Năm Bắc, bác Sáu và chú út Lam, hợp nhau lại để cạnh tranh với các tư sản Pháp, Hoa, Ấn..., đang chi phối kinh tế nước Việt suốt thời Pháp thuộc. Ở Mật Đạo, Gia Đình đã đầu tư vào các đồn điền dọc theo đường số 9 băng ngang tỉnh Quảng Trị đến tận Lào, trong đó còn có mục đích duy trì một con đường bí mật theo “cửa sau” để nối với thế giới bên ngoài. Đây cũng là vùng đất mà vua Hàm Nghi chọn làm kinh đô kháng chiến khi rời kinh thành Huế ra chiếu Cần Vương kháng Pháp. Nghịch lý của lịch sử là chính nơi đây đã trở thành vùng biên địa khi đất nước bị chia đôi vào năm 1954. Số phận của Gia Đình với nhân vật chính là chú Út Lam trong suốt giai đoạn từ 1943 đến 1968 được kể lại trong Mật Đạo.

Ở Ngẫu Tượng, ta gặp diễn biến 55 ngày đêm của chiến dịch Giải phóng miền Nam, bắt đầu từ tháng 3/1975 đến thời điểm đoàn quân giải phóng tiến vào Sài Gòn ngày 30/4/1975, hoàn tất cuộc chiến tranh thống nhất đất nước. Ngẫu Tượng là sự tiếp nối của ba nhân vật: chuẩn tướng Dũng - một người cháu của ông út Lam, ông Cơ - một sĩ quan tình báo cách mạng - bạn của ông Lam và Sơn - đại tá biệt kích VNCH, người đã từng xâm nhập điền trang Ba Đồi bắt cóc ông Lam để truy tìm mật đạo.

Và ở Nghiệp Chướng, vai diễn được trao cho thế hệ kế tiếp, Luân - con của ông Lam - tái ngộ với những người quen cũ tại Sài Gòn sau ngày thống nhất. Các thành viên Gia Đình đã về già, chuẩn bị truyền lại cho thế hệ mới nữa là Tiên...

Trong một bộ ba tác phẩm dạng thức triglory, mỗi tác phẩm đều có thể đứng độc lập, không cần đọc Mật Đạo cũng có thể thích Ngẫu Tượng hoặc Nghiệp Chướng. Dù vậy, khi đặt cả ba trong một mạch chuyện chung sẽ tạo ra một chiều sâu lịch sử cho tác phẩm...

| THÔNG TIN TÁC GIẢ |  

Lưu Vĩ Lân là một nhà văn, một người viết trầm lắng dù ngay từ tiểu thuyết "Mật đạo" (2018), anh đã được người trong giới đánh giá rất cao. Sau đó anh tiếp tục cho ra mắt Ngẫu tượng (2019), và "Nghiệp chướng" (2020). Sau khi được vinh danh tại Giải thưởng văn xuôi năm 2021 của Hội Nhà văn TPHCM, tiểu thuyết Nghiệp chướng (NXB Hội Nhà văn) của nhà văn Lưu Vĩ Lân tiếp tục được trao giải A - Giải thưởng Văn học - Nghệ thuật năm 2021 của Liên hiệp Các hội VH-NT Việt Nam. 

Nguồn: NXB Tổng hợp TPHCM