Cùng Quý vị thân hữu,

"OneBook" - dự án giáo dục do Học viện Quản lý PACE và Dự án Khuyến đọc Sách Hay sáng lập, và được điều hành bởi Viện IRED - là câu chuyện kể về một khát vọng mang tên "dân trí cho vùng khó".

Đây còn là câu chuyện về một khát vọng mang tên “dân trí cho vùng khó”,

Lẻ ba mươi năm, đất nước hoàn toàn độc lập, thống nhất và đang bừng khí thế bước vào một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của hội nhập và phát triển.

Nhưng lẻ ba mươi năm, chúng ta vẫn còn những trẻ nhỏ không được đến trường mà phải phơi lưng ngoài nương rẫy hay mài chân trên những vỉa hè vì cuộc mưu sinh. Lẻ ba mươi năm, còn bao nhiêu công nhân đang ngày đêm miệt mài trong các nhà máy, trên các công trường, những nơi có dư thừa khói bụi và tiếng ồn, nhưng vẫn còn thiếu vắng nhiều thông tin và tri thức. Lẻ ba mươi năm, những người trồng nên hạt gạo, ươm nên vườn trái cây ở vùng quê xa ngái vẫn còn xa lạ với sách. Lẻ ba mươi năm, những người lính ngoài đảo xa vẫn ngóng về đất liền chờ một vài tập sách cũ để chuyền tay nhau trong những ngày biển động. Và lẻ ba mươi năm, có những sinh viên vẫn còn tần ngần quay đi trước một quyển sách hay…

Nhìn lại, đâu đó vẫn còn những "vùng khó" đang có nguy cơ trở thành "vùng trắng" và bị tách biệt trong thế giới tưởng chừng đang bội thực thông tin hiện nay. Cái khát vọng "ai cũng được học hành" từ rất lâu rồi vẫn luôn ấp ủ trong lòng dân tộc. Sự mong chờ về một nền "dân trí" cho những "vùng khó" ấy, sẽ có thể được thực hiện bằng một con đường: "đưa sách về vùng khó", để rồi ai cũng có sách để đọc, ai cũng có sách để học và để biết cách tự tìm thấy cho mình một con đường sáng.

 

Thưa Quý vị,

"OneBook" - chính là một nhịp cầu để những "vùng khó" không còn là những "ốc đảo cô đơn" khắc khoải nhìn đô thị hiện đại đang từng ngày phát triển nữa. Sách, luôn mang lại những nấc thang mới cho sự phát triển. Bởi một cuốn sách, có thể làm thay đổi số phận của một con người, như tác phẩm "Thép đã tôi thế đấy" từng hun đúc nên một thế hệ thanh niên sống vì xã hội. Bởi một cuốn sách, có thể làm thay đổi định hướng của một doanh nghiệp, như cách mà cuốn "Xây dựng để trường tồn" tác động đến chủ tịch Tập đoàn Lenovo về ý thức xây dựng một "công ty trăm năm" và mua lại thương hiệu máy tính IBM lừng danh toàn cầu. Bởi một cuốn sách, có thể làm thay đổi vận mệnh của cả một dân tộc, như cách mà Hồ Chủ Tịch đã tìm ra lời giải cho bài toán độc lập dân tộc sau khi đọc "Luận cương về vấn đề dân tộc và thuộc địa" của Lê-nin...

"OneBook" - đó chính là sự chọn lọc bằng tất cả tấm lòng trân trọng của những người tham gia dành tặng cho đồng bào "vùng khó". Một cuốn sách về "lẽ sống" với dăm dòng chia sẻ của người đề tặng chính là những "hạt giống tâm hồn" sẽ gieo vào lòng các phạm nhân để giúp họ có thể làm lại cuộc đời khi trở về với cộng đồng xã hội. Một cuốn sách về kỹ thuật nuôi trồng thủy sản với chữ ký của một kỹ sư chuyên ngành có thể làm cả một làng quê xa tận Đất Mũi tìm thấy sự sẻ chia của người may mắn hơn mình để mỗi ngày lao động hăng say hơn. Một cuốn sách giáo khoa sờn gáy cùng nét chữ nắn nót của cô học trò thành phố có thể làm khơi dậy ước mơ đi học tưởng đã lùi xa trong lòng một cậu bé chăn trâu…

"OneBook" - đó là một kỳ vọng không vượt quá tầm tay và túi tiền của bất kỳ ai mong muốn tham gia vào dự án giáo dục này. Mỗi người có thể trao tặng chỉ một quyển sách. Mỗi nhóm bạn có thể trao tặng một kệ sách. Hay mỗi doanh nghiệp có thể trao tặng một thư viện nhỏ cho một trường học vùng khó. Điều quan trọng hơn cả là thông điệp và tấm lòng của người tặng, đó mới chính là những biểu hiện cao đẹp nhất của những con người vì cái chung của dân tộc.

"OneBook" - đó chính là một niềm tin được gởi gắm, một khát vọng được sẻ chia. Chính từ đó, nó sẽ nhân lên, lan xa cho hàng triệu người, hàng triệu tấm lòng và hàng triệu niềm tin. Không xa lắm, để có thể kỳ vọng một ngày, mỗi người sẽ trao đi ít nhất là một cuốn sách và bất kỳ ai ở "vùng khó" cũng được nhận ít nhất một cuốn sách. Lúc đó, niềm tin "ai cũng được học hành" và giấc mơ "dân trí cho vùng khó" không còn là một giấc mơ xa vời nữa.

"OneBook" - như sự tiếp nối về những lan tỏa của Sách Hay trong cộng đồng. Sự cộng hưởng của những người mê sách đã và đang thắp lên một ngọn lửa niềm tin trong mỗi con người Việt Nam: Chúng ta đang có những hạt giống tốt nhất, mảnh đất tốt nhất để có thể chờ đợi một vụ mùa bội thu tri thức cho toàn xã hội, để khát vọng mang tên "dân trí cho vùng khó" sẽ trở thành một câu chuyện rất thực và rất đẹp của người Việt ta, để kỳ vọng mãnh liệt về sự học của cả dân tộc nhanh chóng được thành toàn.

23/04/2008, Sách Hay & PACE

“OneBook” đã chính thức được khởi động kể từ ngày 23/04/2008

(Hưởng ứng từ “Ngày sách Quốc tế”, còn được gọi là “Ngày Thế giới đọc sách” hay “Ngày Sách và Bản quyền Thế giới”)

OneBook quan tâm đến các đối tượng nào?

Dự án OneBook hướng tới 7 “vùng khó” khát khao có sách:
Vùng khó 1: Đồng bào ở các vùng sâu, vùng xa
Vùng khó 2: Các chiến sĩ ở biên giới, hải đảo
Vùng khó 3: Phạm nhân và học viên của các trung tâm cai nghiện, trại giáo dưỡng
Vùng khó 4: Trẻ em (Trẻ em đường phố, trẻ em ở các vùng sâu, vùng xa)
Vùng khó 5: Sinh viên nghèo
Vùng khó 6: Công nhân lao động nghèo
Vùng khó 7: Các đối tượng khác (đồng bào tại những vùng, miền vừa trải qua thiên tai, lũ lụt,…)

Hành trình OneBook đã đi qua

Mỗi cuốn sách chứa đựng những câu chuyện thật gần gũi, đầy ý nghĩa, khơi gợi lòng tin tưởng vào cuộc sống, vượt lên lỗi lầm và nhận ra chân giá trị trong cuộc sống hiện tại.
Ngày 22/8, những người tù của trại giam Z-30D, Bình Thuận nhận được hơn 3.000 cuốn sách mới, thuộc nhiều lĩnh vực do dự án OneBook của tổ chức Sachhay.org trao tặng. Thư viện của trại giam lớn nhất nước này mở cửa liên tục trong tuần nhằm tạo điều kiện ch
Khởi hành từ TP HCM, ban tổ chức án OneBook mang hơn 3.000 quyển sách thuộc nhiều lĩnh vực như: pháp luật, văn học, nghệ thuật sống, lịch sử... về trao tận tay các tù nhân.
Z30D, trại giam lớn nhất nước nằm ở huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận là trại giam đầu tiên tiếp nhận sách từ dự án này. Hơn 3.000 cuốn sách đã được đưa từ TP.HCM về đây.
Các sách tặng trong chương trình này bao gồm: sách giáo khoa các lớp 10, 11, 12; sách tham khảo cho học sinh và giáo viên tiểu học, THCS, THPT; các sách thuộc nội dung sống đẹp, sách văn học, sách văn hóa - lịch sử - truyền thống, sách học nghề và 500 quy
OneBook cho biết, thư viện của trường chỉ là góc phòng nhỏ, thưa thớt vài cuốn sách giáo khoa của các em khóa trước gửi tặng lại trường làm sách học chung cho khóa dưới, hoàn toàn không có sách tham khảo, sách văn học hoặc các thể loại khác.

Chia sẻ từ các nhân vật

Bạn CiL Juy

(Học sinh trường Langbiang)

Vào một buổi sáng đẹp trời, trường THPT Bán trú Langbiang càng rộn ràng hẳn lên khi có những bước chân lạ bước vào cổng trường, khi trên tay mọi người đang mang theo những thùng quà nặng trĩu, khuôn mặt ai cũng tươi vui, rạng rỡ, toát lên niềm cảm thông và yêu thương đến vô bờ. Thật sự bất ngờ, tất cả những thùng quà đó là sách: sách giáo khoa, sách tham khảo, tranh truyện… Chúng em thật xúc động và vui sướng đến vô ngần khi được Dự án OneBook về thăm trường và trao tặng sách.

Trong phút chốc, thư viện bé nhỏ, đơn sơ của trường ngày nào giờ đây tràn ngập sách. Điều ao ước của chúng em bấy lâu nay đã thành hiện thực. Niềm hạnh phúc cứ trào dâng khi lật từng trang sách trên tay, từ tấm lòng ưu ái mà quí anh chị trong Dự án đã không ngại đường xa vất vả để đến tận nơi này. Đối với học sinh chúng em, có được những cuốn sách quí giá này là có được những hành trang để dẫn bước chúng em bước vào đời. Điều đó thật quí giá biết chừng nào!

Vũ Văn Ngọc

(sinh năm 1987, phạm nhân Trại giam Thủ Đức (Z30D) - Bình Thuận)

Cũng như bao phạm nhân khác tôi là một phạm nhân hay còn gọi là những con người lệch chuẩn về đạo đức. Cánh cửa cuộc đời như khép lại trong tôi khi nghe tòa tuyên án, một bản án dài xa thẳm, tôi tưởng chừng như muốn gục ngã, trước mắt mình bầu trời như muốn sập xuống. Rồi khi ngồi đối diện với bốn bức tường trại giam lạnh lẽo và ẩm ướt, mọi thông tin về thế giới bên ngoài đều bị cắt đứt nên chỉ biết lơ mơ và mù tịt. Lúc ấy tôi chỉ ao ước có một cuốn sách, tờ báo để đọc cho thời gian trôi qua thật mau.

Được cầm trên tay những cuốn sách mà Dự án OneBook trao tặng - những cuốn sách mà mình đã lãng quên từ lâu, lòng tôi cháy lên một khao khát được xem, đọc. Mỗi lúc có thời gian nghỉ ngơi tôi lại lao vào đọc, những cuốn sách, tập truyện như tiếp thêm sức mạnh làm tôi quên đi những mệt nhọc. Đối với tôi sách, báo, truyện, tạp chí như một món ăn tinh thần, một liều thuốc bổ, giúp tôi xóa dần đi nỗi mặc cảm trong lòng, động viên an ủi mình trong chặng đường cải tạo. Khi đọc, xem tôi mới hiểu và giác ngộ ra rằng bản thân mình còn có rất nhiều sự thiếu sót cần bổ sung và yêu thương gia đình hơn, giao tiếp với mọi người hiền hòa, cởi mở hơn… Sách báo tại Thư viện đã tiếp thêm cho tôi nghị lực để phấn đấu học tập, lao động cải tạo ngày một tiến bộ.

Dương Thị Tường Thi

(Phạm nhân Trại giam Thủ Đức (Z30D) - Bình Thuận)

Tôi đã từng có suy nghĩ tự đưa mình vào chốn lao tù thì chỉ có biết đến lao động, bị giam cầm và buộc cách ly hoàn toàn với xã hội. Trái lại với suy nghĩ đó, khi thụ án tù tại Trại giam Thủ Đức, phạm nhân chúng tôi còn được học tập, rèn luyện đạo đức để trở thành những con người “bình thường”. Bên cạnh các biện pháp chế tài mà pháp luật của Nhà nước qui định, Ban Giám thị - Hội đồng cán bộ Trại giam luôn quan tâm nâng cao tầm nhận thức còn hạn chế của phạm nhân thông qua việc trang bị những kiến thức bổ ích từ việc đọc, học hỏi, tìm tòi qua sách báo.

Bằng những chính sách rộng mở giành cho phạm nhân, sự đóng góp của phạm nhân và gia đình thân nhân phạm nhân, đặc biệt là sự hảo tâm của các doanh nghiệp như Công ty thiết kế Sỹ Hoàng qua dự án OneBook đã cung cấp cho Thư viện một số lượng lớn sách giá trị, phong phú về chủng loại. Số sách đã đáp ứng tương đối đủ thể loại cho người đọc, và rất phù hợp với môi trường cải tạo của phạm nhân chúng tôi. Bản thân tôi qua việc đọc sách báo ở Thư viện Trại nhận thấy mình trưởng thành nhiều hơn, nhận ra cuộc đời còn nhiều điều bổ ích cần phải đi hết để khám phá, phấn đấu và hy vọng. Sách mà Dự án OneBook mang tới là sách đẹp, sách sạch, sách dạy làm người, thực sự là món ăn tinh thần, giúp cho chúng tôi an tâm tư tưởng cải tạo.

Báo chí viết về OneBook

Việt Nam Net

“…Dù thụ án lâu hay mau, trình độ cao hay không biết chữ, thì đối với các phạm nhân, khoảng cách bên này và bên kia cánh cổng trại giam đều là như nhau, xa ngái. Phạm tội thì phải trả giá, đó là điều đương nhiên. Nhưng sách sẽ giúp những ngày thụ án của phạm nhân có ý nghĩa, và nó vẫn còn có ích khi họ được trở về với đời sống xã hội. Những ai đem đến cho tù nhân dù chỉ là một, chứ không cần đến ba nghìn cuốn, đều đáng được trân trọng.

Bởi sách chính là phương tiện hiệu quả rút ngắn thời gian của những cái “nhất nhật tại tù” - giúp phạm nhân cải tạo tốt để được giảm án hoặc ít ra cũng tạo cảm giác thời gian trôi qua nhanh; và làm gần lại những khoảng cách, trong đó có dặm dài tri thức…”

VnExpress

“…Chuyến tàu chở sách cập bến, đoàn chỉ có hơn 20 người mà làm cả xã đảo xôn xao. Những cuốn sách đầu tiên vừa trao tặng đã được các em nhanh chóng chuyền tay nhau đọc ngấu nghiến ngoài hành lang ngôi trường nhỏ…

Giờ ra chơi, nhưng nhiều em ôm sách vào một góc hành lang đọc, khúc khích cười vì một vài chi tiết thú vị nào đó trong cuốn sách Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ của Nguyễn Nhật Ánh. Xã đảo hết xôn xao, và niềm vui nhè nhẹ dâng lên đâu đó từ những cuốn sách các em đang cầm trên tay.”

VTC

“…Chỉ mới Một cuốn sách, sẽ có một niềm tin, một khát vọng được chia sẻ. Nó sẽ được nhân lên, lan xa đến với nhiều người. Mỗi một cuốn sách được trao đi sẽ có một người được tiếp cận với thế giới tri thức, giấc mơ dân trí cho vùng khó sẽ không còn xa vời nữa…”

Lao động

“…”Một cuốn sách” - đó là kỳ vọng không vượt quá tầm tay và túi tiền của bất kỳ ai mong muốn tham gia vào dự án giáo dục này. Mỗi người có thể trao tặng một cuốn sách, mỗi nhóm có thể tặng kệ sách (khoảng 20 triệu đồng), mỗi doanh nghiệp có thể tặng một thư viện nhỏ (khoảng 100 triệu đồng) cho một trường học vùng khó. Bởi đã nhiều năm qua, không ít nông dân còn xa lạ với sách, không ít sinh viên chẳng đủ tiền mua cuốn sách họ thích, không ít nam, nữ công nhân trẻ sống trong cảnh tùng tiện, ít xem, ít đọc…”

Lord Byron

“Một giọt mực có thể làm vạn người suy nghĩ. Một cuốn sách hay có thể làm thay đổi số phận biết bao con người.”

- Lord Byron -