Xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ thuộc TP.HCM nhưng người dân ở đây muốn có sách cho con học, phải đặt mua trước ít nhất một tháng và trả góp dần. Câu chuyện thoạt nghe thật khó tin ở thời buổi bây giờ.
Mua sách trả góp
Con tàu đi về hướng xã đảo Thạnh An mang theo những cuốn sách cùng niềm vui chia sẻ tri thức với bộ đội biên phòng Đồn 554 và các em học sinh trường THCS Thạnh An, trường cấp tiểu học và THCS duy nhất của xã. Điều phối viên dự án Một cuốn sách, chị Vân Anh cho biết đây là điểm tặng sách mà nhóm dự án đã nghiên cứu từ rất lâu.
Dù nhiều năm qua, Thạnh An có phong trào nhường sách giáo khoa của lớp trước cho lớp sau, nhà này cho nhà khác nhưng vẫn không thấm vào đâu. Chuyện đến lớp của học trò đã khó do cuộc mưu sinh chật vật, chưa nói đến việc có sách tham khảo nâng cao kiến thức cho các em.
Ở đây, muốn mua sách cho con đi học, nhiều gia đình phải đặt trước một tháng rồi trả góp dần. Bộ sách nếu có tiền mua ngay giá 70.000 đồng, nhưng nếu trả góp, phải lên tới 100.000 đồng. Chuyện tưởng chỉ có ở vùng xa xôi hẻo lánh nào đó chứ không phải ở một xã thuộc thành phố lớn nhất nước.
Cô Nhung, giáo viên lớp 9 trường THCS Thạnh An, cho biết: "Tuy đã được nhà nước hỗ trợ rất nhiều, các em đến trường không phải đóng học phí, được tặng một phần sách vở nhưng vẫn còn nhiều em bỏ lớp, ra bưng bãi kiếm sống cùng gia đình".
Bộ đội biên phòng Đồn 554 mở lớp dạy học đã gần 10 năm nay, nhưng do thiếu giáo viên dạy các môn nên chỉ có mỗi anh Vũ Trường Tính đứng lớp nhỏ. Các em học trung học phổ thông ở đây phải dậy từ lúc 5 giờ sáng, qua 2 lần tàu để đến trường. Học sinh ở ấp đảo Thiềng Liêng, phải vượt 45 phút đường tàu để đến trường THCS Thạnh An.
Xã đảo nhỏ, chiều ngang chưa đầy 1 km, chiều dài gần 2 km, phải thường xuyên đối mặt với thiên tai. Cơn bão Durian năm 1997 gần như quét sạch xã đảo, nên hiện nay khi dự báo có bão lớn, toàn bộ người dân phải di chuyển vào đất liền. Nước ngọt ở đây cũng phải mang từ đất liền ra, điện chỉ phát từ 8 giờ sáng đến 1 giờ đêm...
Dù cuộc sống hiện tại của người dân đã được cải thiện ít nhiều, vẫn có một độ chênh nhất định về sự tiếp cận tri thức so với các khu vực khác của TP.HCM. Trung úy Bùi Văn Đồng, tâm sự: "Ở đây buồn lắm, ngoài giờ làm việc, chúng tôi chỉ có chiếc tivi để xem, duy nhất một bàn bóng bàn và sân bóng chuyền. Sách là niềm mơ ước".
Giải khát cho người khát... sách
Chuyến tàu chở sách cập bến, đoàn chỉ có hơn 20 người mà làm cả xã đảo xôn xao. Những cuốn sách đầu tiên vừa trao tặng đã được các em nhanh chóng chuyền tay nhau đọc ngấu nghiến ngoài hành lang ngôi trường nhỏ.
Bà Quách Thu Nguyệt, giám đốc Nhà xuất bản Trẻ, người tham gia nhiều chuyến tặng sách của dự án gần một năm qua chia sẻ: "Với số sách này, chúng tôi mong rằng có thể chia sẻ một phần tri thức, nhẹ bớt một phần gánh nặng mưu sinh cho gia đình các em". Chị Lan, thành viên Hội doanh nhân trẻ TP.HCM nói: "Tôi rất mê sách, lần ra đảo này, thấy sự thiếu thốn của các em, tôi càng muốn được chia sẻ nhiều hơn".
4.000 cuốn sách, trong đó sách giáo khoa và sách tham khảo chiếm số lượng lớn. Với số học sinh hiện có của xã đảo, mỗi em sẽ được nhận một bộ sách giáo khoa. Ngoài ra, còn có một số đầu sách văn học, ngoại ngữ, khoa học, lịch sử, sách dạy kỹ năng sống đẹp... Những cuốn sách mang niềm hy vọng phần nào bù đắp được sự thiếu thốn tri thức lẫn những khó khăn trong cuộc sống của các em và lực lượng bộ đội biên phòng đang giữ gìn 23km đường biển của đất nước.
Chị Mai Nương, thành viên của nhóm điều hành dự án cho biết: "Đây là lần thứ 9, dự án Một cuốn sách tặng cho những vùng thật sự cần sách. Mỗi chuyến đi mang một tâm trạng, một niềm vui vì đã đưa sách cho những người đang cần, và cũng có một chút buồn vì biết vẫn còn nhiều nơi cần đến sách".
Giờ ra chơi, nhưng nhiều em ôm sách vào một góc hành lang đọc, khúc khích cười vì một vài chi tiết thú vị nào đó trong cuốn sách Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ của Nguyễn Nhật Ánh. Xã đảo hết xôn xao, và niềm vui nhè nhẹ dâng lên đâu đó từ những cuốn sách các em đang cầm trên tay.
Lê Tám
Nguồn: VietNamNet