Ngày đăng : 31/03/2016

La Sơn phu tử và khí tiết của kẻ sĩ triều Lê


Trong lịch sử cuộc nội chiến giữa nhà Nguyễn và nhà Tây Sơn, La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp được nhắc đến như một danh sĩ có tài năng và nhân cách, được cả hai bên kính trọng. Đặc biệt là Bắc Bình vương - Quang Trung Nguyễn Huệ, người đã nhiều lần mời cụ ra tương kiến với những lời lẽ khiêm cung nhất. Song thực tế lịch sử cho thấy cụ bất phục nhà Tây Sơn và những cuộc hội kiến gượng gạo giữa cụ với hai vua Tây Sơn Quang Trung và Cảnh Thịnh đã chứng minh điều đó. Với nhà Nguyễn, cụ không có nhiều dịp chứng tỏ, nhưng cách xử sự của cụ với nhà Tây Sơn gián tiếp cho thấy cụ vẫn tôn trọng tính chính thống của triều đại này.

LA SƠN PHU TỬ, NGƯỜI KHÔNG ƯA LÀM QUAN 

La Sơn phu tử sinh năm 1723 tại xã Nguyệt Ao, tổng Lai Thạch, huyện La Sơn, xứ Nghệ An (thời nhà Lê, nước ta có 13 xứ thừa tuyên). Khi cụ còn nhỏ, một người chú là Nguyễn Hành đỗ tiến sĩ năm 1733 đã đỡ đầu cho cụ trên đường học vấn. Cụ được mô tả là người có thiên tư sáng suốt, học rộng, hiểu sâu. Năm 1743, cụ đỗ kỳ thi Hương, các tài liệu về sau cái thì ghi cụ đậu giải nguyên (đỗ đầu hạng Cử nhân), cái thì ghi cụ đỗ cuối bảng. Song có một điều chắc là sau khi đỗ kỳ thi Hương, Nguyễn Thiếp không tiếp tục sôi kinh nấu sử mà chỉ chú tâm đọc sách và thăm thú cảnh non xanh nước biếc, làm thơ để ghi lại những cảm xúc của mình. Khoảng năm 28 tuổi, cụ cưới vợ là con gái cụ Đặng Uyên Túc và là chị vợ Nguyễn Khản, anh trai thi hào Nguyễn Du. Như vậy, La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp cùng Nguyễn Khản là anh em bạn rể (đồng hao). Năm 1748, ý tưởng về khoa cử trở lại với Nguyễn Thiếp, cụ dự thi kỳ thi Hội, song chỉ đỗ tam trường, xem như không trúng cách, bèn bỏ vào Bố Chính (phia Bắc sông Gianh). 6 năm sau (1754), cụ trở lại quê nhà và bắt đầu nghĩ đến chuyện ra làm quan như một kế sinh nhai. Hai năm sau (1756), cụ được bổ làm Huấn đạo huyện Anh Đô, Nghệ An, phụ trách việc giáo dục tại huyện. Khoảng năm 1762, cụ được bổ làm Tri huyện Thanh Chương, Nghệ An, làm việc nhưng không mấy thanh thản khi chứng kiến những chuyện thị phi trong cung vua phủ chúa vào giai đoạn cuối của triều Lê. Cũng vì vậy mà khi còn làm quan, cụ đã lập một trang trại trên núi Thiên Nhận để dự phòng con đường ở ẩn về sau. Năm 1767, chúa Trịnh Doanh qua đời, Trịnh Sâm nối ngôi vương, nhiều biến động xảy ra trong và ngoài cung đình, sĩ phu chán nản, dân chúng khổ sở. Một năm sau (1768) cụ dâng sớ từ quan và trở lại núi Thiên Nhận, nơi đã chuẩn bị cho một đời ẩn dật.

Bình sinh Nguyễn Thiếp không phải là người có địa vị cao chốn quan trường, nhưng nhân cách và tài năng của cụ được lan truyền xa, nhiều người ngưỡng mộ, kể cả những đại quan trong triều. Năm 1780, quan Hiệp trấn Nghệ An Bùi Huy Bích gửi bài thơ thăm cụ bày tỏ lòng yêu mến một người có tài mà không màng danh lợi, Cụ gửi thơ trả lời lại, nhân đó xin với Bùi Huy Bích khoan giảm thuế má cho dân nhờ. Nhờ đó mà dân Nghệ An lúc bấy giờ được dễ thở hơn trước gánh nặng thuế khóa của triều đình. Cũng trong năm này, chúa Trịnh Sâm gửi tờ truyền mời Nguyễn Thiếp ra Đông kinh diện kiến, quan trấn thủ Nghệ An có trách nhiệm cử người hộ vệ và cấp cho cụ chi phí trong 10 ngày. Chuyến đi này được sách Gia phổ họ Nguyễn làng Nguyệt Ao chép rằng mục đích của Trịnh Sâm là bàn với cụ việc soán ngôi nhà Lê, nhưng cụ thưa rằng làm như thế là không phải, nên Trịnh Sâm không dùng tới cụ nữa. Một câu hỏi được đặt ra: bên cạnh Trịnh Sâm có nhiều quan tướng giỏi, sao chúa Trịnh lại cần đến một cựu tri huyện quèn như Nguyễn Thiếp? Câu trả lời hợp lý nhất là cụ nổi tiếng tinh thông về lý số như Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm nên mới được chúa vời đến.


La Sơn phu tử, bản in năm 1952, Minh Tân, Paris ấn hành. Ảnh: Tâm Hiếu.

LA SƠN PHU TỬ VÀ NHÀ TÂY SƠN

La Sơn phu tử được người đời sau biết đến nhiều là qua những lần được Bắc Bình vương Nguyễn Huệ mời đến hội kiến và giúp ý. Tháng 5 năm 1786, Nguyễn Huệ chiếm được kinh thành Phú Xuân và theo lời bàn mưu của Nguyễn Hữu Chỉnh, nguyên là một văn thần nhà Lê, đã mang quân ra Bắc với danh nghĩa “phù Lê diệt Trịnh”. Thanh toán xong họ Trịnh, ông được vua Lê cử làm Nguyên súy Phù chính dực võ Uy Quốc công và gả cho con gái là công chúa Lê thị Ngọc Hân. Quốc công là tước cao nhất lúc bấy giờ, ngay cả hoàng thái tử nhà Lê cũng chỉ được phong tước này, song tham vọng của Nguyễn Huệ không dừng lại ở đó, nhất là sau khi vua Lê Hiển Tông thăng hà chỉ hai tháng sau và người cháu lên nối ngôi (Lê Duy Kỳ) là một người bạc nhược. Có nhiều lý do để tin rằng Nguyễn Huệ mấy lần mời Nguyễn Thiếp đến tương kiến một phần là do ngôi vị nhà Lê đang lung lay và xem đây có thể là cơ hội để thỏa mãn tham vọng mà anh em nhà Tây Sơn đã ấp ủ từ ngày phất cờ khởi nghĩa. Đầu năm 1787, Huệ sai hai quan triều mang thư, lễ vật, vàng và lụa đến thăm Nguyễn Thiếp. Thư của Nguyễn Huệ có lời lẽ trang trọng, ngụ ý muốn mời La Sơn phu tử xuống núi giúp mình. Nhận thư, không tiện trả lời thẳng với người của Nguyễn Huệ, cụ để đến 5 hôm sau mới viết thư phúc đáp rồi nhờ người học trò ở gần quê mang trả lại Long Nhương tướng quân (chức của Nguyễn Huệ lúc bấy giờ) thư mời cùng toàn bộ lễ vật. Thư cụ đầy vẻ khiêm cung, nêu lên 3 lẽ không thể ra giúp Nguyễn Huệ, trong đó có việc chăm lo thờ phụng song thân và đã về trí sĩ lâu rồi. Thư Nguyễn Huệ gửi cụ đề niên hiệu Thái Đức của nhà Tây Sơn (Nguyễn Nhạc), thư phúc đáp của cụ đề niên hiệu Cảnh Hưng của vua Lê Hiển Tông vừa qua đời, ngụ ý cụ vẫn còn là thần tử của nhà Lê. Học giả Hoàng Xuân Hãn, tác giả quyển “La Sơn phu tử” đã có một nhận xét đáng chú ý khi cho rằng việc Nguyễn Thiếp không chỉ trả lại lễ vật cho Nguyễn Huệ, mà trả cả thư Huệ gửi nữa, và điều này chứng tỏ cụ hoàn toàn không muốn giao thiệp với Huệ.

Tháng 4 âm lịch (al) năm 1787, Nguyễn Nhạc xưng đế ở Quy Nhơn, phong hai em là Nguyễn Huệ làm Bắc Bình vương, Nguyễn Lữ làm Đông Định vương. Tháng 8 al cùng năm, Huệ chuẩn bị chiếm lấy Bắc hà nên đã sai quan mang thư và lễ vật đến gặp Nguyễn Thiếp lần nữa. Lời thư lần này thống thiết hơn, ví Nguyễn Thiếp như Khương Tử Nha, Khổng Minh, với tất cả sự nhún nhường, mong “để cho quả đức có thầy mà thờ, cho đời này có người mà cậy…”[1]. Và một lần nữa, Nguyễn Thiếp cũng khước từ lời mời của Nguyễn Huệ, viện dẫn thêm lý do sức khỏe, già yếu. Đọc thư Nguyễn Thiếp, Huệ càng trọng nể cụ hơn, 11 ngày sau lại viết thư thứ ba, sai Hình bộ Thượng thư Hồ Công Thuyên đích thân mang vào núi trao cho cụ. Trái với hai lần trước, lần này, người đời sau không tìm thấy câu trả lời của La Sơn phu tử, không rõ vì cụ không viết thư, hoặc đã trả lời thẳng với sứ giả, hay vì thư cụ bị thất lạc. Nhưng có điều chắc là sau lá thư thứ ba của Nguyễn Huệ, cụ vẫn không đến gặp Bắc Bình vương. Lúc đó, nhiều biến động xảy đến trong nội bộ nhà Tây Sơn: Nguyễn Huệ sai Vũ Văn Nhậm ra Bắc giết Nguyễn Hữu Chỉnh rồi không lâu sau lại tự mình ra Bắc giết Nhậm. Tháng 3 al năm 1788, Bắc Bình vương lại gửi cho Nguyễn Thiếp bức thư thứ tư rồi thân hành đến núi Nghĩa Liệt chờ cụ. Lần này Nguyễn Thiếp đã ra mặt gặp Huệ. Cuộc hội kiến diễn ra không lâu nhưng sự ứng đối của La Sơn phu tử khiến cho Bắc Bình vương Nguyễn Huệ vô cùng khâm phục. Ít lâu sau, Huệ nhờ cụ giúp coi địa lý nhằm dựng đô ở quê quán Nghệ An. Nguyễn Thiếp viết thư can gián Huệ, dùng lẽ phải trái xin đừng lập đô tại nơi dự dịnh vì địa thế không hợp. Điều này được giải thích là cụ vẫn nuôi ý phò Lê, không muốn nhà Tây Sơn thống lĩnh toàn thiên hạ nên chỉ xem giang sơn của họ là đất Phú Xuân mà thôi.

Tháng 10 al năm 1788, quân Thanh kéo sang đất Việt, do vua Lê Chiêu Thống thấy đang bị nhà Tây Sơn uy hiếp đã cử người đi cầu cứu triều đình nhà Thanh. Hai tháng sau, Nguyễn Huệ tự xưng hoàng đế, lấy niên hiệu Quang Trung và chuẩn bị đưa quân ra Bắc. Khi ra tới Nghệ An, Huệ mời Nguyễn Thiếp đến bản doanh hỏi ý kiến về việc chống quân Thanh. Sau khi phá tan giặc, Nguyễn Huệ trở về Nam, lại ghé Nghệ An mời Nguyễn Thiếp đến bàn chuyện quốc sự. Đó là những lần gặp chính giữa Bắc Bình vương - Quang Trung Nguyễn Huệ với xử sĩ La Sơn phu tử, trước sau Huệ vẫn luôn tôn trọng những ý kiến cụ đưa ra với tất cả lòng ngưỡng mộ. Sau khi vua Quang Trung mất rồi, nhà Tây Sơn bắt đầu suy vi, trong khi lực lượng của chúa Nguyễn Ánh ngày một lớn mạnh. La Sơn phu tử tiếp tục cuộc sống ẩn dật cho đến một ngày đầu năm 1801, cụ được vua Cảnh Thịnh của nhà Tây Sơn triệu vào cung (ở Phú Xuân) với thư mời và nhiều lễ vật rất hậu. Không thể chối từ, cụ đến gặp Cảnh Thịnh, khuyên vua Tây Sơn nên dời đô ra Đông kinh (Thăng Long), trả Phú Xuân lại cho nhà Nguyễn. Hẳn nhiên là Nguyễn Quang Toản không bằng lòng. Đó cũng là gặp duy nhất giữa hai người.


La Sơn phu tử, bản in năm 2016, DT Books và Nxb Khoa học Xã hội ấn hành. Ảnh: Tâm Hiếu.

LA SƠN PHU TỬ VÀ NGUYỄN ÁNH - GIA LONG

Tháng 5 al năm 1801, Nguyễn Ánh đánh lấy Phú Xuân (Huế), vua Tây Sơn Cảnh Thịnh cùng tướng tá bỏ chạy ra Bắc. Nguyễn Thiếp vẫn ở lại, cho dù những kẻ theo hầu muốn cụ ra đi, vì dù gì thì cụ cũng có các mối quan hệ với nhà Tây Sơn. Chúa Nguyễn nghe tiếng cụ từ lâu, triệu cụ tới, hậu đãi và muốn mời cụ làm quan. Đó là nội dung do sách Lê mạt tiết nghĩa lục chép, còn sách Đại Nam thực lục của quốc sử quán triều Nguyễn lại chép khác: “… Thả xử sĩ ở Nghệ An là Nguyễn Thiếp về. Thiếp là người xã Nguyệt Ao, huyện La Sơn, đâu Hương tiến đời Lê, làm quan huyện Thanh Chương, bỏ quan về nhà. Khi nhà Lê mất, theo lời mời của Nguyễn Quang Toản mà ở lại Phú Xuân. Tới nay vào yết kiến, xin trở về làng. Vua dụ rằng: “Khanh là người tuổi tác, đạo đức, rất được người ta trông cậy. Sau khi trở về núi nên khéo đào tạo lấy nhiều học trò để ra sức phò giúp thịnh triều, khỏi phụ tấm lòng rất mực mến lão kính hiền của ta”. Bèn sai quan quân đưa về…”[2].

***


Có thể nói từ trước đến nay, chưa có ai khảo về La Sơn phu tử tường tận bằng học giả Hoàng Xuân Hãn. Đọc ông, chúng ta thấy rằng có không ít người đã tô vẽ quá đáng về điều gọi là sự chiêu hiền đãi sĩ của Long Nhương tướng quân - Bắc Bình vương Nguyễn Huệ. Hóa ra mục đích chính của Huệ khi nhẫn nại, khiêm cung 3 lần 4 lượt mời cụ chỉ vì cụ tinh thông về lý số và vương muốn nhờ cụ tìm cho cuộc đất để xây dựng kinh đô, một khi đã lấy được ngôi nhà Lê, làm chủ thiên hạ. Về phần La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp, đường công danh thật quá khiêm tốn, chỉ là một Tri huyện, vào hàng ngũ-lục phẩm, ngoài tài năng về lý học được nhiều người biết tiếng, cụ cũng chưa từng có dịp biểu lộ tài kinh bang tế thế, và chuyện Nguyễn Huệ cố công vời cụ chắc chủ yếu cũng chỉ vì cái Phượng hoàng Trung đô đầy tham vọng mà ông dự định xây dựng tại Nghệ An.

Song vì sao, La Sơn phu tử được người đời sau trọng vọng đến như thế? Đó là vì cụ sống theo lẽ phải của kẻ sĩ giữa thời tao loạn. Khi nhà Tây Sơn đang lúc thịnh thời, lại quị lụy mời cụ ra giúp, cụ đã không biến mình thành kẻ tùy thời, lợi dụng thời cơ để kiếm chác công danh. Ngay đến lúc cuối cùng phải ra mặt hội kiến với Nguyễn Huệ, cụ vẫn giữ khí tiết của kẻ sĩ triều Lê, khuyên Huệ không nên đóng đô ở Nghệ An mà nên trở về Phú Xuân là nơi ông đã chiếm đóng từ tay nhà Nguyễn. Năm 1801, khi phải đến gặp vua Tây Sơn Cảnh Thịnh, cụ lại khuyên nên dời đô ra Đông kinh (Thăng Long), trả Phú Xuân lại cho nhà Nguyễn. Nếu không phải là người khảng khái, phu tử đã không có những lời nói có thể làm mất lòng hay mất mặt kẻ đương quyền như thế. Những dữ kiện trên cũng chứng tỏ La Sơn phu tử vẫn tôn trọng tính chính thống của nhà Nguyễn ở phương Nam và nhà Lê ở phương Bắc. Đáng tiếc là cụ đã sinh bất phùng thời, không có dịp đem tài năng ra phục vụ xứ sở, dưới tay của một minh quân hết lòng vì dân, vì nước.

22.7.2015

Lê Nguyễn

 


[1] Hoàng Xuân Hãn, La Sơn phu tử, Nxb. Văn học, Hà Nội, tr. 130.
[2] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, tập 1, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 2002, tr. 445.