Ngày đăng : 05/10/2015

'Ly tao' - lời oán thán của bậc trượng phu Khuất Nguyên


Tác phẩm vừa tái bản tràn đầy tâm sự thời cuộc, thể hiện lòng trung trinh của thi hào qua bản dịch của Nhượng Tống. 

Ly tao là một trong những tác phẩm thi ca nổi tiếng trong lịch sử Trung Quốc. Lý tưởng cao đẹp và tinh thần bất khuất của tác giả Khuất Nguyên thể hiện rõ trong các bài thơ. Tập thơ được Nhượng Tống (Hoàng Phạm Trân) dịch, Nhà xuất bản Tân Việt phát hành năm 1944. Mới đây, công ty Nhã Nam và Nhà xuất bản Văn học tái bản. Tập sách gồm trường thi Ly tao và nhiều bài thơ khác.

Khuất Nguyên (340 trước Công nguyên - 278 trước Công nguyên) là nhà thơ, nhà chính trị nổi tiếng. Ông vốn là người trong hoàng tộc nước Sở, làm chức Tả Đồ cho Sở Hoài Vương. Ông học rộng, giỏi về chính trị, có tài văn chương, chỉ mong dốc sức cho nước Sở được hùng mạnh. Ban đầu ông được vua yêu quý, sau có quan lại ganh tài, tìm cách vu cáo hãm hại. Vua nghe lời gièm pha nên không trọng dụng Khuất Nguyên.

Vua Sở thiếu người anh minh, đưa ra nhiều quyết định sai lầm, dẫn tới nước nhà từ thế mạnh dần suy sụp. Khuất Nguyên không chịu nổi họa mất nước, liền ôm bọc đá nhảy xuống sông Mịch La tự trầm. Truyền thuyết cho rằng ông chết vào ngày 5/5 âm lịch, nên nhân dân Trung Quốc cúng Tết Đoan Ngọ tưởng nhớ người trung nghĩa.

Ly tao - dịch ra tiếng Việt là "sự oán thán", cũng có nghĩa như "sự buồn phiền", "tâm trạng xáo trộn" - viết trong thời gian vua Sở xa lánh Khuất Nguyên. Trong trường thi này, tác giả thể hiện nỗi niềm phẫn uất trước thời cuộc. Vì lòng yêu nước nồng nhiệt mà nỗi đau của Khuất Nguyên lên tới cực điểm. Điểm đặc sắc là tác giả vận dụng nhiều thần thoại, truyền thuyết, thể hiện trí tưởng tượng phong phú, ngôn ngữ trong sáng, bay bổng.

Trong tác phẩm, Khuất Nguyên dẫn nhiều điển tích lịch sử mong nhà vua nước Sở học các vị thánh hiền sáng suốt (như vua Nghiêu, vua Thuấn) để trọng dụng nhân tài. Ly tao cũng thể hiện ước mong vua Sở cải tổ chính trị đang suy vong, cho thấy tinh thần hăng hái đi trước, mở đường của Khuất Nguyên. Ông ước vọng nước Sở thành một quốc gia hùng mạnh, cao hơn là đi đến thống nhất Trung Quốc.

Trường thi Ly tao dài hơn 370 câu, giống như một "tự truyện". Mở đầu, tác giả kể dòng dõi, thân thế cùng sự công phu học hỏi, tu nhân tích đức, lòng trung quân ái quốc. Vua nghe lời gièm pha, ghét bỏ khiến ông thất vọng. Tác giả tưởng tượng ra cuộc gặp vua Thuấn để bày tỏ nỗi lòng. 

Phần giữa tác phẩm, nhân vật "ta" tưởng tượng đi từ mộ vua Thuấn tới nhiều địa danh rồi lên thiên đình, nhờ sự giúp đỡ của các vị thần. Thần giữ cửa thiên đình không cho ông vào, các nữ thần khác cũng cự tuyệt. Trở lại trần thế, ông đi khắp nơi mong tìm sự thanh thản trong lòng. Nhưng khi về tới cố hương, con ngựa của ông không chịu đi nữa. Ông đã than vãn: "Vãn rằng: Thôi! Thương tiếc làm chi cho cực!/ Biết ta đâu một nước không người! Chính lành làm, sửa với ai?/ Bành Hàm đâu đó, ta thời đi theo". Bành Hàm là một nhân sĩ đời Ân, do can vua mà vua không nghe nên ôm đá tự trầm. Lời kết của Ly tao vì vậy được xem là sự báo trước cho cái chết có chủ đích của Khuất Nguyên.

Ngoài bài Ly tao, tập sách còn in nhiều sáng tác khác như Cửu ca, Quốc thương, Lễ hồn, Bốc cư, Ai sính... Cửa ca là nhóm bài hát tế thần, dựa trên bài hát tế dân gian.

Trong bài viết "Cùng bạn đọc" in ở đầu sách, Nhượng Tống nói ông dịch Ly tao bởi đã say tác phẩm Khuất Nguyên từ nhỏ. Dịch giả đưa ra những cảm nhận về tập thơ cổ: "... mở một chương Ly tao ra mà đọc đi đọc lại mấy lần thì không thấy là văn nữa. Đấy là những tiếng khóc thảm, than dài của một mảnh hồn trong sạch và đau thương, gọi với người thiên cổ".

Lam Thu
Nguồn: VnExpress